Tết xưa trong ký ức nhà thơ Vũ Quần Phương

Đối với nhà thơ Vũ Quần Phương, Tết là ký ức không nguôi ngoai của những tháng ngày đã xa trong quá khứ. Trong một ngày cận kề năm mới, tôi đến thăm nhà thơ, được cùng gia đình ông quây quần bên mâm cơm đậm đà hương vị Việt Nam. Nhà thơ Vũ Quần Phương dường như không giấu nổi niềm xúc động khi ngồi ôn lại kỷ niệm của những ngày Tết cũ, thỉnh thoảng khóe mắt ông đỏ hoe vì cảm xúc dường như chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim của thi nhân.

Cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật đầm ấm.

“Tôi mồ côi bố năm lên 6. Bố mất tháng hai thì tháng tám ông nội mất. Tôi đành ở lại quê với bà. Trong một năm bà tôi vừa mất con, vừa mất chồng thành ra lúc nào cũng ngơ ngác, bần thần. Tôi còn nhỏ không hiểu hết nỗi đau của bà, thấy bà buồn thì buồn theo, suốt ngày thơ thẩn đi theo bà. Năm 1949, mẹ đón tôi về quê ngoại, ở làng Canh, xã Xuân Phương (nay đã “lên” phường thuộc quận Nam Từ Liêm). Một năm sau tôi lại phải xa mẹ ra Hà Nội trọ, để học lớp nhì ở trường tiểu học Nguyễn Du (thuộc phường Lý Thái Tổ bây giờ). Trường học cách quê mẹ chỉ 12km nhưng với một đứa trẻ lên 10 thì thấy xa vời vợi. Mỗi năm tôi có hai đợt được về ở lâu với mẹ là dịp Tết và dịp hè. Tết thì được chơi Tết ở làng và được ăn cỗ”...

Trong ký ức của nhà thơ, không khí Tết Nguyên đán xưa vui nhất là ở bờ giếng. Hình ảnh mà ông nhớ mãi là cảnh vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong quanh bờ giếng. Khiếp nhất là cảnh “nặc nô” kéo đến vài nhà ở làng để đòi nợ, không để yên cho con nợ ăn Tết.

Thường, các phiên chợ Tết ở làng quê sẽ họp vào mấy ngày giáp Tết và luôn có dãy hàng tranh Kim Hoàng. Cũng trong những ngày này, nhà nhà bắt đầu trồng cây nêu, đụng lợn. Từ sáng sớm tinh mơ, cả làng quê đã vang lên tiếng eng éc. Nhà giàu thì mổ cả con, những nhà khấm khá một chút thì hai nhà chung nhau, còn đa số vẫn là bốn nhà, chia nhau mỗi nhà “một chân”. Trẻ con háo hức lắm. Khi đó, nhà thơ tương lai thường theo chúng bạn ra điếm canh xem chiếu thò lò (một hình thức đánh bạc), tối thì ngồi canh nồi bánh chưng, có khoai nướng và nồi nước lá mùi già.

“Cỗ Tết nhà tôi chắc cũng như hầu hết những gia đình thôn quê khi ấy. Tôi nhớ nhất là món cá kho lót giềng, mía và món thịt bò hầm. Mẹ tôi vốn là cô giáo nên mâm cỗ được bày biện đẹp hơn một chút. Món tôi thấy có vẻ “cầu kỳ”, đẹp mắt lại ít thấy ở các mâm cỗ Tết nhà khác có lẽ là món cà chua nhồi thịt băm trộn trứng. Sở dĩ Tết ngày ấy có nhiều món kho, hầm là vì những món ấy để dành được, nó như lương khô. Ăn lúc nào cũng được. Thậm chí, hết Tết, tôi đi Hà Nội học vẫn có thể mang theo”...

Ông đồ viết câu đối.

Tết năm 1973 cũng rất đáng nhớ trong cuộc đời nhà thơ, ông viết bài Từ biệt vùng quê sơ tán. Hà Nội khi ấy vừa trải qua 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, bị pháo đài bay B-52 của Mỹ đánh phá. Tất cả những ai không có nhiệm vụ bắt buộc phải ở lại thành phố đều được lệnh sơ tán. Đó là những đêm người Hà Nội ở một làng quê xa lo âu nhìn về phía chân trời rực sáng những quầng lửa đỏ và tiếng bom rền: “Người Hà Nội ra sân, nhìn về Hà Nội/ Những đêm ấy đời người không một ai quên nổi/ Cha nghĩ về dãy phố mẹ con đi/ B-52 tiếng rít xé trời khuya/ Những nhà máy thay ca, ngọn đèn đường vẫn sáng/ Bệnh viện bị trúng bom, bệnh nhân đi sơ tán/ Hà Nội tỏa trăm nơi, Hà Nội hướng về mình”...

Người con trai đầu của ông là Vũ Hà Văn lớn lên ở nơi sơ tán. Nhà thơ ghi lại tuổi bé thơ của con: “Làng sơ tán con tập men tập bước/ Mai khôn lớn bao chặng đường con vượt/ Bước đi đầu, năm ấy, ở nơi đây”...

Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký, nhà thơ vui mừng khôn xiết đèo con trở về Hà Nội: “Mai cha sẽ đưa con về phố/ Đêm cuối, nhà dân sao khó ngủ/ Trăm nỗi nhớ đầy lên vô hạn vô hồi.../ Năm tháng nhiều cay cực gian lao/ Nhiều mất mát hy sinh, cũng nhiều thương mến lắm.../ Trang sách mở ngày mai khi con học về đất nước/ Năm tháng này cha muốn nhắc con nghe”...

Cũng trong những ngày hòa bình đầu tiên ấy, nhà thơ có bài thơ Áo đỏ nổi tiếng: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/ Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không?”...

Bài thơ chỉ có 4 câu thôi nhưng ý nghĩa của nó lại dài hơn thế. Trong thời chiến, mọi người đều mặc màu xanh công nhân, hoặc màu cỏ úa bộ đội, nữ thì thêm xanh da trời... thì ở giữa phố Khâm Thiên, những ngày đầu hòa bình ấy xuất hiện một cô gái mặc áo đỏ khiến ai cũng phải ngoái nhìn. Màu áo đỏ như dấu hiệu đầu tiên của đời sống yên bình, như một khát khao về cuộc sống hòa bình, no ấm.

Phố phường ngập sắc hoa đào.

Một cái Tết đáng nhớ nữa trong cuộc đời nhà thơ Vũ Quần Phương đó là cái Tết trên đất Mỹ. Đã từ lâu, hai con trai của ông đều sinh sống và làm việc ở nước ngoài, bởi vậy, những dịp gia đình ông bà được đoàn tụ cùng đông đủ con cháu là rất hiếm. “Năm ấy, tôi sang Mỹ ăn Tết là vì nhớ con thương cháu chứ Tết xứ người làm sao sánh được với hương vị Tết ở nhà. Bên đó, cuốn lịch không có ngày âm, tôi phải lấy bút chì chú thêm ngày âm vào chủ nhật mỗi tuần. Ngày Tết, các con vẫn đi làm, các cháu vẫn đi học. Trời thì đầy tuyết”. Bởi thế, ông không khỏi tâm trạng: “Trong căn nhà này là nước Việt/ Là đèn nhang, con cháu, giao thừa/ Ngoài căn nhà này là nước Mỹ/ Ngày giữa tuần, phố đã vào trưa/ Hàng xóm đi làm yên tĩnh quá/ Nhà ta đón Tết với riêng mình”... (Đón giao thừa).

Nhà thơ Vũ Quần Phương là con trưởng, bố mẹ không còn nên Tết đến, nỗi niềm thương cha nhớ mẹ chỉ biết gửi vào nén hương ngọn nến. Khi sang Mỹ, ông nhận thấy, chỉ nhà nào có các cụ cao niên, đông con cháu và ở vùng có đông người Việt sinh sống thì mới có ban thờ gia tiên cố định. Còn các gia đình của lứa U50, hai thế hệ, ít thấy có ban thờ. Các gia đình trẻ thường lập ban thờ “lâm thời” trên nóc giá sách, trên nóc tủ, qua Tết thì dẹp đi. Có gia đình trẻ còn lập “ban thờ” ngay tại bàn ăn, sau khi bày mâm cỗ Tết thắp hương mời ông bà, tổ tiên, khi tuần nhang tàn, nhấc bát hương đi là ngồi quây vào ngay chiếc bàn đó, thế là thành bàn tiệc. Hết bữa ăn là xong Tết. Cỗ Tết bên ấy không nhiều món, nhưng cũng đủ những món chính như bánh chưng, giò chả, canh măng, nem rán, thịt gà...

“May mắn mời được vài người khách Việt là tiến sĩ, là sinh viên đang làm, đang học ở đây đến dự. Có người đã ở nước bạn hơn chục năm, người mới sang. Những kỷ niệm Tết của từng người ngẫu nhiên dẫn chúng tôi về nhiều vùng của đất nước. Thân mật, đầm ấm, ai cũng vui, một cái vui mỏng manh, dễ vỡ” - nhà thơ kể.

Mấy năm trước khi còn khỏe, thỉnh thoảng vợ chồng nhà thơ sang Mỹ thăm các con, mỗi đợt đi kéo dài khoảng nửa năm. Gần đây, sức khỏe yếu nên ông không thể đi thường xuyên được. Bởi vậy, nỗi nhớ con cháu những lúc năm hết Tết đến càng da diết hơn.

Từng sống trong ngôi biệt thự ở Định Công nhưng gia đình nhà thơ đã chuyển về một căn hộ ở chung cư cao cấp, tuy nhỏ hơn nhưng ấm cúng. Nó làm bé lại nỗi trống trải vì xa con, xa cháu của hai ông bà. Hai cậu con trai hiểu điều ấy. Gần như chưa năm nào các anh để bố mẹ lủi thủi đón Tết một mình. Mấy năm gần đây, Giáo sư Vũ Hà Văn kết hợp chuyến thăm nhà với lịch làm việc tại Việt Nam nên mọi việc càng thuận lợi.

Ký ức về Tết Nguyên đán của nhà thơ Vũ Quần Phương là vậy, vẹn nguyên tình yêu gia đình, quê hương, dân tộc.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/956392/tet-xua-trong-ky-uc-nha-tho-vu-quan-phuong