Tết xưa Tết nay trong mắt trẻ thơ

Từ khi tôi còn bé xíu đã thuộc nằm lòng câu chuyện về những cái Tết nghèo đói mà ấm áp của bố. Nhà ông bà nội tôi nghèo lắm, bữa ăn phải nhường nhau cả miếng cà pháo mặn chát nhưng ngày Tết nhất định phải tươm tất.

1. Có mấy mèn gạo nếp tích cóp trong mấy tháng mà bà gói 2 loại bánh chưng mặn ngọt, làm thanh xôi rán (hệt như xôi chiên phồng bây giờ). Nhân mặn của bà nhất định có những miếng mỡ to, dày, ướp hành khô, hạt tiêu, mắm chắt thơm lừng. Còn bánh ngọt đỏ tươi màu gấc với đỗ sên mịn, luôn là những cái bánh chưng đầu tiên thắp hương cúng cụ rồi con cháu hưởng lộc, “ngon bá cháy”. Mỗi đứa trẻ trong nhà đều được gói riêng cho cái bánh chưng bé xíu, xách lủng lẳng theo người suốt mấy ngày Tết.

Đi đụng lợn về, bao giờ bà cũng dành 1-2 miếng làm thịt khô thơm lừng bột quế, cay xè ớt khô. Mỗi ngày đầu năm mới, bà lại cắt thành từng miếng to cỡ ngón tay cái cho các con nhấm nháp, cảm giác no đủ suốt cả ngày.

Nhà ông bà đông con, chẳng đủ tiền sắm quần áo mới, bà tỉ mẩn sửa đồ của các anh chị cho các em. Có lần bố tôi phải mặc thừa quần của chị gái, có cái khóa kéo cạnh, bà không làm sao thay đổi được, bố tôi bị cả lũ bạn lêu lêu. Bà có một mẹo nữa làm mới đồ cho các con là đan khăn, mũ len mới. Cứ tháo đồ cũ tạo đồ mới, có những đợt bà phải đan thông đêm mấy ngày liền mới kịp có đồ cho các con diện Tết.

Chỉ cần cái khăn, cái mũ rực rỡ, bắt mắt thì bộ quần áo bên dưới có sờn rách cũng chẳng ai còn để ý. Mỗi lần đi chợ mua 2 bánh pháo về đốt Giao thừa và sớm mùng 1, bà đều mua thêm 2-3 bánh pháo tép bé xíu để làm quà mừng tuổi cho các con. Trẻ con thời nào cũng nghịch. Bố tôi ngày nhỏ nghịch ngầm, thường tìm bãi phân trâu cắm pháo vào đốt. Có lần tắm phân trâu từ đầu đến chân.

2. Từ năm lên 6 tuổi, tôi đã quen với danh sách công việc mỗi khi Tết đến vì trẻ con trong nhà được tham gia mọi công việc chuẩn bị cho Tết. Sáng 23 Ông Công - Ông Táo là quét mạng nhện mái nhà, tháo cửa chính, cửa sổ ra cọ rửa sạch sẽ, rồi lau dọn ban thờ, lau quét nhà cửa sạch sẽ. Vài năm 1 lần, bố mẹ cho quét ve lại để tường nhà sạch, tươi sáng.

Việc này làm từ 20, 21 Tết, để 23 là mọi thứ xong xuôi, tiễn Táo Công về trời báo cáo mọi việc suôn sẻ. 29 và 30 Tết, thể nào bố cũng dành vài tiếng chở vợ con đi chợ chọn hoa, cây cảnh. Nhất định phải có violet tím roi rói ôm lấy những bông thược dược đủ sắc màu. Sang hơn thì có cành đào con con, cắt dán thêm vài bông hoa khoe sắc.

Cả nhà tập trung vào nồi bánh chưng sáng 30. Bố sóc gạo, mẹ đãi đỗ, chúng tôi cần mẫn rửa từng cái lá dong vừa cắt ngoài vườn ở cầu ao nước lạnh cóng và cuộn lên những luồng gió mùa Đông Bắc. Thế mà ai cũng chỉ cần mặc 2-3 cái áo mỏng vẫn thấy má ửng đỏ, mồ hôi rịn trên mặt. Không thể thiếu nồi canh măng khô nấu để riêng một góc bếp mát mẻ, không ai đụng vào.

Mỗi bữa lại múc ra vài bát đủ ăn, đun bật hương thơm xương cục ninh nhừ, thả miến, hành lá, mùi tàu thái nhỏ mịn và hành tươi chẻ trắng phau là thấy dậy mùi Tết. Măng khô nồng nồng 2 lửa vừa mềm, vừa dẻo, quyện vào vài sợi miến, cứ gọi là ăn một lại muốn ăn hai.

Nồi thịt đông đêm 30 của mẹ là niềm mong chờ của tất cả bọn trẻ chúng tôi. Mẹ hầm nước bì và xương ống riêng, chắt lấy nước trong, sánh để nấu đông thịt chân giò, ba chỉ. Múc ra 10 cái bát yêu tàu, mẹ xếp vào 1 chậu nước to rồi lấy cái sàng đậy cẩn thận bên trên. Sớm hôm sau trên mâm cỗ cúng mùng Một, đã có đĩa thịt đông trong như thạch, nổi bật từng thớ thịt trắng - nâu, từng sợi mộc nhĩ đen láy như vân gỗ. Anh tôi thích ăn thịt đông với cơm nóng, nghe mùi béo ngậy, thơm lừng.

Tôi lại thích mân mê cục nước đông săn mịn, rồi cho vào miệng nhai sần sật. Mẹ có thêm món bánh su sê tuyệt đỉnh. Cái thứ bột nếp ấy mấy mẹ con xay, phơi từ đận giữa hè nóng giãy, giờ sờ tay vào mát mịn, mùi thơm man mát, chua chua. Đến lúc quyện với sợi đu đủ và nước hoa dành dành, bọc lấy đỗ xanh sên mịn với sợi dừa, luộc sôi cháy hết nén nhang là ra món bánh óng vàng hổ phách, dẻo quánh nơi đầu lưỡi, ngọt mát, kết thúc hoàn hảo những bữa ăn Tết ngập chất.

Tết nào chúng tôi cũng được mua một món đồ mới. Đứa chọn áo, đứa chọn quần, đứa chọn mũ bê rê. Nhưng từ khi vào cấp 2, Tết nào tôi cũng xin bố mẹ mua cho 1 cuốn truyện, càng dày càng tốt. Chúng tôi mê đắm màn lì xì đầu năm. Bố mẹ thường mừng tuổi các con vài tờ tiền mới coóng, có giá trị to nhất trong cả tập tiền mừng tuổi suốt Tết. Ngày mùng 1, mùng 2, hầu như chúng tôi cứ dính chặt bố mẹ. Dù đi chúc Tết hay ở nhà đón khách thì đều được nhận lì xì.

Chúng tôi không quan tâm phải đi bộ bao lâu, đến chơi bao nhiêu nhà, chỉ thấy thích vì lúc nào cũng được ăn kẹo, đốt pháo tép và nhận tiền mừng tuổi. Màn đếm tiền sau bữa cơm hóa vàng mùng 3 Tết rất kích động. Tôi là đứa tiết kiệm nhất nhà, không bao giờ lén đi mua kẹo, mua pháo nên tiền mừng tuổi nhiều nhất. Các ông anh lộc ngộc không ganh tị mà thường bĩu môi, vì tôi nhỏ nhất, được đi với bố mẹ nhiều.

3. Giờ tôi đã lên chức bà nội. Ngồi nhìn mấy đứa cháu của mình, chợt thấy Tết đã thay đổi rất nhiều. Lũ trẻ bây giờ hầu như không tham gia chuẩn bị Tết với người lớn. Dọn nhà đã có bác giúp việc. Hoa, cây cảnh đã có dịch vụ mang tới tận nhà. Bánh chưng, giò chả, xôi gấc, nem rán… đặt sẵn. Lũ trẻ không còn háo hức với những món ăn ngày Tết vì ngày thường chúng cũng đã có đủ các món đó rồi. Muốn chúng ăn nhiệt tình thì bà và mẹ phải xoay sang một vài món Tây, chí ít cũng phải đồ tẩm bột chiên giòn.

Bọn trẻ cũng không mê mải nhận mừng tuổi vì tổng giá trị quá lớn, chúng chẳng được giữ cho riêng mình như cất giữ báu vật. Mỗi lần đi đâu về, bố mẹ lại phải nhớ soạn phong bao lì xì cất đi kẻo bọn trẻ lơ đãng đánh rơi hoặc để đâu không nhớ. Mấy đứa lớn còn oằn lưng ngồi làm văn, làm toán với cả tập đề bài dập ghim dày cộp. Trong hành trang đi du lịch với bố mẹ luôn có bài vở đi kèm nên nhiều khi mới đầu năm đã bị người lớn càm ràm khi chưa làm xong bài tập.

Cái khoái nhất của bọn trẻ có lẽ là được ngồi chơi điện thoại, iPad mà ít bị càm ràm. Vì người lớn bận tiếp khách, bận với Tết, không còn thời gian để “thiết quân luật”. Đôi khi thấy bất công vì như thế, Tết còn không được bọn trẻ chào đón như kỳ nghỉ hè - một kỳ nghỉ dài, có những tuần hoàn toàn không phải làm bài tập, có khi lại được đi biển, chu du thỏa sức cùng bố mẹ.

Có lẽ chỉ cái màn ra mộ các cụ, thắp hương từ đường là một sự lặp lại ghi dấu ấn trong đầu lũ cháu nhà tôi mỗi dịp Tết đến như bây giờ.

Cao Lâm

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tet-xua-tet-nay-trong-mat-tre-tho-post55099.html