Tết xưa ở cung đình Huế

Lịch sử đã tạo cho Huế những lễ nghĩa, tập tục Tết vô cùng phong phú, quy củ và đến nay, nhiều tập tục trong ngày Tết ở Hoàng cung của triều Nguyễn vẫn được người dân lưu truyền, gìn giữ.

Trải qua 143 năm kể từ ngày Hoàng đế Gia Long lên ngôi vào năm 1802 đến lúc vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, triều đình nhà Nguyễn đã để lại cho kinh đô - vùng đất Thừa Thiên-Huế nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận.

Đặc biệt, lịch sử đã tạo cho Huế những lễ nghĩa, tập tục Tết vô cùng phong phú, quy củ và đến nay, nhiều tập tục trong ngày Tết ở Hoàng cung của triều Nguyễn vẫn được người dân lưu truyền, gìn giữ.

Hoài niệm Tết ở Hoàng cung

Trong tiết trời vào Xuân ấm áp của xứ Huế, chúng tôi tìm đến phủ Kiên Thái Vương nằm sát bên cung An Định, đường Phan Đình Phùng, TP Huế đúng lúc ông Hoàng Trọng Đính (sinh năm 1943, người trông coi phủ) đang chăm nom mấy chậu cây cảnh bên trong sân phủ chuẩn bị đón Tết.

Hoàng cung Huế, nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn vào dịp Tết nguyên đán.

Hoàng cung Huế, nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn vào dịp Tết nguyên đán.

Ông Đính là cháu của Đoan Huy Hoàng Thái hậu (còn gọi là đức Từ Cung, vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại) nên từ năm 3 tuổi ông đã theo người thân trong gia đình vào sinh sống ở Đại Nội. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, năm nay dù đã ngoài tuổi thất thập nhưng ông Đính vẫn nhớ rõ về Tết xưa ở Cung đình Huế.

Trước Tết Nguyên đán, triều đình tổ chức lễ Ban sóc vào ngày mùng 1 tháng Chạp. Ngày này, Khâm Thiên giám đặt triều nghi và dâng lịch của năm mới được soạn xong, tiếp đó Nội các tuyên chỉ của nhà vua ban lịch cho bách quan và các địa phương.

Sau lễ Ban sóc là lễ Tiến xuân khi hai cơ quan Khâm Thiên giám và Võ khố sẽ lấy nước và đất ở phương thần Tuế đất làm ra 3 con trâu đất và 3 vị mang thần (thần chăn trâu với hình tượng đứa bé).

Thân trâu đất cao 4 thước, dài 8 thước tượng trưng cho 4 mùa và 8 tiết, đuôi dài 1 thước 2 tấc tượng trưng 12 tháng; mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân tượng trưng 365 ngày; roi làm bằng cành liễu, dài 2 thước 4 tấc tượng trưng 24 khí trong năm. Trước tiết lập xuân, phủ Thừa Thiên sẽ cho đặt đàn tế. Binh dịch được cử đến ty Võ khố nhận lĩnh các án để trâu đất và mang thần rồi khiêng về phủ thự chuẩn bị.

Sáng sớm ngày lập xuân, các quan đại thần mặc triều phục rước trâu đất và mang thần với đủ nghi trượng, tàn, lọng cùng nhã nhạc đi vào Hoàng thành đứng đợi. Đến giờ, Nội giám tiếp nhận tiến lên nhà vua. Quan phủ Thừa Thiên về phủ đưa trâu đất ra đánh 3 roi để tỏ ý khuyên việc cày cấy, khuyến khích nông nghiệp.

Đến hạ tuần tháng Chạp, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ Phất thức (lễ quét dọn). Tại lễ này, các quan hàm nhất, nhị phẩm trở lên cùng nhân viên Nội các, Cơ mật viện mặc thường triều đến chầu tại điện Cần Chánh. Tại đây có 6 chiếc tủ gỗ chứa ấn vàng, ấn ngọc của vương triều.

Sau khi nhà vua ngự giá, các tủ gỗ chứa ấn sẽ được mở và các quan lấy nước từ sông Hương cho vào các bình hoa thơm, sau đó dùng khăn màu đỏ để lau sạch các ấn rồi cho vào tủ khóa lại và niêm ngoài 2 chữ "Hoàng phong" chờ đến lễ khai ấn.

Tiếp đó, triều đình sẽ tổ chức lễ tế cuối năm (Cáp hưởng) tại các miếu để mời các bậc tiên đế về ăn Tết. Thường vào dịp này, nhà vua đích thân ra Thái Miếu, Thế Miếu làm chủ lễ và sai thân công, hoàng tử, các quan đại thần thay nhà vua đi cúng tế ở các lăng tẩm, đền miếu, chùa quán ở kinh đô.

Theo lời ông Đính kể, vào triều Nguyễn, vua quan thường tổ chức lễ dựng nêu (Thướng tiêu) vào ngày 30 tháng Chạp. Cây nêu được dựng bằng cây tre cao lớn còn để nguyên một chùm lá ở phần ngọn. Đích thân nhà vua ngự ra điện Thái Hòa làm lễ dựng nêu, còn thân công, hoàng tử và đại thần lo việc dựng nêu tại các miếu điện, đền thờ ở kinh đô.

"Sau khi triều đình dựng nêu xong thì người dân mới được dựng nêu tại nhà mình để đón Tết. Và vào tối 30 tháng Chạp, đúng vào thời khắc giữa năm cũ chuyển sang năm mới, súng thần công trước Ngọ Môn sẽ bắn lệnh 9 phát để báo hiệu. Lúc này không khí Tết rộn ràng từ Hoàng cung đến khắp phố phường…".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế, nghi lễ quan trọng nhất trong dịp Tết ở Cung đình chính là lễ Khánh hạ, tức mừng tuổi vua và các thành viên trong hoàng gia. Vào sáng mồng 1 Tết, trống ở điện Thái Hòa đánh từ canh năm, lá cờ rồng cỡ lớn cùng nhiều loại cờ khánh, hỉ đủ sắc màu cắm rợp sân Đại triều, Ngọ Môn và Kỳ đài.

Khi viên quan ở Khâm Thiên giám báo giờ tốt, vua mặc hoàng bào, đội mũ cửu long, tay cầm hốt Trấn khuê được kiệu vào điện Thái Hòa. Từ Ngọ Môn, chiêng trống gióng lên, 9 phát súng thần công vang rền chào nhà vua.

Sau khi vua lên ngự ngai vàng, các quan văn võ lễ phục đại triều quỳ xuống trước sân chầu, lạy 5 lạy. Thượng thư thay mặt các quan đọc chỉ dụ năm mới của vua. Tiếp đó, vua lên kiệu về lại điện Cần Chánh. Lúc này các quan thái giám, bộ lễ đưa các hoàng đệ, hoàng tử đến mừng vua 5 lạy.

Tiếp đó, vua ban yến tiệc đầu năm cho các hoàng tử, hoàng thân và các quan từ ngũ phẩm trở lên đối với quan văn và tứ phẩm đối với quan võ. Ngoài lễ mừng Tết vua, trong Hoàng cung còn có lễ mừng Tết Thái hậu, Hoàng Thái phi, Hoàng thái tử. Riêng lễ mừng Tết Hoàng Thái hậu, do các vua Nguyễn đề cao chữ hiếu nên nghi lễ này được thực hiện trang trọng tại cung Diên Thọ.

Sau các lễ mừng của ngày mồng 1, ngày mồng 2, nhà vua cùng thân công vào bái lạy tại điện Phụng Tiên, nơi thờ tất cả các vua Nguyễn đời trước. Sau ngày mồng 3 Tết, triều đình tổ chức lễ Tịch điền, tức lễ vua cày ruộng đầu năm mới để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mở đầu cho một năm làm ăn của thần dân trăm họ.

Ngoài những lễ nghi trên, trong 7 ngày Tết, triều đình nhà Nguyễn còn tổ chức các lễ rước thần nông; lễ vua và hoàng hậu du xuân trên sông Hương; vua vi hành chúc Tết thần dân ở Kinh đô…

Độc đáo yến tiệc

Là chuyên gia ẩm thực cung đình nổi tiếng nên nNghệ nhân ưu tú (NNƯT) Tôn Nữ Thị Hà (sinh năm 1942, sống ở TP Huế) rất am hiểu các món ăn cung đình, đặc biệt là các món được dùng cho yến tiệc Hoàng cung. Hàng năm triều đình nhà Nguyễn tổ chức các cuộc yến tiệc vào những dịp lễ khác nhau như yến tiệc chiêu đãi triều thần, yến tiệc ban cho tân khoa Tiến sĩ, yến tiệc cho các sứ bộ ngoại giao.

Riêng về bữa tiệc vua ban cho các triều thần trong dịp Tết Âm lịch, Nội Các có ghi rõ: Phàm hàng năm Tết Nguyên đán, ban yến cho hoàng thân công và quan văn quan võ Chánh Tam phẩm trở lên đều sắp hàng ngồi ở gian tả, hữu điện Cần Chánh. Mỗi gian dùng cổ hạng nhất 2 mâm, cổ hạng nhì 3 mâm…

Cỗ nấu hạng nhất mỗi mâm 30 đĩa, trị tiền 10 quan; hạng nhì mỗi mâm 23 đĩa, trị tiền 8 quan; hạng ba mỗi mâm 20 đĩa trị tiền 6 quan. Trong các bữa đại yến tiệc như thế thường có cả ngự tửu lẫn bát trân là 8 món ăn quý nhất gồm nem công, chả phụng, da tây ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi và yến sào.

Các món chả, nem, tré ngày nay tuy thuộc món dân dã nhưng gốc lại chính từ bếp nhà vua lan truyền ra ngoài. Và ngược lại, nhiều món ăn dân dã nổi tiếng lại được nhập vào thực đơn cung đình kể cả trái cây quý hiếm nên mới có tên gọi là hồng tiến, quýt tiến vua, chuối ngự, đậu ngự.

Đặc biệt, để có đủ bánh in bày cúng ở các đình thờ, miếu mạo trong hoàng cung vào dịp Tết, triều đình có chỉ dụ làm bánh và mứt từ dịp trước Tết.

Các món như mứt bát bảo, mứt tứ linh, mứt màu hoa đều được chọn vào đại yến dịp Tết. Và đến ngày nay, nhiều gia đình ở Huế vẫn duy trì phong tục làm bánh in, các loại mứt vào dịp Tết cổ truyền để cúng ông bà tổ tiên và đãi khách quý.

Và để phục vụ người dân và du khách đến tham quan Di sản Huế, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành phục dựng nhiều nghi lễ cung đình xưa. Các nghi lễ được phục dựng nguyên vẹn như lễ đổi gác, lễ dựng nêu và hạ nêu ngày Tết; tái hiện các hoạt động gói bánh Tết xưa và biểu diễn ca Huế; biểu diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc, múa lân sư rồng.

Ngoài ra, trong những ngày Tết Nguyên đán, khu di sản Hoàng cung Huế mở cửa miễn phí chào đón nhân dân và khách du xuân. Tại đây, du khách không chỉ thích thú với các nghi lễ trong Hoàng cung xưa mà còn được trải nghiệm nhiều trò chơi cung đình ngày Tết như đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ, trình diễn thư pháp.

Anh Khoa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/30-tet-xua-o-cung-dinh-hue-577185/