Tết xa mà gần

Năm nào cũng có không ít người phải đón tết xa quê, nhưng có lẽ năm nay, con đường về quê của rất nhiều người trở nên dài thêm nữa bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Quay cuồng với câu hỏi: 'Tiền đâu về quê ăn tết?', nhiều bạn trẻ là sinh viên, công nhân khó khăn quyết định ở lại TPHCM, gác lại nỗi niềm riêng.

Những ngày cận tết, hình ảnh bạn trẻ cặm cụi làm thêm ở khắp các siêu thị, chuỗi bán lẻ, nhà hàng…, không chỉ để mong có tiền chi trả sinh hoạt phí, dành dụm trang trải cho học kỳ mới, mà còn là tích cóp những khoản tiền để gửi về quê. Nếu chịu khó nán lại thành phố “cày” tết bằng việc làm thời vụ, nhiều bạn cũng kiếm được một khoản kha khá. Sau khi trừ chi phí ăn ở, đi lại, nhiều người cũng đã cố gắng chắt chiu gói ghém để gửi cho cha mẹ chút quà, như bù đắp lại những ngày tháng xa xôi - dẫu người thân chẳng bao giờ yêu cầu quà hay tiền, chỉ cần con cái có mặt và bình an…

Tết luôn mãi là một điều thiêng liêng, khiến người ta ấm áp mỗi khi nghĩ về. Ở đó, có niềm hạnh phúc sum vầy bên mâm cơm chiều cuối năm, bên bữa cơm quây quần mấy ngày tết cùng những người thương yêu ruột thịt và họ hàng lối xóm thân quen. Không được về quê đón tết, chắc chắn sẽ có những khoảng trống trong lòng, ai cũng vậy. Nhưng hòa với khó khăn chung, phòng dịch Covid-19 và đủ mọi thứ vốn dĩ không dễ dàng trong cuộc sống, họ chọn ở lại.

Những cái tết xa quê hiển hiện thật rõ nhưng ở giữa thành phố này, vẫn luôn có bao sự chăm lo, để tết xa đó hóa gần. Bên cạnh những “Chuyến xe mùa xuân” hỗ trợ sinh viên, công nhân hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM được về quê sum họp cùng gia đình dịp tết, rất nhiều đơn vị cũng triển khai các chương trình chăm lo, hỗ trợ những người ở lại. Những hoạt động ý nghĩa như họp mặt sinh viên đón tết xa nhà, gói bánh chưng, bánh tét, bữa cơm sum họp, gian hàng 0 đồng, đêm hội giao thừa cho thanh niên công nhân, trang trí phòng ở ngày tết… năm nào cũng có, riêng năm này được chăm chút hơn. Hiện tại, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP, các trường học, ký túc xá, trung tâm sinh hoạt công nhân đều lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa. Nhiều trường học cũng liên hệ kết nối với doanh nghiệp thân quen có nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm thời vụ giúp sinh viên kiếm tiền ngày tết.

Với những người xa quê, tết quê nhà luôn là nhất. Và nếu không về được thì thành phố luôn có thể là nhà. Ở đây vẫn rộn ràng những xóm nhỏ, vẫn đầy hương sắc và ấm tình người. Hơn nữa, thời buổi công nghệ hiện đại, đêm giao thừa hay mấy ngày tết, chỉ cần mở điện thoại, bật Facebook, Zalo lên là có thể nói chuyện trực tiếp với gia đình ở quê. Sự kết nối của công nghệ khiến khoảng cách địa lý dần được xóa mờ. Dù ở đâu, vẫn có thể nhìn thấy gia đình, để tết xa cũng lại hóa gần.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tet-xa-ma-gan-711569.html