Tết vòng quanh thế giới

Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều có phong tục đón Tết cổ truyền giống Tết Nguyên đán của Việt Nam. Tuy vậy, Tết ở mỗi đất nước có một nét đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình, rất đặc sắc.

Trung Quốc

Người Trung Quốc thường chào đón thời gian đầu năm mới trong thời gian dài, thường kéo dài tới khoảng ngày 14 tháng 1 âm lịch. Vào dịp Tết Nguyên Đán, người Trung Quốc sẽ đoàn tụ cùng gia đình và chào đón những phong tục đã được duy trì từ lâu đời như: Múa lân, ăn bánh gạo nếp, chúc Tết, trang trí hoa mai,…

Mỗi năm, theo lịch âm của người Trung Hoa sẽ gắn liền với một linh vật, người dân sẽ tránh ăn những thứ liên quan đến linh vật đó trong dịp đầu năm mới để tránh những xui xẻo và không may mắn.

Hàn Quốc

Người Hàn Quốc chỉ có 3 ngày nghỉ, từ ngày cuối cùng của năm cũ đến ngày mùng 2 Tết. Ở xứ sở kim chi, người dân cũng xem dịp Tết như là một dịp để đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, người thân và thực hiện những nghi lễ cúng bái tổ tiên.

Dịp Tết cổ truyền cũng là dịp để những phụ nữ Hàn Quốc và trẻ em gái diện những bộ Hanbok tuyệt đẹp (trang phục truyền thống của người Hàn) để đi chơi, đi lễ và làm bánh, chế biến những mâm cỗ với các món ăn truyền thống, ngon và đẹp mắt dâng cúng tổ tiên và để cho gia đình và người thân thưởng thức.

Thái Lan

Người Thái ăn Tết Nguyên Đán trong vòng 3 ngày, từ ngày 13/4-15/4 theo âm lịch.

Nét đặc trưng của lễ hội truyền thống lớn nhất của người Thái là phong tục té nước. Lễ hội Té nước được diễn ra trên đường phố, người trẻ sẽ té nước vào những người lớn tuổi hơn để thể hiện lòng thành kính và tôn trọng, qua đó, người già cũng muốn bày tỏ sự biết ơn đối với con cháu vì đã chịu đựng sự khó tính và những bất cẩn khi ở tuổi “xế chiều”.

Ấn Độ

Lễ hội đón tết âm lịch của người dân Ấn Độ được gọi là lễ hội Holi, được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 3 hàng năm. Holi còn được gọi là “Lễ hội Sắc màu”, là một trong những lễ hội quan trọng của Ấn Độ. Theo quan niệm của người Ấn Độ, mùa lễ hội tới sẽ báo hiệu cho sự ấm áp, yên bình của mùa xuân xua tan sự u ám, lạnh lẽo của mùa đông đã qua, và cũng là biểu hiện cho cái thiện đánh bại những cái ác.

Tại lễ hội, người dân thoa bột màu lên quần áo và gương mặt của tất cả mọi người kể cả lạ hay quen để chúc mừng một năm mới bình an. Đây cũng chính là nét đặc trưng của mùa lễ hội ở Ấn Độ, thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách du lịch.

Mông Cổ

Ngày Tsagaan Sar hoặc Tết Tháng trắng là tên gọi của ngày Tết âm lịch của người Mông Cổ. Lễ hội Trăng trắng được tổ chức một tháng sau ngày trăng mới đầu tiên sau Đông chí (vào khoảng tháng một hay tháng hai dương lịch).

Dịp này người Mông Cổ sẽ nghỉ ngơi, tạm dừng các hoạt động lao động sản xuất, chỉ tham gia các lễ hội, vui chơi. Các gia đình thì tổ chức làm bánh, làm cỗ để thực hiện nghi lễ cúng tế cầu mong một năm an khang, phát đạt.

Singapore

Dịp Tết cổ truyền ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa Xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Lễ hội hoa đăng là hoạt động đầu tiên của tháng các hoạt động Lễ hội Chunjie, diễn ra ở khu Chinatown - trung tâm của Lễ hội Tết Âm lịch ở Singapore. Vào dịp này, người dân Singapore đi du xuân với nhiều hoạt động khác nhau như đến các đền chùa để lễ thần phật xin lộc đầu năm và cả năm mới, hoặc vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa, hoặc các khu vui chơi giải trí trong cả nước…

Lễ hội Singapore River Hongbao trở thành sự kiện văn hóa thường niên trong Lễ hội mùa Xuân ở Singapore bắt đầu từ năm 1987. Sự kiện này thường được tổ chức tại Công viên Esplanade lộng lẫy với một chuỗi những hoạt động giải trí dành cho trẻ em, người lớn và cả người già, tạo nên một sân chơi lí tưởng cho cả gia đình. Bên cạnh đó, sẽ có những buổi trình diễn ẩm thực các món ăn truyền thống, cuộc thi viết thư pháp và những trò chơi vui nhộn hứa hẹn mang đến những khoảnh khắc ấn tượng cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Lễ hội Đường phố Chingay ở Singapore thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng cũng là kết thúc tết. Hoạt động này thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố.

Indonesia

Dù Tết không phải là một lễ hội tôn giáo song người Indonesia gốc Trung Quốc vẫn đón mừng Tết đến tại chùa, nhà thờ và đền, dựa vào tín ngưỡng. Đừng ngạc nhiên nếu ai chào mừng bạn bằng câu "Selamat Hari Raya" vào dịp Tết âm lịch. Câu chúc mừng này có nghĩa là chúc một lễ hội vui vẻ và nó được dùng trong tất cả những dịp lễ hội lớn. Vào dịp Tết Âm lịch, món Lontong Imlek rất phổ biến. Bánh lontong (bánh gạo) thường được ăn cùng với thịt gà nấu với nước dừa, rau nấu với nước dừa, trứng luộc...

Tại hầu hết các thành phố lớn như Jakarta, Surabaya, Solo và Semarang đều có Chinatowns, nơi các hoạt động đón Tết diễn ra sống động nhất, nhiều hàng hóa được bán trên đường phố vào những ngày trước Tết và các màn múa rồng, múa sư tử thường diễn ra vào dịp lễ hội này.

Năm nay là năm thứ 15, Tết âm lịch được công khai đón mừng sau thời gian Suharto nắm quyền (dưới thời nhà lãnh đạo này, việc đón Tết công khai bị cấm hơn ba thập niên.

Philippines

Tết truyền thống của Philippines diễn ra vào dịp đầu năm dương lịch, ảnh hưởng nhiều của văn hóa châu Âu. Với người Philipines, dịp Giáng sinh là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm nhưng Tết mới là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Người Philippines quan niệm, ngày Tết là khởi đầu mới của năm, là biểu tượng cho sự thay đổi, hi vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp.

Ngày Tết rực rỡ sắc màu ở Philippine.

Ngày Tết rực rỡ sắc màu ở Philippine.

Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác, trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc rượu vang đỏ. Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ với mong muốn cả năm no đủ, xông xênh.

Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới…

Không có lễ đón năm mới nào ở Philippines lại thiếu bữa tiệc truyền thống Medianoche. Đây là một phong tục tập quán lâu đời được tổ chức vào thời điểm giao thừa. Dịp này, các thành viên trong gia đình, bạn bè và bà con họ hàng sẽ tụ họp lại để cùng nhau ăn uống vui vẻ. Với hầu hết người Philippines, Medianoche còn là biểu tượng của lễ kỷ niệm và sự đoàn kết gia đình.

P.L

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tet-vong-quanh-the-gioi-d175798.html