Tết Việt nơi xứ người...

'Có ai về đất mẹ, mang giùm tôi thư này/Về nơi quê hương có mẹ già đơn chiếc/Thư nói rằng con nhớ mẹ vô cùng…'. Cứ mỗi khi Tết đến, những lao động Việt xa xứ lại rơm rớm nước mắt khi nghĩ về quê hương, dòng chảy cuộc sống khiến họ không thể về ăn Tết, đoàn viên cùng gia đình, nhưng trong họ vẫn luôn có một Tết Việt. Dẫu nỗi nhớ cứ trào dâng, trào dâng...

Tôi có một nhóm bạn, chơi với nhau từ thuở bé. Sau này lớn lên mỗi người đều lựa chọn cho mình một con đường riêng lập nghiệp riêng. Đứa Hà Nội, đứa Đà Nẵng, đứa tít trong Sài Gòn, còn có những đứa cách Việt Nam cả nửa vòng trái đất.

Hồi đó, chúng tôi đã từng hứa với nhau dù có đi đâu, nhất định đến ngày Tết cũng sẽ trở về ngồi ăn với nhau một bữa đoàn viên. Ấy vậy mà, thời gian thấm thoát trôi qua, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đẩy lời hứa năm nào trôi vào dĩ vãng. Những đứa bạn thân của tôi lần lượt bỏ dở đại học đi xuất khẩu lao động và cũng từng ấy năm đám bạn ấy phải đón cái Tết ở nơi xứ người.

Dù đón Tết xa quê nhưng những người lao động xa xứ vẫn cố giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Dù đón Tết xa quê nhưng những người lao động xa xứ vẫn cố giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Phạm Thị Hương (25 tuổi), cô bạn thân “nối khố” của tôi hiện đang làm điều dưỡng viên ở Đài Loan chia sẻ, năm nay cô đăng ký tăng ca làm thêm cả Tết. Đây là năm đầu tiên Hương phải đón năm mới xa nhà.

Thực ra thời điểm này còn cách Tết khá xa. Ở Đài Loan, người Việt cũng nhiều, các cửa hàng bán đồ Việt không thiếu nguyên liệu cho mâm cỗ ngày Tết. Thế nhưng, dù đầy đủ đến mấy, không có người thân, gia đình bên cạnh thì cái Tết nào với Hương cũng là vô nghĩa. Hương làm ca đêm, tức là ngay cả đêm giao thừa, cô cũng ở lại viện dưỡng lão để làm việc.

Dù rất bận, song nghĩ tới cái cảnh Tết người ta náo nức về quê đoàn tụ cùng gia đình, bản thân cô lại một mình ở lại làm việc nơi đất khách quê người cô lại thấy tủi thân vô cùng. Vậy là cô lại khóc, gọi điện về cho tôi, thăm hỏi xem ở Việt Nam giờ này không khí Tết ra sao? Lúc cô không ở nhà, bố mẹ chuẩn bị Tết thế nào?

Năm nay các em cô đã được sắm thêm bộ đồ mới hay chưa? Cuộc điện thoại nào cũng vậy, chỉ ngần ấy câu, Hương hỏi mãi không thôi. Cô nhớ nhà, mong mỏi một cái Tết đoàn viên.

Cùng làm việc với Hương là Nguyễn Thị Huyền, trạc tuổi chúng tôi nhưng Huyền đã đón 3 cái Tết xa nhà liên tiếp tại Đài Loan, Tết năm nay cũng không ngoại lệ. Cũng giống Hương, 3 năm trời, năm nào Tết đến Huyền cũng đi làm thêm, một phần vì kinh tế, một phần vì muốn bận bịu để không còn thời gian mà buồn vì năm mới mà phải xa bố mẹ.

Cô chia sẻ: “Năm đầu mình tủi thân lắm, thời khắc giao thừa, pháo hoa nổ khắp nơi, mình vẫn trong viện chăm sóc các cụ ông, cụ bà trong này. Nghĩ về nhà mà buồn, Tết nhất chăm sóc người khác, còn nhà mình, chỉ có mỗi ông cụ lủi thủi không ai lo, vì mẹ mình đã mất từ lâu, có mấy đứa con gái đều đi xuất khẩu lao động hết cả”.

Với những người mới đi xuất khẩu lao động tầm vài năm, những cái Tết xa nhà luôn là thời điểm buồn nhớ đến rơi nước mắt, quanh quẩn đâu đâu cũng thấy bóng dáng quê hương. Thế nhưng lâu dần, nỗi nhớ cũng vơi đi, họ bắt đầu nghĩ tới chuyện, quảng bá văn hóa Việt trên chính đất nước mà họ sống.

Ở Đài Loan, cộng đồng người Việt ở đây rất đông, tôi vẫn nghe mọi người nói, nếu có anh em, bạn bè muốn đi xuất khẩu lao động thì hãy giới thiệu họ sang Đài Loan. Đài Loan là đất nước mà người Việt đã hình thành nên cho mình một cộng đồng khá đông đúc.

Mỗi dịp Tết đến, cộng đồng người Việt nơi đây đều tụ hội lại, cùng sắm sửa, nấu ăn với đầy đủ những món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Việt. Họ cùng nhau ăn bữa cơm đón chào năm mới, trao nhau câu chúc an lành, những phong bao lì xì đỏ thắm tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Ngày Tết Việt xa quê cũng là dịp mà những người xa xứ tụ họp kể cho nhau nghe về cuộc sống nơi xứ người.

Ở Cộng hòa Czech, tôi có người chị gái đã cùng gia đình sang bên ấy định cư cả chục năm nay. Đến nay, các con của chị đều được sinh ra, lớn lên trên đất nước này. Có lúc tôi tưởng chừng phong tục Tết Việt đã mai một dần nơi gia đình chị, nhưng không, chị khẳng định, Tết vẫn luôn là niềm mong mỏi trông chờ của mọi thành viên mỗi độ xuân về.

Chị chia sẻ: “Những ngày đầu mới sang, mỗi độ Tết sắp đến, ngày nào chị cũng khóc. Tết ở nước ngoài không giống nước mình nên chị thấy hụt hẫng, trống vắng. Năm thứ nhất, năm thứ hai trôi qua, chị lại nghĩ tại sao mình lại cứ ngồi đây buồn rầu hoài niệm về quê hương mà không quảng bá cho mọi người biết về Tết cổ truyền - một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Để thực hiện được mong ước đó, năm nào chị cũng vận động gia đình tổ chức lễ Tết như trên đất Việt.

Chị Hoa tự hào khoe: “Gần chục năm nay, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị đón tết Nguyên đán, chị và mẹ chồng lại ngâm gạo nếp, rửa lá dong để gói bánh chưng. Cả nhà tíu ta tíu tít, mấy đứa cháu háo hức quanh nồi bánh không khác gì những ngày còn ở quê”.

Dù xa quê hương, song chị vẫn giữ phong tục của cha ông, vẫn cúng lễ ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, chuẩn bị mâm ngũ quả, làm mâm cơm cúng tất niên. Đồ Tết chủ yếu mua ở các kiot bán hàng của người Việt, ở đây gần như có đủ các mặt hàng cần thiết, kể cả vàng mã, giò, chả, bánh kẹo Việt Nam, mứt Tết… Giá cả tất nhiên là đắt hơn ở Việt Nam một chút, nhưng có hề gì khi cả năm mới có ngày Tết”.

Mỗi năm, chị Hoa đều chủ động mời hàng xóm xung quanh sang ăn Tết với gia đình. Dần dà ở đây người ta nghiện, yêu thích Tết Việt. Họ khen bánh chưng ngon, tục lệ hay, có những người chỉ chờ dịp Tết đến để sang ăn bánh chưng chị nấu, nghe chị kể về sự tích bánh chưng bánh giày, truyền thuyết về ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Nhiều người còn ướm hỏi chị, dịp nào về Việt Nam đón Tết cho họ theo cùng, về hưởng cái Tết cổ truyền “thực thụ” của người Việt. Năm nay còn chưa sang tháng 12 Âm lịch nhưng đã có người dặn chị, lúc nào gói bánh chưng nhớ gọi họ sang học.

Tại Nhật Bản, tuy là nước châu Á nhưng lại đón Tết theo lịch phương Tây, Tết chỉ diễn ra vỏn vẹn có 1 ngày. Dù vậy, Lam và chị em trong ký túc xá dành cho người Việt vẫn chuẩn bị đầy đủ bánh trái để đón Tết.

Những năm gần đây, Tết của họ không chỉ gói gọn trong chị em ký túc xá mà còn có cả những người bạn Nhật cùng đến chung vui. Với nhiều anh chị em người Nhật trong công ty, Tết Việt dường như đã trở nên thân thuộc lắm. Mỗi dịp Tết đến họ mong chờ chẳng kém gì người Việt, vì sau bao năm được cùng các chị em Lam đón Tết, họ đã xem Tết Việt Nam như một phần trong cuộc sống của mình…

Thắm Lê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-viet-noi-xu-nguoi-86563.html