Tết Việt của người Khmer!

Chẳng biết khi nào, Tết Nguyên đán của người Việt lại thấm sâu, giao hòa với văn hóa của người Khmer vùng Bảy Núi. Để từ đó, bên cạnh các ngày lễ, Tết truyền thống của mình, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở An Giang lại chung niềm hân hoan khi những nụ mai vàng lấp ló trên cành báo hiệu mùa xuân mới đã về.

Từ giao thoa văn hóa…

Nhanh tay rót chén trà cho khách, ông Chau Sóc Kóp không giấu được niềm vui khi trước ngõ đã có mấy nụ mai hé nhụy trên cành. Với ông, Tết Nguyên đán của người của người Việt đã trở nên hài hòa, gắn bó từ lúc sinh ra cho đến khi tóc điểm màu sương.

Những cái Tết gần đây đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất An Cư (Tịnh Biên, An Giang), nơi Chau Sóc Kóp và cộng đồng người Khmer địa phương đã cùng nhau xây dựng tươi đẹp như hôm nay. Đặc biệt, cuộc sống của đồng bào DTTS Khmer ở Tịnh Biên giờ đây đã khấm khá hơn nên những cái Tết Nguyên đán với họ cũng đậm đà, tươm tất hơn.

“Năm nay nhà tôi ăn Tết lớn. Sau 1 năm làm lụng siêng năng, vợ chồng tôi cũng tích cóp được ít tiền chuẩn bị đón năm mới. Dù là Tết truyền thống của người Việt nhưng đồng bào DTTS Khmer vẫn chung vui. Nhà nào cũng xem Tết Nguyên Đán là hoạt động không thể thiếu bên cạnh lễ Dolta, Chol Chnam Thmay tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Hơn nữa, mấy đứa con của tôi có việc làm ổn định nên Tết nào cũng về sum họp cùng nhau nên nhà cửa ấm cúng lắm. Thật ra, tôi chỉ mong được vui vầy cùng con cháu vì đây là dịp chúng tôi được ở cạnh nhau lâu nhất. Qua Tết, các con lại “đi công ty” ở Bình Dương hết rồi!” - Chau Sóc Kop chia sẻ.

Đồng bào Khmer đến cũng đến chùa lễ Phật trong dịp Tết Nguyên đán

Theo lão nông Khmer này, không khí xuân trong phum, sóc cũng náo nức chẳng kém những nơi có đông người Việt sinh sống. Đồng bào DTTS Khmer luôn xem mình là một phần trong đại gia đình Việt Nam, cùng hướng đến mùa xuân thanh bình, đổi mới của đất nước.

Trước Tết chừng nửa tháng, mọi người rủ nhau ra dọn dẹp sân nhà, đường đi chung trong phum, sóc cho quang đãng. Những người có điều kiện thì sửa chữa nhà cửa khang trang hơn, mắc vài dây đèn chớp ngoài sân cho vui mắt về đêm.

Cũng như người Việt, đồng bào DTTS Khmer tin rằng việc dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp đón Tết sẽ mang đến những điều tốt lành trong năm mới. Không biết tự bao giờ, người Khmer cũng có thói quen trồng mai ngoài ngõ. Những cây mai to lớn, trổ bông vàng ươm khiến cho mùa xuân nơi phum sóc càng thêm tươi thắm.

Vì sống gần gũi với nhau nên người Khmer và người Việt ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã thân quen theo kiểu “tối lửa, tắt đèn”. Những ngày đầu năm, họ cũng đến thăm và chúc nhau những điều may mắn.

“Trong mấy ngày Tết, tôi hay mời mấy anh em người Khmer trong xóm sang nhà dự tiệc để đón mừng năm mới. Họ cũng sắm sửa quần áo, chưng bông, trang hoàng nhà cửa giống như người Việt. Chỉ khác một điều là không thấy họ “lì xì” cho trẻ nhỏ trong dịp Tết. Ngược lại, trong các lễ, Tết quan trọng của người Khmer như Dolta, Chol Chnam Thmay thì họ hay gói bánh tét mang biếu các gia đình người Việt trong xóm. Cứ như vậy, tình nghĩa giữa người Việt và người Khmer đã bền chặt từ rất lâu rồi” - ông Trần Văn Hiện, người dân xã Châu Lăng (Tri Tôn), cho hay.

Xuân Canh Tý này, ông Hiện sẽ lại mời những hàng xóm Khmer tốt bụng sang chia nhau ít chén rượu xuân cho ấm tình đoàn kết. Đã có gần 20 mùa xuân lập nghiệp ở mảnh đất Châu Lăng này, ông Hiện trân trọng những tình cảm chân chất mà người Khmer nơi đây dành cho mình. Và không có gì hơn là họ cùng đón Tết truyền thống với ông, ngồi chia nhau những niềm vui, nỗi buồn sau một năm lao động miệt mài.

Đến giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Dù đón Tết Nguyên đán cùng người Việt nhưng đồng bào DTTS Khmer vẫn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của mình đó là đến chùa bái Phật, nghe kinh và cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên.

Ông Chau Sóc Sane, người dân xã Ô Lâm (Tri Tôn), chia sẻ: “Điểm đặc biệt trong phong tục đón Tết của người Khmer là nhiều gia đình tranh thủ đến chùa lễ Phật vào ngày 30 tháng Chạp hàng năm. Đây là lúc mọi người gửi gấm niềm tin, mong ước một năm mới may mắn, sung túc hơn. Sau đó, họ trở về nhà cúng ông bà và đón giao thừa như người Việt. Có những gia đình sẽ không đến chùa nhưng họ cũng kho thịt, gói bánh tét để ăn trong những ngày đầu năm hoặc đi thăm bà con ở xa để thắt chặt tình tộc họ”.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đã khấm khá hơn

Vốn có sẵn nghề làm cốm dẹp, sau Tết Ok-om-bok (Tết cúng trăng) vào trung tuần tháng 10 âm lịch, gia đình Chau Sóc Sane vẫn làm cốm để bán cho người Việt ở địa phương vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, người ta còn đặt gia đình ông gói bánh tét để ăn Tết nên Chau Sóc Sane cũng có thu nhập trong thời điểm cuối năm. Ở tuổi ngoài 60, Chau Sóc Sane vẫn tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp truyền thống của ông cha và cũng dọn dẹp nhà cửa đón Tết Nguyên đán như bao gia đình người Việt khác.

Có điều, Tết Nguyên đán của ông bận rộn hơn do phải gói bánh tét theo đặt hàng của khách.

“Mấy ngày Tết Nguyên đán, thanh niên Khmer được nghỉ để về quê sum họp gia đình nên phum, sóc đông đảo hẳn lên. Nhiều gia đình vui chơi, ca hát nên không khí vui vẻ lắm. Năm nào, tôi cũng trông mấy đứa con về ăn Tết Nguyên đán để nhà cửa ấm cúng hơn chứ Dolta, Chol Chnam Thmay thì đứa về, đứa không. Nhờ mấy đứa con đi làm ở Bình Dương, Đồng Nai nên đời sống chúng khá hơn, tôi cũng đỡ phần lo. Tụi nó về sắm sửa đồ đạc, vật dụng gia đình, sơn sửa nhà cửa ăn Tết làm tôi mừng lắm, vì biết các con có cuộc sống khá hơn mình trước kia” – Chau Sóc Sane thật lòng.

Góc xuân nơi phum, sóc

Do kỳ nghỉ Tết diễn ra dài ngày nên nhiều thanh niên Khmer cũng chọn thời điểm này để “kết tóc se tơ” cùng nhau. Thực tế, Tết Nguyên đán là lúc họ có đủ thời gian và tranh thủ được các khoản lương, thưởng sau cả năm lao động miệt mài để chu toàn cho lễ cưới. Các gia đình Khmer có thêm nàng dâu hay chàng rễ trong năm mới cũng giúp cho niềm vui nhân lên gấp bội.

Vì vậy, thời điểm ăn Tết Nguyên Đán cũng chính là “mùa cưới” của đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi. Hình ảnh những đôi trai gái Khmer trong bộ trang phục truyền thống nắm tay nhau chào đón ngày trọng đại của đời mình trong sự chúc tụng, vui vẻ của bà con thân tộc đã trở thành nét tươi mới, để mùa xuân của họ càng thêm đậm đà, ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Hòa thượng Chau Cắt, sãi cả chùa Mỹ Á (xã Núi Voi, Tịnh Biên), cho biết: “Trong các dịp lễ, Tết truyền thống hay Tết Nguyên đán của người Việt, sư và các à cha đều tuyên truyền để bà con đón xuân tiết kiệm, đầm ấm, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Được sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, nhà nước nên đời sống của người Khmer đã khởi sắc hơn, người lớn có việc làm ổn định, trẻ con được đi học để thành người. Vì vậy, sư sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Để mỗi năm, bà con Khmer lại đón Tết Nguyên đán đầy đủ, vui vẻ hơn!”.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tet-viet-cua-nguoi-khmer--a263139.html