Tết về trong gió xuân nồng

Một buổi sớm giữa tháng chạp, đất trời còn bãng lãng hơi sương, tôi nhận được tin nhắn trên mạng xã hội: 'Chào anh, buổi sáng vui vẻ! Chắc anh không nhớ em?'.

Chủ tài khoản là “Danh Quan”. Tôi mở trang cá nhân của Danh Quan, lướt qua một lượt nhưng không nhớ người đàn ông mập mạp có hàng ria con kiến rất lãng tử trong từng tấm ảnh là ai. “Xin lỗi, mình không nhớ ra bạn!”, gửi tin mà vẫn không khỏi áy náy. Một cái mặt cười, rồi dòng tin “Em Quân đây! Thằng Quân “mít ướt” đây!” hiện lên cũng là lúc hình ảnh cậu em binh nhì 20 năm về trước vụt lóe trong óc tôi. Ôi, mạng xã hội chẳng khác nào ông tơ, bà nguyệt cho bao đôi lứa nên duyên, nó là cây cầu sum họp cho những con người từng lưu lạc, biệt tăm nhau. Rồi trong buổi sáng tao ngộ ấy, chúng tôi đã trò chuyện đến hơn tiếng đồng hồ...

Câu chuyện của Quân đưa tôi về lại mảnh đất Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) những ngày xuân năm ấy... Đêm sâu thẳm. Gió ngoài sông Hậu mênh mang. Tiếng hò của kiếp thương hồ nào đó vọng vào đơn vị nghe vừa da diết, vừa rộn ràng đến lạ. Mấy chàng học viên sĩ quan miền Bắc chúng tôi lần đầu ăn Tết phương Nam thấy nôn nao trong lòng. Tết là đoàn viên, mình lại xa nhà cả ngàn cây số ai chẳng nhớ, chẳng mong. Khi chiều, thấy người cuối cùng được nghỉ Tết xách ba lô rời đơn vị, cậu lính trẻ tên Quân rơm rớm nước mắt. Quân là con út trong gia đình có năm anh em mãi tận đất mũi Cà Mau. Đây là cái Tết đầu tiên Quân xa nhà. Em bảo nhớ ba má, anh chị em thì ít mà nhớ nhỏ Giang, bé láng giềng thì nhiều. “Chèn đét ơi, sao có thằng... mít ướt dzậy trời!”. Thượng úy Nguyễn Kiêm, Phó đại đội trưởng quân sự dài giọng trêu Quân làm cậu chàng thêm ngượng nghịu. Nhanh như điện, hôm sau cả đơn vị đã biết Binh nhì Châu Danh Quân có biệt danh “mít ướt”.

 Minh họa: LÊ ANH.

Minh họa: LÊ ANH.

Đêm ấy, chúng tôi không ngủ, nằm bên nhau kể chuyện làng, chuyện phố, kể về người thân yêu với kỷ niệm của những mùa xuân cũ. Gió xuân càng về đêm càng nồng, cái nồng nàn của miền châu thổ phì nhiêu. Tôi như nghe được những ghe thuyền đang chụm đầu kể cho nhau nghe những chuyến ngược xuôi trên dòng Hậu Giang. Lòng chợt thương từng cụm lục bình trôi dạt. Sáng sau, chúng tôi được chỉ huy đơn vị “thả cửa” ra ngoài sắm Tết. Chàng nào, chàng ấy khấp khởi như đi gặp người yêu. Hai mươi hai tháng Chạp, qua mai là ông Táo cưỡi cá chép chầu giời. Bà con người Kinh, người Khmer, người Hoa... ở các ấp Khánh Hòa, An Hòa, An Khánh, Thạnh Phú đang rộn rịp đón tết. Dường như ai cũng vội vàng, gương mặt hoan hỉ chuẩn bị cho một mùa xuân tươi mới. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy mai vàng phương Nam, ngỡ như hoa đào xứ bắc theo bao lớp người đi mở cõi thuở xưa nhờ cái nắng nồng đượm xứ này mà sắc hồng đã được nhuộm vàng mê mải. Vào chợ lựa mấy nhành mai, rồi chúng tôi ghé nhà má Bảy ở ấp An Hòa. Má có hai cô con gái xinh thật là xinh. Hai Hường mười chín, út Tiên mười bảy-hai đóa hoàng mai giữa chốn đồng bưng. Má đang rở tay gói bánh tét, hai cô gái ríu rít trong bếp, mùi mứt rim thơm ngọt như tiếng chào: “Chị em Hai Hường chào mấy anh nghen!”. Nhà má chỉ có bốn người nhưng năm nào cũng gói thật nhiều bánh tét để biếu họ hàng ở Châu Đốc, chia cho bà con xóm giềng. Tôi say sưa hỏi chuyện má, ngoảnh sang đã thấy hai ông bạn líu lo với chị em Hai Hường trong bếp. Thì ra mỗi tôi là “ngây thơ”, còn họ đã kịp làm quen nhau bữa các cô vào đơn vị biểu diễn văn nghệ. Đến giờ vào doanh trại, chúng tôi tặng gia đình má một nhành mai, má và hai cô không quên dúi vào tay chúng tôi nào bánh tét, nào mứt dừa. “Tết ghé nhà Hường chơi nghen mấy anh?”. Tôi chợt nhận ra giọng con gái xứ này ngọt mềm hơn bất cứ thứ gì trên đời. Chúng tôi đi qua các ấp, thấy nhiều gia đình trang trí nhà cửa thật vui mắt, lũ trẻ lăng xăng chạy ra đường “xem” các chú bộ đội, má đỏ hây, mắt ngơ ngác như những hạt na... Tết ấy, vì nhiệm vụ đột xuất, chúng tôi không ghé thăm má Bảy và chị em Hai Hường được. Chả biết trước khi về Bắc hai người bạn của tôi có kịp chia tay hai đóa hoàng mai. Kết thúc cuộc gọi với đồng đội cũ mà lòng tôi rưng rưng con gió sông Hậu, miên man sắc mai vàng.

Những cái Tết trên cao nguyên đá Hà Giang cũng làm tôi bồi hồi mỗi khi bắt gặp một ngọn gió xuân ngang qua. Xứ sở đâu đến lạ kỳ. Đá muốn nhảy xổ ra đường. Đá níu bước chân. Đá quây quanh nhà. Đá ôm lấy cây. Đá giữ thể phách ông bà tổ tiên... Suốt một vùng cao nguyên trùng điệp từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc là bạt ngàn đá xám. Cả mùa đông lê thê, cỏ cây khô xác, đá cũng mang gương mặt mốc thếch, trầm buồn. Ấy thế mà khi những cơn gió đầu tiên của mùa xuân đến là tất cả như bừng dậy. Xuân là mùa đẹp nhất ở cao nguyên này. Từng làn gió ấm mang theo tiếng họa mi núi cao vút, trong vắt như được chưng cất từ những giọt sương ngàn. Gió gói tiếng khèn da diết bỏ vào quả tim bổi hổi của cô gái đang đứng dưới gốc lê trắng muốt. Rồi gió lại ẵm bồng lời hát khẽ, mảnh mềm hơn cả sợi lanh mà ấm như rượu ngô trao cho người thổi khèn. Người già đem áo quần ra phơi trong cái nắng non óng vàng như mật ong bạc hà, dọn dẹp nhà cửa cho thật tinh tươm, gọn ghẽ. Các cặp vợ chồng cọ rửa nông cụ, dán giấy đỏ lên cho chúng được nghỉ ngơi. Gạo nếp nương trắng xóa, cam sành, táo đá đỏ ối chảy nhấp nhô trên các ngả đường. Lợn đen, dê vàng, gà trắng... theo bước chân hỉ hả của các đôi vợ chồng đàn đàn lũ lũ tràn xuống chợ phiên. Trong gió xuân nồng, trong nắng xuân tươi, mắt chồng nhìn vợ, mắt vợ liếc chồng như là chồng mới vợ mới. Lũ trẻ chơi đùa quanh những gốc đào cổ thụ, môi má ửng lên sắc hoa đào. Tiếng lợn kêu rộn rã xóm bản, giục nhanh bước chân người. Hơi rượu ngô thơm lừng, lừ đừ bay khỏi bếp, làm những phiến đá quanh nhà lử lả nghiêng say.

Xuân núi với đời sống thường hằng của bà con dân bản sinh động, thắm tươi hơn những gì tôi đã được học trong sách vở. Ngày đầu năm mới, tôi cùng anh em đơn vị đi chúc Tết bà con các bản. Người dân ở bản Há Già, bản Muồng, bản Lao Va Chải... còn khó khăn lắm, cái Tết còn chưa được đủ đầy đâu. Nhưng tấm lòng thì rộng rãi, rộng rãi hơn cả những nương đá bạt ngàn. Bộ đội qua ngõ nhà ai là nhà ấy kéo vào. Những ánh mắt thân tình, những cái bắt tay thật chặt, những lời chúc ấm nồng bộ đội và dân bản dành cho nhau đẹp tựa gió xuân đang hát ru đá xám, như mưa phùn thấm vào từng nhúm đất khô trên cao nguyên đá...

Năm nay vợ tôi bảo: “Tết này anh dựng cây nêu cho các con nó vui!”. Khu gia binh của chúng tôi khá rộng rãi, mỗi gia đình đều có mảnh vườn nhỏ trước hiên nhà. Gió ngoài kia thao thiết, căng đầy. Tôi sẽ dựng nêu để xua đi mọi xúi quẩy của một năm cũ, để mời tổ tiên, ông bà về đón Tết, phù hộ cho con cháu. Ngày ông nội và mệ nội tôi còn, năm nào sau cúng ông Táo là sân nhà cũng một cây nêu, tiếng khánh đất nung leng keng leng keng thật vui tai trong gió xuân. Sau rằm tháng Chạp, mỗi buổi vào đơn vị, thấy dân sắm Tết đã rộn rực lắm rồi, lòng chộn rộn vui vui. Ven đường các cửa hiệu tạp hóa lấp lánh, tươi ngời hàng Tết. Quất đào từ ngoài Bắc, dưa hấu, mai vàng ăm ắp từ phương Nam chuyển về những xóm biển miền Trung này cho một cái Tết ấm no, tươi đẹp. Gió ngoài khơi say mê khúc ca xuân cho những ngư dân bám biển vững tay chèo. Chỉ dăm hôm nữa thôi, bến cá sẽ là cuộc đổ bộ của những chiến công về với đất liền. Tiếng xe chạy hàng, tiếng thương lái bán mua, tiếng chồng gọi vợ, tiếng vợ mắng yêu chồng, tiếng con trẻ gọi cha... râm ran cả bãi biển.

Từ khung cửa sổ của đơn vị, tôi thấy những cánh chim vui liệng như những sứ giả mùa xuân của miền biển này. Và trong gió khơi, thấy mùi mặn mòi, thân thương, sum vầy của Tết đang về.

Bút ký của MINH QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tet-ve-trong-gio-xuan-nong-650635