Tết vẫn không bỏ phòng tập yoga, gym

Hầu hết các phòng tập lớn đều hoạt động đến hết 28 tháng Chạp và mở cửa trở lại vào mùng 4 Tết. Tức là sớm hơn thời điểm mà người 'nhà nước' phải đi làm sau Tết và có thể muộn hơn thời điểm mà người lao động thực sự đã rời mọi công việc để lo cho một cái Tết đang sầm sập đến.

Bà Hạnh, một phụ nữ ngoài 60, thường xuyên tập Yoga ở trung tâm gần nhà, cho biết, ngày nào bà cũng theo lớp ca 6h15 và tập trong 1 giờ đồng hồ. Ngày Tết trăm thứ việc không tên, bà vẫn giữ nguyên lịch tập ổn định. Bà tự thu xếp, sáng dậy sớm từ 4h30, ra chợ đầu mối gần nhà mua đồ. Các đồ khô, quà biếu… đã mua từ trước Tết cả tháng, mấy ngày gần Tết chỉ sắm sanh những gì cần cho dăm ngày chợ đóng. Đi chợ buổi sáng vừa ngon vừa rẻ và bà vẫn có thời gian để tập.

Tập xong, bà mới về nhà soạn sửa mỗi ngày một ít, sao cho đến trước 30 Tết là ngôi nhà đã được mang màu sắc mới. Bà Hạnh bảo: “Tập Yoga quen rồi, nếu dừng một vài ngày là cơ thể lại cứng quèo quèo như cũ”. Bà vốn hay bị chóng mặt và khớp cũng có vấn đề. Thế nhưng từ hồi tập Yoga, những triệu chứng khó chịu đều biến mất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chị Thảo, Phó Tổng giám đốc của ngân hàng lớn, cho hay, từ khi tham gia lớp nhảy ở trung tâm thể thao gần nhà thì hầu như chị đã thoát khỏi stress vốn hành hạ chị dữ dội từ khi lên làm sếp. “Nhảy theo nhạc luyện chân luyện tay luyện toàn thân, lại được sống trong âm nhạc khiến tinh thần lúc nào cũng lâng lâng. Đầu óc nhẹ nhõm thì làm gì cũng hiệu quả”. Bởi thế, dù bận đến mấy, chị Thảo vẫn thu xếp để ra lớp nhảy. Các lớp học nhảy đa dạng, phong phú, nổi bật là các bộ môn: Shuffle Dance, Sexy Dance, Dance Cover, Hiphop Choreography…, tha hồ lựa chọn. Nó hoàn toàn không giống với việc đi nhảy ở các sàn. Nhảy ở đây là vì sức khỏe, lại không mấy khi bị gặp những hệ lụy như lúc đi sàn nên khá an toàn đối với các chị đang làm sếp với những nghĩa vụ và hình ảnh cần giữ gìn.

Sau khi nhảy xong 1 giờ, nghỉ ngơi cho ráo mồ hôi, cả một “thiên đường” đang chờ các chị. Phòng tắm và xông hơi đầy đủ tiện nghi, lại nằm trong gói thẻ. Nhiều trung tâm bây giờ chú trọng đầu tư nội thất của khu vệ sinh liên hoàn này. Họ hiểu rằng, một khi có cảm giác thoải mái, các chủ thẻ sẽ không ngần ngại gia hạn hoặc nâng cấp gói tập. Suy cho cùng, con người lao động vất vả cũng là để có điều kiện hưởng cuộc sống vật chất đầy đủ hơn.

“Mỗi lần xông hơi và sau đó quàng tấm khăn bông to, trắng muốt ngồi chải tóc trước gương lớn, có những chạm trổ mạ vàng tuyệt đẹp ở nơi tập, tôi tưởng đâu mình là nữ quý tộc. Bởi thế, tập thì đều hàng ngày còn xông hơi, tuần bận nhất cũng phải 1 lần”, chị oanh, kế toán trưởng một công ty xây dựng, cho biết.

Tập Yoga trước khi đi lễ

Bà Thủy cho biết như vậy. Nghỉ hưu đã chục năm, đầu xuân năm mới, thú vui của bà là đi lễ ở các chùa, các đình quanh nhà và trên mạn hồ Tây (Hà Nội). Trước khi đến với việc tập luyện, tất cả các buổi sáng ngày Tết của bà là vào bếp lo mâm cơm cúng, cho tới tận ngày hóa vàng vào mùng 7 Tết, xong đi lễ chùa. Nhìn mâm cỗ nhiều khi ngán, bà chỉ ăn qua quít, trên đường đói thì thụ lộc trong đám hoa quả, kẹo bánh mang đi lễ. Căn bệnh tiểu đường không cho phép bà đối xử với cơ thể của mình như thế mãi.

Bà kể: “Bây giờ thì sáng ra chủ yếu thay tuần hương mới, có hôm nấu vài bát chè hoa cau với đường phổi, vừa mát vừa bổ, vừa tiết kiệm công sức”. Lớp Yoga mở cửa sớm, bà chăm chỉ qua đó tập đủ giờ xong mới lo sửa soạn đi lễ đầu xuân. “Từ ngày tập đều, tôi có thể ngồi quỳ các khóa lễ rất lâu mà không bị tê chân. Tiền đình cũng tốt hơn nhiều, việc tham gia đi lễ ở các tỉnh xa không còn làm tôi ngại ngần như trước”, bà cho biết.

Ngày lễ, Tết chỉ nên giảm 10% so với cường độ tập hàng ngày

Các bà các chị đi tập quen, rất đồng tình với kết luận đó của những chuyên gia thể chất. Việc tập luyện hàng ngày cũng làm sản sinh trong máu người tập một chất gì đó gần như là nicotin trong máu của người hút thuốc lá. Bởi vậy khoa học đã chứng minh rằng, bỏ thuốc đột ngột gây hại cho sức khỏe, phải có lộ trình nếu như mong muốn có kết quả.

Ảnh minh họa

Tương tự như vậy, khi đang tập đều mà dừng lại đột ngột hoặc trong thời gian lâu dài, cơ thể bị thiếu thốn chắc chắn sẽ phản ứng. Biểu hiện rõ nét nhất là những ai đang tập đều mà dừng lại là cơ thể sẽ mỏi mệt hơn người bình thường không tập luyện. Cơ bắp trở nên nhẽo nhanh hơn. “Hễ tôi cứ nghỉ khoảng 3 hôm là chân tay buồn bực, ngủ bớt ngon”, chị Tố, chủ một nhà hàng ăn nổi tiếng, người có “thâm niên” tập gym 3 năm, chia sẻ.

“Nhờ tập luyện mà cánh tay tôi mảnh mai, đặc biệt khi giơ lên không bị nhìn giống như “cánh dơi”, chị Hòa Bình đã U50 tự hào. Chị bảo, cách đây tầm 10 năm, một lần bất chợt nhìn thấy cánh tay mẹ chồng giơ lên, đám da lõng thõng rơi xuống… sát nách, chị thất kinh. Hóa ra những gì mà báo chí hay cảnh báo chị em như bắp tay nhẽo hoặc to như… củ chuối, da dẻ sần vỏ cam… có thể đe dọa mỗi người.

“Nếu tập Yoga đều, tôi thậm chí không còn nhu cầu được massge hàng tuần”, Thúy Vi, giám đốc truyền thông một thương hiệu thời trang lớn, cho biết. Trước đây, khi chưa tập, mỗi tuần chị Vi đến spa ít nhất 1 lần để xông hơi và massage body. Cảm giác khoan khoái thật đấy, thế nhưng thường là chị mệt quá ngủ thiếp đi trong lúc nhân viên đang xoa vuốt khắp thân thể. Vì vậy, chị chỉ có cảm giác nhẹ nhõm chút đỉnh và đâu lại hoàn đó sau khi trở về nhà. “Tập tành chính là biện pháp massage tự nhiên sâu thấm vào từng thớ cơ khiến mình nhẹ nhõm hơn đi spa nhiều”, chị khẳng định.

Lê Thành Nam Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/tet-van-khong-bo-phong-tap-yoga-gym-post55074.html