Tết Trăng trắng trên thảo nguyên

Tết Tsagaan Sar (Tết Trăng trắng), giống như Tết Nguyên đán của Việt Nam, là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất và được chờ đợi nhất ở Mông Cổ. Đây là cơ hội để du khách đắm mình trong thảo nguyên Mông Cổ trong thời khắc giao mùa từ đông sang xuân và tìm hiểu những nét văn hóa bản địa đặc sắc ở nơi này.

Người dân Mông Cổ trong ngày Tết Tsagaan sar.

Cuộc sống thảo nguyên

Nếu như trong mùa hè ấm áp, Mông Cổ hiện lên nhộn nhịp với khá nhiều lễ hội sôi nổi thì vào mùa đông, cái lạnh và tuyết phủ trắng làm cho vùng đất này trở nên gần gũi hơn trong tưởng tượng của du khách về một thảo nguyên bát ngát, hùng vĩ nhưng vắng lặng. Nhịp điệu cuộc sống dường như chậm lại bởi cái lạnh có khi xuống tới âm 20oC. Người dân bản địa giảm nhiều hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoài trời để tập trung vào việc chăm sóc gia súc, vệ sinh chuồng trại và giữ ấm cho chúng. Và vào tháng 1 âm lịch (khoảng tháng 2 dương lịch), khi những ngày lạnh sâu thưa dần, mọi thứ mới dần “thức giấc”. Đó cũng là khi người dân chuẩn bị cho Tết Tsagaan Sar.

Nếu đến Mông Cổ vào mùa này, bạn có thể phải chấp nhận điều kiện tiện nghi tối thiểu bởi lúc này dịch vụ du lịch rất hạn chế và người dân địa phương dường như dành mọi tâm trí cho kỳ lễ của họ. Không có gì phải lo lắng nếu cư trú ở thủ đô Ulan Bator bởi nơi đây vẫn đầy ắp hoạt động. Nhưng nhiều du khách thích chọn ở ngay trong chính nhà của những người dân bản địa (homestay), đặc biệt là trong các làng du mục, để có thể tìm hiểu văn hóa địa phương một cách sống động nhất. Ở đây, họ được tham gia chăm sóc đàn gia súc, cho chúng ăn và uống trước khi trời chạng vạng tối, trở nên giá lạnh. Vào buổi tối, người phụ nữ Mông Cổ chuẩn bị bữa ăn và du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của thảo nguyên, thường là bánh kếp với thịt cừu cùng trà nóng bên lò sưởi ngay trong túp lều của người dân du mục.

Du khách trải nghiệm chăn đàn gia súc trên thảo nguyên.

Bù lại những điều kiện sinh hoạt hạn chế là phong cảnh mùa đông tuyệt đẹp ở nơi đây. Bầu trời thường xanh biếc khiến cho thảo nguyên phủ tuyết trắng trở nên lộng lẫy đến khó tả. Trời càng lạnh, bầu trời càng rực rỡ. Ánh nắng vẫn rót vàng như mật trên những lối mòn dẫn qua các chóp lều truyền thống nhưng dường như không mang theo chút hơi ấm nào. Bởi vậy, đừng quên quần áo ấm, quần chống thấm nước, mũ, một đôi găng tay tốt và giày đi bộ đường dài để chuẩn bị cho những trải nghiệm đặc biệt như tham gia trò chơi chó kéo xe trên tuyết hoặc đơn giản là cưỡi ngựa thăm thú thảo nguyên, tham gia chăm sóc đàn gia súc ngoài trời...

Tết Tsagaan Sar

Người dân Mông Cổ dành nhiều tuần để chuẩn bị cho Tết Tsagaan Sar, đặc biệt là chuẩn bị lương thực, quần áo mới, quà tặng và cả những con ngựa tốt nhất để cưỡi trong các lễ hội...

Ngày trước lễ Tsagaan Sar, người Mông Cổ dọn dẹp nhà cửa, chuồng gia súc thật sạch sẽ với tâm thế xóa đi những vận xui của năm cũ để bắt đầu một năm mới thuận lợi hơn. Vào đêm chính lễ, giống như đêm giao thừa của người Việt, những ngọn nến được thắp lên trên bàn thờ tượng trưng cho sự giác ngộ về luân hồi theo quan niệm Phật giáo. Người Mông Cổ đặt ba miếng băng bên ngoài cửa nhà với niềm tin ngựa của thần Hộ pháp Palden Lhamo sẽ uống khi thần đến thăm gia đình. Các thành viên trong gia đình tập trung để chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn với rất nhiều thức ăn. Một nghi lễ không thể thiếu trong đêm giao thừa là uống trà. Đầu tiên, chủ nhà rót ra một chén trà đem ra sân trước vẩy khắp 4 hướng như một cách mời thần linh. Chén trà thứ hai dành cho người chủ gia đình, rồi mới mời những thành viên còn lại. Lúc này, trên truyền hình sẽ phát sóng một cuộc thi đấu vật truyền thống, các gia đình quây quần bên nhau, vừa xem vừa chơi bài với mong muốn cả năm được may mắn.

Du khách trải nghiệm đi xe trượt tuyết do chó kéo trên thảo nguyên.

Sớm hôm sau, mọi người đều mặc trang phục truyền thống để bắt đầu hành trình "đi tết" người thân. Đầu tiên, họ sẽ đến thăm cha mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình để thực hiện lời chúc “zolgokh”: Từng người cầm khăn Khadag tượng trưng cho điều tốt lành đặt trên tay gia chủ và nói lời hỏi thăm hoặc chúc mừng. Sau đó, gia chủ hôn hai bên má người khách, tặng khoản tiền nhỏ và mời uống ba lần rượu. Họ cùng nhau thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn. Sau bữa ăn, khách ra về, chủ nhà không quên tặng họ một món quà nhỏ như lời chúc năm mới may mắn.

Sau ngày đầu tiên của năm mới dành cho họ hàng sẽ là những ngày giao lưu không ngớt giữa những người hàng xóm, họ ăn uống, tán gẫu cho tới khi những bình rượu cạn dần. Với người Mông Cổ, Tết Tsagaan Sar là niềm vui, là quên đi sự khắc nghiệt của mùa đông và hy vọng vào một mùa xuân ấm áp, tốt lành.

Lê Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/989779/tet-trang-trang-tren-thao-nguyen