Tết Tây, Tết Ta và sự nhầm lẫn giao thừa canh tý – 2020

Cho đến khi viết bài ngắn này, tôi vẫn nhận được những tin nhắn chúc Tết: “Chúc mừng năm mới 2020!”. Sự nhầm lẫn “hồn nhiên” ấy không chỉ ở các bạn trẻ, mà ngay cả những người đã có tuổi. Thậm chí, một số BTV của Đài Truyền hình và cả khách mời, tối hôm qua trong chương trình đặc biệt đón Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý, cũng có rất nhiều người còn hô to: “Chúc mừng năm mới 2020!”. Thật ra thì theo Dương lịch, chúng ta cùng cả thế giới đã đón Tết Tây - Giao thừa “thập kỷ” 2019 – 2020 cách đây 25 ngày rồi! Tối hôm qua, chúng ta chỉ đón giao thừa Tết Nguyên đán theo Âm lịch giữa 2 năm Kỷ Hợi và Canh Tý.

Xin bạn nhớ cho là: Năm trong Âm lịch không được viết theo con số, mà theo Can Chi (Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ) ghép với tên 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Nói cách khác, đó là hệ thống đánh số chu kỳ để thành tên của năm. Và phải 60 năm đủ một vòng Hoa Giáp tên mới lặp lại. Can Chi đôi khi còn được gọi dài dòng là “Thiên Can Địa Chi”, hay “Thập Can Thập Nhị Chi”, là hệ thống đánh số thành chu kỳ được dùng tại các nước có nền văn hóa Á Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và một số quốc gia khác…

Thêm nữa, rất nhiều viết, hoặc nói nhầm là "Tháng 11 Âm lịch", “Tháng 12 âm lịch” và "Tháng 1 Âm lịch". Nhưng thật ra Âm lịch lại không có Tháng 11, Tháng 12 và Tháng 1; mà chỉ có (Tháng) Một, Chạp và Giêng, Hai...

Ca dao:

- Một Chạp là tiết mùa Đông,

Mưa phùn đêm vắng trong lòng lạnh thay.

- Bao giờ cho đến Giêng Hai,

Cho làng vào đám cho ai xem chèo?

Tại sao sau tháng 10 Âm lịch lại là “Tháng Một”? Lý do là vì, đây chính là tàn tích của lịch pháp thời cổ đại Trung Quốc, khi vua Hoàng Đế quy định tháng đầu tiên trong năm tính từ ngày bắt đầu trung khí Đông chí. Theo đó, từ ngày này trở đi là “Tháng Một” (tính theo địa chi là Tháng Tý).

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho biết: từ CHẠP có nguồn gốc từ chữ LẠP trong tiếng Hán. Ở Trung Quốc, LẠP là lễ tế thần vào dịp cuối năm (tháng 12 Âm lịch) nên còn gọi là Lạp nguyệt. Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc nên trong thời gian này, người Việt thường hay có Giỗ Chạp. Tên gọi tháng CHẠP xuất phát từ đây. Tháng Chạp còn được bà con ta gọi là Tháng Củ Mật. Giải thích điều nay, Giáo sư Biền chia sẻ, “Củ Mật” thực chất không phải là một loại củ giống như củ khoai, củ sắn, củ cải… “Củ mật” là một từ Hán Việt, trong đó, củ là kiểm, ý nghĩa là kiểm soát; mật là cẩn mật, cẩn thận.

Cũng trong Lịch âm, các cụ không gọi là Tháng 1, mà là Tháng Giêng. Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch (Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian) thì xét về ngữ âm lịch sử, chữ Giêng bắt nguồn từ chữ CHÍNH trong tiếng Hán. Người Trung Quốc gọi Tháng 1 là Chính Nguyệt. Chữ "Chính" trong tiếng Hán khi chuyển sang chữ Nôm của ông cha ta thì có vần “iêng”. Chữ "Nguyệt" có nghĩa là trăng nhưng cũng mang nghĩa là “Tháng”. Vậy nên cách gọi Tháng GIÊNG bắt nguồn từ đó.

Vẫn biết chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập toàn cầu. Nhưng cần phân biệt rõ Tết Tây - Tết Ta, cùng với Dương lịch - Âm lịch để viết và nói cho chuẩn. Đó cũng là cách bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc!

Trên đây chỉ là mấy lời nghĩ vội, nôm na, xin bà con cùng chia sẻ và bổ sung thêm cho sáng tỏ!

Bắc Giang, 25/1/2020

Đặng Vương Hưng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tet-tay-tet-ta-va-su-nham-lan-giao-thua-canh-ty-%E2%80%93-2020-74360