Tết sum vầy của em bé nhỏ nhất được ghép gan thành công ở Việt Nam

Nắm chặt tay con gái trên chuyến xe về quê ăn Tết, chị Trương Mỹ Nhung kìm nén cảm xúc không nói nên lời. Những vết sẹo trên người 'chiến binh' chưa đầy 2 tuổi như vết tích ghi lại những nỗi đau, những khó khăn mà mẹ con chị đã trải qua trong suốt 19 tháng chạy chữa căn bệnh quái ác.

Hà Vy trong vòng tay bố mẹ sau khi ca ghép gan thành công

Hà Vy trong vòng tay bố mẹ sau khi ca ghép gan thành công

"Con có thể bỏ mẹ nhưng mẹ không bao giờ bỏ con"

Ngã rẽ cuộc đời của Trần Vũ Hà Vy là vào tháng 5/2018 khi cô bé vừa tròn 1 tháng tuổi. Thấy con da vàng vọt, chị Trương Mỹ Nhung (25 tuổi, ở Mỹ Lộc, Nam Định) đưa con đi thăm khám ở khắp nơi từ bệnh viện tuyến huyện đến tuyến tỉnh nhưng không có kết quả. Đến khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, người mẹ trẻ choáng váng nghe tin con mắc căn bệnh rối loạn chuyển hóa axit mật – Một căn bệnh cực hiếm và đặc biệt nguy hiểm.

Tờ kết quả trên tay chị cứ thế nhòe đi vì những giọt nước mắt mặn đắng. Đến trong giấc mơ chị cũng không nghĩ những điều bất hạnh như vậy lại xảy đến với con gái mình - đứa con đầu tiên với bao yêu thương, kỳ vọng.

Chị Nhung tâm sự, Hà Vy từ nhỏ đã là cô bé "biết thân biết phận", chị khóc nhiều chứ con thì dũng cảm rất ít khi mè nheo. Ở khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi Trung ương), các y bác sỹ gọi con là "chiến binh nhí". Không phải bánh cũng chẳng phải kẹo, hàng ngày cô bé hào hứng đón nhận những ống thuốc đặc trị như 1 món quà. Những lần thấy bà nội ở quê ra Hà Nội thăm cháu, đôi mắt Hà Vy sáng lên, đầy háo hức. "Thế nên nhìn cháu chết thật không cam lòng", bà Hướng (56 tuổi, bà nội Hà Vy) nói trong sự xót xa.

Hà Vy là cuộc sống của chị Nhung và cả gia đình. Nhìn con đau chị ước gì có thể đau thay con, chỉ mong có phép màu nào đấy, để con ở cạnh chị lâu hơn, để chị được ôm và vỗ về con nhiều hơn. Thế nhưng khi bé bước sang tháng thứ 10, các bác sỹ thông báo bệnh tình của Hà Vy rất nặng, giờ dùng thuốc cũng không còn tác dụng. Ghép gan là phương pháp cuối cùng nếu không cháu sẽ không sống được quá 6 tháng nữa….

Theo lời kể của anh Trần Văn Tuấn (27 tuổi, bố bé Hà Vy), đó là quãng thời gian nghẹt thở đối với cả gia đình. Sau nhiều đêm thức trắng, nghĩ về cơ hội cho con, anh quyết định hiến gan để thực hiện ca ghép. Chị Nhung cũng muốn hiến gan, nhưng anh Tuấn dặn vợ: "Em phải có sức khỏe để chăm con sau phẫu thuật".

Khi cả gia đình đang vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền thực hiện ca ghép gan cho Hà Vy thì nhiều người to nhỏ nói rằng: "Số cháu nó đã thế, ghép gan làm gì, chắc gì đã thành công rồi lại ôm đống nợ"; "Không có đứa này thì có đứa khác, cứ cố rồi lại mất cả con lẫn cháu"…

Nghe được những lời đó, bà Hướng chỉ biết lặng lẽ ra hành lang bệnh viện ngồi khóc. Còn bố mẹ Hà Vy quyết định bỏ ngoài tai những lời nói ấy để đi đến quyết định đăng ký ghép gan. "Bố mẹ và gia đình luôn sát cánh bên con. Con có thể bỏ mẹ nhưng mẹ không bao giờ bỏ con. Con bé nhỏ nhưng còn mạnh mẽ chiến đấu để giành sự sống lẽ nào mẹ vì sợ khổ mà buông tay con?", chị Nhung nhắn nhủ con gái sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục chuẩn bị cho ca ghép.

Chia sẻ với PV, TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật cho biết: Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện 13 ca ghép gan. Trong đó, 7 ca là mẹ hiến gan, còn lại là cô, dì, chú, bác, thậm chí cả bà. Đây là ca hiến gan đầu tiên từ bố. Ở thời điểm này, Trần Vũ Hà Vy là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất (dưới 12 tháng) và cân nặng nhỏ nhất (6,7kg) ở Việt Nam được thực hiện ghép gan…

13 ngày "nín thở"

Hà Vy cùng bà nội trong đợt tái khám định kỳ. Hiện các chỉ số của bé gần như đã ổn định. Ảnh: Cao Tuân

Ngày thực hiện ca phẫu thuật được ấn định vào 1/4/2019. Trước ghép một ngày, anh Tuấn và con gái phải nhịn ăn để chuẩn bị cho ca đại phẫu. Đối với một quân nhân như Tuấn thì chẳng quá khó khăn gì, nhưng còn Hà Vy - em bé chưa tròn 1 tuổi lại luôn tỏ ra thèm thuồng mỗi khi thấy những bệnh nhi khác uống sữa, ăn quà. Vợ chồng chị Nhung thương con đến vô tận nhưng cũng không thể làm khác.

1h đêm, tay Hà Vy sưng phồng vì hỏng ven. Bé khóc thét lên vì kim luồn vào da thịt, thâm tím. 5h sáng, bố con Hà Vy đã phải dậy tắm rửa sát khuẩn chuẩn bị cho ca mổ. Bé khóc vì sợ khi phải nằm một mình trên cũi nhưng khi nghe tiếng bố gọi, Hà Vy nín bặt. Có lẽ, bé biết cuộc chiến này đã có bố đồng hành cùng mình rồi.

7h sáng anh Tuấn được chuyển vào phòng mổ trước. 9h sáng, các bác lên khoa đưa Hà Vy đi phẫu thuật. Lúc này, dù ở một mình nhưng ánh mắt Hà Vy bình thản đến lạ thường. Mọi người bảo bé hiểu chuyện và đã sẵn sàng đón chờ những điều sắp tới…

13 tiếng chờ ngoài phòng phẫu thuật là thời gian dài nhất trong cuộc đời của chị Nhung. Chị và những người thân thay nhau xuống nhà tâm linh của bệnh viện thắp hương cầu nguyện cho Hà Vy. 16h chiều, anh Tuấn được chuyển sang phòng hồi sức nhưng vẫn mê man còn Hà Vy tiếp tục "chiến đấu" bên trong. 22h đêm, các bác sĩ mở cửa phòng phẫu thuật bước ra và thông báo ca phẫu thuật đã thành công. Mọi người đều vỡ òa xúc động, "cô gái tháng 4" đã mạnh mẽ vượt qua cửa tử!

Sau ca ghép, việc đảm bảo chức năng khối ghép hoạt động tốt là một chặng đường dài. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức ngoại trong sự lo lắng và chờ đợi của các y bác sĩ. Tất cả các hoạt động của bé, dù nhỏ nhất như phân, nước tiểu, nhiệt độ… đều được ghi nhận và thông báo tới toàn ê kíp. Suốt 13 ngày sau ghép, bệnh nhân liên tục đi ngoài phân bạc trắng là 13 ngày căng thẳng tới tột độ, đe dọa nguy cơ phải phẫu thuật lại. Đêm ngày thứ 14, bé đi đại tiện có màu vàng chứng tỏ mật đã lưu thông đã trút đi bao lo âu của kíp mổ…

Sau ghép gan, Hạ Vy bị dịch tràn màng phổi do vậy phải đặt ống dẫn lưu và tiếp tục điều trị. Sau một tháng, anh Tuấn đã bình phục sức khỏe và trở lại làm việc bình thường. Để đảm bảo chế độ chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật, mẹ con chị Nhung thuê một căn hộ ở gần Bệnh viện Nhi Trung ương để thuận tiện cho việc điều trị. Ròng rã thêm nhiều tháng trời, đến tháng 12/2019, qua chụp chiếu, làm xét nghiệm, các chỉ số của Hà Vy đã về ổn định, hết dịch lưu trong phổi nên các bác sỹ mới cho xuất viện về nhà...

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nhung tâm sự: "Đây cái Tết đầu tiên đúng nghĩa của sự sum vầy và hạnh phúc của gia đình mình. Ước mơ con mình có thể phát triển, trưởng thành như một đứa trẻ bình thường của cả gia đình cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Hạnh phúc lắm…".

"Đây cái Tết đầu tiên đúng nghĩa của sự sum vầy và hạnh phúc của gia đình mình. Ước mơ con mình có thể phát triển, trưởng thành như một đứa trẻ bình thường của cả gia đình cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Hạnh phúc lắm…".

Chị Nhung, mẹ bé Hà My tâm sự

Cao Tuân - Theo Gia đình&Xã hội

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/tet-sum-vay-cua-em-be-nho-nhat-duoc-ghep-gan-thanh-cong-o-viet-nam-83278-9.html