Tết sớm ở 'làng bánh chưng' nổi tiếng nhất Hà Nội

Tết Nguyên đán cận kề, làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) lại tất bật vào mùa bận rộn nhất trong năm…

Vào thời điểm này, làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) hay còn gọi với cái tên làng “bánh chưng” tất bật, nhộn nhịp hơn. Xe chở bánh, lá dong ngược xuôi khắp đường làng, ngõ xóm. Theo những người dân tại đây, từ rằm tháng Chạp đến đầu tháng Giêng Âm lịch là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm.

Vào thời điểm này, làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) hay còn gọi với cái tên làng “bánh chưng” tất bật, nhộn nhịp hơn. Xe chở bánh, lá dong ngược xuôi khắp đường làng, ngõ xóm. Theo những người dân tại đây, từ rằm tháng Chạp đến đầu tháng Giêng Âm lịch là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm.

Thoăn thoắt với đôi bàn tay khéo léo, bà Nguyễn Thị Mai – người có kinh nghiệm 40 năm gói bánh chưng chia sẻ: “Hồi xưa, sau khi đi học về tôi lại tranh thủ gói bánh giúp bố, mẹ. Nghề của ông cha để lại, làm dần thành quen và đến bây giờ khi đi lấy chồng tôi vẫn gắn bó với nghề này”.

Để có chiếc bánh chất lượng, nguyên liệu làm bánh được các hộ dân làng nghề chuẩn bị rất kỳ công. Theo đó, lá dong dùng để gói bánh phải là loại lá bánh tẻ đặt mua ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An... sau đó được rửa sạch và lau khô. Để làm được một chiếc bánh chưng hoàn chỉnh phải cần tới 5- 6 tàu lá. Vì vậy, số lượng lá dong mỗi cơ sở nhập về rất lớn.

Gạo làm bánh là loại đặc sản nếp cái hoa vàng nhập thơm ngon ở vùng Hải Hậu (Nam Định)…

Đỗ xanh tách vỏ sau khi ngâm sẽ được đồ với chút muối và xay nhuyễn trước khi gói. Có như vậy, đỗ xanh sẽ không bị ngái và bùi hơn khi thưởng thức.

Thịt gói bánh chưng phải là loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai tươi được thái vừa miếng. Trước khi gói bánh, thịt được ướp với các gia vị như nước mắm, hạt tiêu...Sau khi sơ chế, thịt sẽ được bao một lớp đỗ xung quanh, điều này giúp các nguyên liệu được hài hòa với nhau sau khi gói.

Người dân làng Tranh Khúc không dùng khuôn mà vẫn gói bánh thủ công bằng tay. Vì thế, người gói phải có nhiều kinh nghiệm để bánh được vuông vắn, đều nhau mà không bị móp méo.

Xã hội ngày một hiện đại, người dân làng Tranh Khúc không còn sử dụng bếp than luộc bánh mà đã chuyển sang dùng bếp điện, bếp hơi. Muốn ngon, bánh chưng phải luộc trong vòng 8-10 tiếng.

Cao điểm dịp Tết, mỗi hộ dân làng Tranh Khúc có thể gói từ 500 – 1000 chiếc bánh/ngày. Một chiếc bánh chưng có giá từ 30.000 – 70.000 đồng/chiếc tùy theo kích cỡ. Ông Nguyễn Duy Thắng, chủ cơ sở sản xuất Thắng Trang dự tính Tết năm nay sẽ làm khoảng 1 – 2 vạn chiếc bánh chưng phục vụ nhu cầu của thị trường.

Từ bao đời nay, bánh chưng Tranh Khúc đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng.

Tạ Hải

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tet-som-o-lang-banh-chung-noi-tieng-nhat-ha-noi-d408814.html