Tết ông Công ông Táo: Những địa điểm thả cá chép thuận lợi tại TP.HCM và Hà Nội

Ngoài những ngôi chùa có hồ nước trong khuôn viên, người dân có thể chọn những địa điểm như sông, hồ trên địa bàn để thả cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo.

Một trong những vấn đề băn khoăn của khá nhiều người dân đó là địa điểm phóng sinh cá chép vào dịp này. Nhiều người dân lo lắng nếu chọn địa điểm không hợp lí (nước quá ô nhiễm, nước nhiễm mặn, thả từ trên cao xuống...) cá sẽ chết và không thể đưa ông Táo về chầu trời được.

Vậy, nếu sinh sống và làm việc tại TP HCM, Hà Nội dịp 23 tháng Chạp, người dân thả phóng sinh cá như thế nào và nên thả ở đâu?

Dưới đây là một số gợi ý về địa điểm thả cá chép phóng sinh dịp Táo quân về chầu trời ở TP HCM và Thủ đô Hà Nội.

Địa điểm thả cá chép cúng ông Công ông Táo ở TP HCM

Chùa Diệu Pháp (Bình Thạnh): Chùa Diệu Pháp nằm cạnh sông Sài Gòn nên vào những dịp mùng 1, rằm, người dân thường xuyên đổ về đây để thả phóng sinh các loại cá, ốc, ếch...

Tu viện Quan Âm (đoạn kênh Nhiêu Lộc, Phú Nhuận): Tu viện Quan Âm nằm ngay sát kênh Nhiêu Lộc và đoạn này cũng là đoạn nước trong lành, không ô nhiễm nên được nhiều người dân lựa chọn để thả phóng sinh, nhất là trong những dịp như dịp cúng ông Công, ông Táo.

Chùa Pháp Hoa (Trường Sa, Phường 14, Quận 3): Chùa Pháp Hoa cũng là một ngôi chùa nổi tiếng tại Sài Gòn thu hút rất đông Phật tử đến lễ bái vào dịp mùng 1 hoặc ngày rằm... Ngay sát cạnh chùa là kênh Nhiêu Lộc nên nhiều người dân cũng thường xuyên đến đây thể thả cá chép.

Chùa Nam Thiên Đệ Nhất Trụ (Thủ Đức): Chùa được dựng trên một cột to, tọa lạc ngay giữa lòng hồ Long Nhãn.

Thả cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo là tục lệ lâu đời của người Việt

Thả cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo là tục lệ lâu đời của người Việt

Ngoài những ngôi chùa đã liệt kê ở trên, người dân cũng có thể thả cá chép sau khi cúng ông Táo tại các địa điểm sông hồ sau đây:

Bến sông An Lộc (quận 12): Đây là địa điểm được nhiều người lựa chọn để thả phóng sinh cá chép. Tuy nhiên, cũng chính vì có nhiều người thả nên ở đây phát sinh thực trạng: Cá bị bắt và "quay vòng".

Sông Sài Gòn, đoạn dưới chân cầu Sài Gòn: Khi thả cá ở khu vực này, người dân cần lưu ý quan sát những đoạn nước trong, sạch để thả cá, tránh tình trạng thả cá vào khu vực bị ô nhiễm hoặc thả từ trên cao xuống khiến cá không thể sống được sau khi thả.

Sông Vàm Thuật (Gò Vấp) cũng là một trong những địa điểm thả cá chép ở Sài Gòn.

Địa điểm thả cá chép cúng ông Công ông Táo ở Hà Nội

Sông Hồng: Các địa điểm như cầu Long Biên, cầu Chương Dương, hoặc bãi giữa sông Hồng thường được mọi người lựa chọn để thả cá. Một lưu ý là khi thả cá ở sông Hồng, bạn nên chọn những điểm thả có nền đất vững chắc, tránh tuyệt đối đến những khu vực cát mềm, dễ lún sụt để đảm bảo an toàn.

Những địa điểm thuận lợi để thả cá chép ngày ông Công ông Táo ở Hà Nội

Hồ Tây: Với diện tích rộng lại có nhiều lối dẫn xuống hồ xây với bậc thang kiên cố là điểm “lý tưởng” mà nhiều gia đình lựa chọn để thả cá chép tiễn ông Táo về trời. Vì yếu tố tâm linh nên người dân thường hay thả cá chép ở khu vực gần chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ,… và một số đình, đền, chùa xung quanh hồ Tây.

Hồ Thủ Lệ: Nằm trong khuôn viên công viên Thủ Lệ, hồ Thủ Lệ là một trong những hồ đẹp nổi tiếng của Hà Nội. Hồ rất rộng, sạch, có nhiều lối lên xuống được xây cẩn thận sẽ là địa điểm lý tưởng để bạn đi thả cá tiễn ông Táo về trời.

Hồ Ngọc Khánh: Hồ được bao quanh bởi hai tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Phạm Huy Thông. Xung quanh hồ có nhiều tụ điểm giải trí, văn hóa, ẩm thực, là nơi người dân Hà Nội thường xuyên ghé qua nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn. Hồ khá rộng, sạch sẽ, có lối xuống lại được kè xung quanh nên rất thích hợp cho các hộ dân khu vực lân cận đến thả cá chép.

Hồ Ba Mẫu – Hồ Bảy Mẫu: Hồ Bảy Mẫu nằm trong khuôn viên công viên Thống Nhất, là một trong 26 hồ điều hòa nước mưa của Hà Nội. Từ nhiều năm nay, hồ Bảy Mẫu không chỉ đóng vai trò điều hòa mà còn là nơi vui chơi của nhân dân thủ đô. Nằm đối diện với hồ Bảy Mẫu, cách nhau con đường Lê Duẩn là hồ Ba Mẫu. Cả hồ Ba Mẫu và Bảy Mẫu đều sạch sẽ, vỉa hè bao quanh nên không có gì lạ khi đây là địa điểm nhiều gia đình ở Hà Nội tìm đến để thả cá chép tiễn ông Táo về trời.

Không nên đứng xuống bậc thang gần nước để tránh trơn chượt khi thả cá

Hồ Thiền Quang: Người dân sống tại khu vực gần công viên Thống Nhất còn có một địa điểm quen thuộc khác để tới thả cá chép vào mỗi dịp cuối năm – đó chính là hồ Thiền Quang. Hồ Thiền Quang hay còn gọi là hồ Ha-le nằm đối diện cổng chính của công viên Thống Nhất, được bao quanh bởi 4 con phố đầy cây xanh tỏa bóng mát là Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung. Bờ kè rộng là lý do nhiều người chọn con hồ này làm nơi thả cá.

Lưu ý khi đi thả cá:

Ngoài những địa điểm trên, bạn có thể tới một vài sông, hồ, ao gần nhà để thuận tiện hơn. Tuy nhiên, dù thả cá chép ở đâu, hãy nhớ bảo vệ môi trường nước, tuyệt đối không vứt túi ni lông, chân, tàn hương hay các vật dụng thờ cúng khác xuống sông hồ.

Nên chọn những hồ được xây kè cẩn thận, có bậc thang lên xuống. Nếu nơi thả cá chưa xây kè nên chọn chỗ có nền đất vững chắc để đảm bảo an toàn.

Nguyễn Phượng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tet-ong-cong-ong-tao-nhung-dia-diem-tha-ca-chep-thuan-loi-tai-tphcm-va-ha-noi-a261055.html