Tết ở vùng tâm bão số 10 từng đi qua

Những ngày Tết, chúng tôi ngược về nơi tâm bão xã Yên Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) để chia sẻ những vui buồn trong tết Mậu Tuất 2018 cùng bà con nơi đây.

Bà Đinh Thị Luận (58 tuổi), thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đang chuẩn bị bánh chưng để dâng cúng ông bà tổ tiên trong ngày tết - NGỌC DƯƠNG

Con đường dẫn vào thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa vắng vẻ chiều 30 tết. Thôn Tân Lợi là một trong những tâm bão của cơn bão số 10 hồi tháng 9.2017. - Ảnh: Ngọc Dương

Đối với người dân ở đây ngày tết rất quan trọng nên thường năm nào bà con cũng chuẩn bị rất chu đáo. Cứ vào ngày tết, không khí ở vùng quê này lại rộn ràng hẳn, nhà nào dù khó khăn mấy cũng chuẩn bị vài cặp bánh chưng và chuẩn bị bánh kẹo đầy đủ để gia đình và hàng xóm quây quần đón xuân. Nhưng tết Mậu Tuất năm nay có lẽ là cái tết hiu hắt bởi cơn bão số 10 vừa qua đã quần nát nhiều căn nhà, bà con chỉ có ít gạo của chính quyền, của các nhà hảo tâm hỗ trợ để gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cơm đạm bạc dâng lên ông bà tổ tiên.

Chị Đinh Thị Thanh Tâm (38 tuổi, xã Yên Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) ngồi co ro ôm đứa con đang sợ hãi giữa căn nhà bị bão số 10 quần nát. Ảnh chụp ngày 17.9.2017. - Ảnh: Ngọc Dương

Chiều 30 tết, chúng tôi đến Yên Hóa, con đường dẫn vào thôn Tân Lợi nơi bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 vừa qua giờ đây khá vắng vẻ và có phần ảm đạm. Hai bên đường nhiều căn nhà vẫn còn ngổn ngang do cơn bão số 10. Một vài căn nhà của người dân vẫn chưa thể dựng lại, những mái nhà bị bão xé toạc vẫn còn trống hoác hay hững tấm gỗ bị bão quần nát vẫn còn ngổn ngang trên nền đất của bà con.

Chiều 30 Tết, chị Tâm cùng con mình đi qua căn nhà cũ ngổn ngang gạch ngói, căn nhà của chị bị bão quần nát hồi tháng 9.107. Đến nay chị đã vay mượn dành dụm để dựng lại một căn nhà mới cách đó vài chục mét. - Ảnh: Ngọc Dương

Ngày cuối năm, ở xóm nghèo Tân Lợi người dân còn khó khăn, bởi không có nghề nghiệp ổn định, nhiều gia đình vẫn chưa thể có ngôi nhà mới, một số gia đình được chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ cộng với phần tiền dành dụm chỉ mới dựng tạm lên căn nhà mới để ở. Bởi vậy mà năm nay có lẽ là cái tết đạm bạc nhất từ mấy năm trở lại đây của người dân Yên Hóa.

Chúng tôi có mặt tại nhà chị Đinh Thị Thanh Tâm (38 tuổi), ở Thôn Tân Lợi. Chị Tâm đang đứng ngay trên nền nhà cũ của gia đình bị bão quần nát. Mọi vết tích vẫn còn nguyên vẹn, những viên ngói vỡ vụn còn nằm trên nền nhà, nét buồn còn hằn trên đôi mắt người phụ nữ dày dạn sương gió.

Chị Tâm chỉ tay về phía cạnh đó một căn nhà vừa xây đang dở dang, rồi nói: “Hai vợ chồng vay mượn bà con cộng với tiền dành dụm, thêm một phần của các nhà hảo tâm mới dựng lại căn nhà để gia đình ở. Tết nay đạm bạc lắm chú ơi, vợ chồng chỉ gói một ít bánh chưng và bánh kẹo để đón tết”.

Chiều 30 tết, chị Tâm đang nấu nồi bánh chưng. Chị Tâm chia sẻ: "Gia đình năm nay đón tết đạm bạc với vài cặp bánh chưng và ít bánh kẹo, không được phấn khởi như những cái tết trước đây" - Ảnh: Ngọc Dương

Căn nhà mới còn dở dang vợ chồng chị Tâm gom góp dựng lên sau cơn bão. - Ảnh: Ngọc Dương

Trên nền nhà cũ gia đình chị Tâm không dựng lại nhà ở đây mà tận dụng trồng những gốc bầu để thu hoạch trái - Ảnh: Ngọc Dương

"Tết năm nay chẳng mấy phấn khởi lắm, gia đình chỉ chuẩn bị mâm cơm đạm bạc, mua một ít thịt, cá để dâng lên ông bà tổ tiên thôi", bà Đinh Thị Nguyên, 56 tuổi ở thôn Yên Lợi, xã Yên Hóa đang chuẩn bị bữa cơm tối 30 cho gia đình. - Ảnh: Ngọc Dương

Bà con lối xóm và gia đình quây quần trong chiều 30 tết ở nhà bà Đinh Thị Nguyên. Không như những cái tết trước đây, tết Mậu Tuất năm nay với gia đình bà Nguyên là cái tết khá buồn - Ảnh: Ngọc Dương

Bà Đinh Thị Nguyên ngồi bên đống gỗ của căn nhà cũ bị bão quần nát hồi tháng 9. Số gỗ này gia đình bà gom góp lại để định ra năm dựng căn nhà mới chắc chắn và an toàn hơn - Ảnh: Ngọc Dương

"Tết chẳng mong mâm cao cỗ đầy, gia đình chỉ mua một ít bánh kẹo để dâng cúng gia tiên cầu năm mới an lành, không phải bị thiên tai nữa", bà Nguyên nói với ánh mắt buồn bã - Ảnh: Ngọc Dương

Cơn bão số 10 đánh sập căn nhà của bà Đinh Thị Luận, 56 tuổi ở thôn Tân Lợi hồi tháng 9.2017. Tết năm nay gia đình bà đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ nên đã bớt được phần nào gánh nặng. - Ảnh: Ngọc Dương

Bà Luận cùng cháu bên căn nhà mới, nhưng để dựng được căn nhà mới gia đình bà cũng phải chạy vạy vay mượn thêm từ nhiều nguồn. - Ảnh: Ngọc Dương

Bà Đinh Thị Luận (58 tuổi), thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đang chuẩn bị mâm cơm đạm bạc trước giao thừa để dâng cúng tổ tiên. - Ảnh: Ngọc Duơng

Bà Đinh Thị Chí, 60 tuổi ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa đang mót rau thơm để dành ăn tết. - Ảnh: Ngọc Dương

Hơn 5 tháng sau khi cơn bão số 10 quyét qua, mái nhà của bà Chí vẫn còn những vết tích tan hoang do bão để lại - Ảnh: Ngọc Dương

Bà Chí tâm tư: "Tết năm ni buồn hiu chú à. Căn nhà hoang lạnh vì chưa có tiền để sửa lại nên mâm cơm cúng tổ tiên phải chuyển qua nhà đứa con ở xóm dưới, Tết đến chẳng mong gì, chỉ cầu mong con cái khỏe mạnh, năm mới đừng có thiên tai bão lũ để tui được yên ổn tuổi già thôi." - Ảnh: Ngọc Dương

Cách đó vài trăm mét là căn nhà của bà Đinh Thị Chí (60 tuổi), căn nhà ngày nào bị bão cuốn hết đi mái tôn giờ vẫn chưa thể lợp lại. Hôm chúng tôi đến, bà Chí đang ở phía sau vườn mót rau thơm để dành ngày mai ăn tết. Bà Chí kể, nhà của bà bị bão cuốn sạch mái tôn, sau đó được chính quyền hỗ trợ 10 tấm tôn nhưng bà nhường cho người con trai, còn căn nhà của mình thì để vậy, chờ khi nào gom đủ tiền thì sửa lại. Nhưng mãi đến bây giờ bà vẫn chưa gom đủ tiền để sửa. Chồng đã mất cách đây hơn chục năm, bà Chí sống một mình trong căn nhà này, những người con ở cùng thôn nhưng chẳng ai có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống cứ bấp bênh suốt bao năm qua.

Ông Đinh Minh Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hóa cho biết, đến nay 8 trong số 10 căn nhà bị sập hoàn toàn sau bão số 10 đã cơ bản được chính quyền địa phương và các đơn vị hảo tâm hỗ trợ dựng lại. Bà con đã có nhà để đón tết, chính quyền cũng đã hỗ trợ gạo cho bà con. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ do thiếu kinh phí, nhà cửa dựng lại vẫn chưa kiên cố.

Mọi năm nhắc đến tết, người dân ai cũng háo hức, nhưng năm nay bà con đón tết có phần hiu hắt, người dân cũng chẳng dám mơ mâm cao cỗ đầy như những năm trước đây, họ chỉ mong tết có cái bánh chưng, ít bánh trái cúng tổ tiên ông bà và sang năm mới Mậu Tuất sẽ may mắn hơn, và nhất là ít thiên tai để bà con làm ăn sung túc.

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tet-o-vung-tam-bao-so-10-tung-di-qua-934214.html