Tết ở A Mú Sung

Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào dịp Tết đến, Xuân về, báo Hà Nội mới (HNM) lại tổ chức những chuyến đi thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đồn BP A Mú Sung (BĐBP Lào Cai). Chuyến đi năm nay, ngoài những phần quà Tết cho đơn vị kết nghĩa, đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo HNM còn mang theo 300 suất quà được trích từ Quỹ 'Trái tim nhân ái' của báo HNM để hỗ trợ những hộ còn khó khăn ở 2 xã mà đồn đóng quân là A Mú Sung và Nậm Chạc. Đón Tết sớm cùng CBCS và lãnh đạo chính quyền địa phương, cảm nhận không khí ấm áp của mùa Xuân mới càng thấy được mối quan hệ quân dân vững chắc nơi rẻo cao biên giới…

Điểm sáng Lũng Pô 2

A Mú Sung cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Theo lời giải thích của Đại úy Lương Khắc Của, Chính trị viên phó đồn BP A Mú Sung: “Cái tên A Mú Sung có ý nghĩa là cây sung già”. Bao nhiêu năm qua, từ thuở lập đất đến nay, “cây sung già” đã bao bọc, nuôi dưỡng bao thế hệ người dân nơi đây. Với trách nhiệm cao cả là giữ gìn sự bình yên của mảnh đất biên cương, cộng với tình yêu thương giành cho vùng biên giới cực Bắc thuộc địa bàn huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai, các chiến sỹ của đồn BP A Mú Sung đã gắn bó máu thịt với mảnh đất thân yêu nơi địa đầu Tổ quốc, cùng gánh vác và chia sẻ những khó khăn với đồng bào.

Háo hức chờ nhận quà. Ảnh: Nguyên Hoa

Theo Đồn trưởng, Trung tá Phạm Ngọc Xướng, ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn hai xã mà đồn phụ trách là A Mú Sung và Nậm Chạc, CBCS của đồn còn thành công trong việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế. Theo chân CBCS của đồn, ngược lên dòng sông Hồng, không chỉ để cảm nhận về vùng đất “nơi con sông Hồng, chảy vào đất Việt”, các vị khách còn được chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của bà con ở thôn Lũng Pô 2 - một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế mà BĐBP đã có công xây dựng trong nhiều năm qua.

Lũng Pô 2 có 27 hộ dân tộc Mông chuyển từ Mường Khương về đây từ năm 2007. Ban đầu kinh tế của các hộ dân trong thôn rất khó khăn, nhờ mạnh dạn tìm tòi cách làm ăn mới, nhiều hộ dân đã học hỏi mô hình trồng cây chuối, cây dứa để nâng cao kinh tế. Đi đầu trong phong trào này phải kể đến Ma Seo Páo, Trưởng thôn Lũng Pô 2. Thấy bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, BĐBP đã đồng hành cùng dân bản làm kinh tế. Bằng công sức của nhân dân và sự giúp đỡ của CBCS, đã có hàng chục ha dứa và chuối được trồng thành vùng hàng hóa tập trung, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng phục vụ xuất khẩu. Năm ngoái, dứa được mùa, được giá, hàng chục gia đình có thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng, có những hộ dân đạt mức thu nhập 150 triệu/năm. Cả thôn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Từ một điểm sáng tiêu biểu của đồng bào Mông ở Lũng Pô 2, phong trào làm kinh tế nay đã lan tỏa trong toàn xã A Mú Sung, sang cả xã Nậm Chạc và các xã lân cận. Trưởng thôn Ma Seo Páo không giấu được niềm vui trong tiếng cười sảng khoái: “Bỏ cái tục xấu đi, làm theo đời sống văn hóa mới thì nhanh thoát được nghèo mà. Bây giờ người Mông ta không lo đói nữa, trẻ con có cô giáo dạy chữ, có trạm y tế chữa cái bệnh khi ốm đau nên càng phải cố gắng nhiều”. Trong buổi gặp mặt đầu Xuân do đồn BP A Mú Sung tổ chức, 100 suất quà tết tổng trị giá 30 triệu đồng của những người anh em kết nghĩa được mang từ Hà Nội lên dù không nặng về giá trị vật chất nhưng đã cùng BĐBP chia sẻ với bà con những khó khăn trong cuộc sống, giúp đồng bào nghèo có cái Tết Nhâm Thìn ấm áp hơn. Sùng A Phừ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chạc nói đầy vẻ tự hào: “Bà con trong xã mình chưa sắm Tết đâu, quà của các bạn đã giúp các hộ có Tết rồi đấy. Cảm ơn bộ đội, cảm ơn các bạn nhiều...”.

Cắm “cột mốc” trong lòng dân

Đồn BP A Mú Sung quản lý gần 30km đường biên, 4 cột mốc biên. Lực lượng mỏng, nhưng anh em đã biết dựa vào dân để quản lý chặt đường biên, đồng thời làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hai xã thuộc địa bàn quản lý của đơn vị là A Mú Sung và Nậm Chạc có 830 hộ dân với 4.392 nhân khẩu. Cư dân thưa thớt và thiếu thốn đủ bề, đời sống kinh tế và văn hóa đều nghèo. Không chỉ giữ đất biên cương, các anh còn phải bám dân, giúp dân phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Thực hiện chương trình “cắm bản” của BĐBP, Thượng úy Nguyễn Bá Quảng đã được tăng cường về xã A Mú Sung và trong lần Đại hội vừa rồi anh đã được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã.

Đồn trưởng, Trung tá Phạm Ngọc Xướng chia sẻ: “Năm nay, quân số của đồn trực Tết tại đơn vị đông. Kế hoạch chuẩn bị mua sắm tết cho anh em đã được lên “khung”. Bên cạnh kế hoạch mua sắm tết, chúng tôi cũng đã có phương án bố trí lực lượng xuống các thôn, bản vừa đón tết cùng bà con vừa bảo vệ các điểm vui chơi, lễ hội của nhân dân. Dù đón tết tại đơn vị hay được về sum họp cùng gia đình, 100% CBCS của Đồn đều phấn khởi với quyết tâm cao sẵn sàng bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ nhân dân”. Cũng theo Đồn trưởng Phạm Ngọc Xướng, mùa xuân mới này dường như càng có ý nghĩa hơn đối với bà con nơi đây bởi những hộ dân nghèo của hai xã A Mú Sung và Nậm Chạc vừa được nhận quà tết của báo HNM thể hiện tình cảm chân thành mà cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo dành cho đồng bào và BĐBP. Anh bày tỏ: “Việc làm thấm đẫm chất nhân văn này của báo HNM là động lực mới giúp củng cố thêm niềm tin và tình đoàn kết gắn bó của người dân bản đối với BĐBP. Việc này đã giúp BĐBP gieo “cột mốc” vững chắc trong lòng đồng bào vùng cao biên giới…”.

Cắm mốc biên giới đã khó, “cắm mốc” trong lòng dân còn khó hơn gấp bội. Đó là công việc phải làm thường xuyên, không có điểm dừng. Để mỗi người dân biên giới thực sự là những cột mốc biên cương vững chắc, những CBCS đồn BP A Mú Sung đang ngày đêm bám sát nhiệm vụ, không quản ngại hy sinh, gian khổ, xây dựng vành đai an toàn trong lòng dân, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Một mùa Xuân nữa lại về trên mảnh đất có “con sông Hồng chảy vào đất Việt”...

Nguyên Hoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tet-o-a-mu-sung/