Tết Nguyên đán lại lo dịch lở mồm long móng

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tuy nhiên tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc tại tỉnh Quảng Nam có nhiều diễn biến phức tạp.

Do đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát, sẵn sàng dập dịch khi phát hiện LMLM, đồng thời tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết sắp đến.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho thấy từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh LMLM trên gia súc (trâu, bò, lợn) đã xảy ra rải rác tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tập trung ở hộ chăn nuôi và cả cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Tuy nhiên, nhờ phát hiện và xử lý kịp thời nên bệnh không lây lan, phát sinh ra diện rộng. Gần đây, vào trung tuần tháng 11, bệnh LMLM trên gia súc đã xảy ra tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, cho biết trong đợt dịch LMLM vừa qua, địa phương này ghi nhận có khoảng 50 con trâu, bò mắc bệnh. Sau khi phát hiện dịch, lực lượng thú y cơ sở đã khẩn trương tổ chức khoanh vùng, xử lý đồng thời thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh LMLM cho hơn 1.500 con trâu, bò của địa phương.

Chính nhờ thực hiện nhiều giải pháp kịp thời mà ổ dịch LMLM tại xã Duy Trinh đã được dập tắt, không để lây lan sang các địa phương lân cận.

Mặc dù ổ dịch LMLM trên gia súc đã được khống chế, song chính quyền xã Duy Trinh vẫn thường xuyên tuyên truyền, thông báo, phát tờ rơi cảnh báo dịch quay trở lại đến các hộ chăn nuôi, đặc biệt vào thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần.

Phun khử trùng phòng dịch LMLM lan rộng tại Quảng Nam.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, dịch LMLM trên đàn gia súc tại Quảng Nam có nhiều diễn biến phức tạp do tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh LMLM đợt 2-2017 đến nay đạt quá thấp; thêm vào đó là tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp kéo theo các loại mầm bệnh trôi nổi và phát tán rộng; nguồn thức ăn sau bão, lũ khan hiếm, gia súc gầy yếu; công tác quản lý giết mổ chưa được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh; công tác kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển động vật còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, có sự chủ quan trong nhận định tình hình bệnh, không áp dụng kịp thời, đồng bộ các biện pháp bao vây ổ dịch của ngành chuyên môn địa phương đã làm tăng số lượng gia súc mắc bệnh LMLM. Vì vậy, trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng là rất cao.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh LMLM, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát phát hiện sớm ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao như tại ổ dịch cũ, nơi tập trung mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc,... xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp.

Kịp thời lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh khi có bệnh xảy ra, làm căn cứ lựa chọn loại vaccine phù hợp tiêm phòng khẩn cấp và bao vây ổ dịch theo đúng quy định.

Ngoài ra, ông Đinh Văn Thu cũng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chú trọng tại các địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ như Duy Xuyên, Thăng Bình, Hiệp Đức,...

Đặc biệt, phải duy trì chế độ trực 24/24h tại Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi và phối hợp chặt chẽ với Trạm Kiểm dịch động vật Hòa Phước, TP Đà Nẵng để kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc vào địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/canh-bao-nguy-co-lan-rong-dich-lo-mom-long-mong-tren-dan-gia-suc-truoc-tet-nguyen-dan-469915/