Tết này họ không về

Với những người xa quê lên thành phố làm việc, học tập Tết Nguyên đán bao giờ cũng là dịp cả gia đình được sum họp sau một năm học tập, lao động vất vả. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… vì nhiều lý do khác nhau, nên vẫn có những người không thể về quê ăn Tết.

Những ngày cuối năm, trên các tuyến phố dòng người qua lại đông đúc, tạo ra một bầu không khí đón Tết mỗi lúc một hối hả hơn. Có lẽ ai cũng đang cố đi nhanh hơn để làm xong mọi công việc, bắt được chuyến tàu, chuyến xe sớm nhất về sum họp với gia đình những ngày xuân. Đó là mong mỏi của những người con xa xứ.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của nhiều người không cho phép niềm mong ước ấy được trọn vẹn. Những ngày cuối năm là những ngày nặng trĩu nỗi lòng của không ít lao động, trong nỗi khao khát những ngày Tết sum vầy bên gia đình, nhớ bữa cơm tất niên ấm áp. Họ phải chấp nhận đón Tết xa nhà để có thêm chút tiền gửi về cho cha mẹ, đàn em thơ có thêm tấm áo mới xúng xính đón xuân.

Tết là cơ hội để nhiều người lao động tranh thủ làm việc để hưởng mức thu nhập cao.

Tết là cơ hội để nhiều người lao động tranh thủ làm việc để hưởng mức thu nhập cao.

Tết này có về quê không? Đó là những câu hỏi từ quê nhà, từ bạn bè khiến người lao động, công nhân, sinh viên nghèo xa xứ day dứt bởi đồng lương ít ỏi không đủ tiền về quê ngày Tết.

Anh Vũ Văn Công, quê Nam Định, lái taxi chia sẻ với chúng tôi rằng, đã 6 năm nay chưa năm nào anh về nhà ăn Tết: “Ngày Tết với mọi người, chứ mình vẫn cứ làm, tranh thủ mấy ngày này kiếm thêm được đồng nào hay đồng đấy, vì những ngày Tết thu nhập được nhiều hơn mà thỉnh thoảng còn có khách mừng tuổi nữa”.

Hỏi về thu nhập trong những ngày Tết, anh Công bảo: “Năm ngoái 1 ngày thu được tầm 3 triệu đồng”. Những ngày này anh Công ăn trên xe, ngủ trên xe chứ không về phòng trọ: “Người ta về quê hết rồi. Có mấy anh em cùng nghề lái xe nhưng đi suốt, không ai ở nhà”.

Còn đối với Bùi Đức Dương, quê Hà Nam đang làm bảo vệ tại trung tâm thương mại ở Cầu Giấy (Hà Nội), đây là cái Tết thứ 2 anh quyết định ở lại thành phố làm việc. “Năm nay em chủ động xin ở lại, phần vì công việc ngày Tết không có người thay thế, lương lại cao gấp đôi, gấp ba ngày thường, chưa kể thưởng. Qua Tết về thăm gia đình”, anh Dương vui vẻ nói.

Mấy ngày Tết hầu như Dương không phải làm gì. Chỉ ngồi đó hoặc đi lại cho có bóng người. Nhưng mỗi ngày công Tết của anh là 1.000.000 đồng, chưa kể khi về còn được thưởng và mừng tuổi. Anh trò chuyện với tôi về cái Tết xa gia đình nhẹ bẫng như đó là một phần của cuộc sống. Dù vậy, anh cũng không nén được tiếng thở dài: “Cứ đi ra đi vào kể cũng buồn anh ạ”.

Trong khi đó, tại phòng điều dưỡng của Bệnh viện 108, cô Nguyễn Thị Thu làm nghề chăm người ốm qua Tết. Nhiều năm đã quen với việc ăn Tết ở bệnh viên, với băng bông, thuốc men bên giường bệnh. Lịch trông bệnh nhân dịp Tết của cô thường bắt đầu từ 25/12 âm lịch đến mồng 5/1 năm sau. Thu nhập những ngày này của cô tương đối cao, năm ngoái rẻ nhất là trên 1.000.000 đồng/ngày đêm chăm một người bệnh, mà cũng tùy từng bệnh nhân với mức độ bệnh nặng nhẹ và độ tuổi khác nhau để định giá.

Khi tôi hỏi những người làm công việc như cô họ ăn Tết thế nào? Giọng cô có phần nghẹn lại: “Làm gì có Tết” nhưng bù lại chỉ khoảng 10 ngày mình đã có được một khoản tiền kha khá mà với những lao động như cô làm nửa năm cũng khó có được.

Không chỉ những lao động tự do, mà cả sinh viên, công nhân cũng tranh thủ “cày Tết” để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Rất nhiều bạn trẻ chọn ở lại Hà Nội để săn việc kiếm tiền. “Từ hồi đi học đại học đến giờ em không về quê ăn Tết, cũng thấy nhớ nhà nhưng làm việc nhiều thành quen”, Thành, sinh viên đại học GTVT ngậm ngùi.

Năm nào Thành cũng đến Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên để “săn việc”. Mọi năm, Thành thường nhận việc đi phát tờ rơi cho các siêu thị, công việc khá vất vả, nhưng tùy theo mức khoán, Thành có thể kiếm được trên 500 nghìn đồng/ngày.

Trong khi đó, Tùng Long, quê Thanh Hóa, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng không về quê ăn Tết. Long chia sẻ, nhà mình có 6 anh em, bố mẹ làm nông, nên cuộc sống khá khó khăn. Thương cha mẹ, ngoài thời gian học, Long kiếm việc làm thêm để trang trải học hành. Những công việc Long thường làm là gia sư, phục vụ nhà hàng, cưới hỏi, làm bánh kẹo thủ công… Ở lại thành phố vừa tiết kiệm, vừa để kiếm tiền giúp mẹ. “Nếu cả đi và về ăn Tết cũng phải tốn một khoản tiền tàu xe. Rồi còn tiền vui chơi với bạn bè, lì xì mấy đứa em nữa”, Long kể.

Sinh viên, công nhân cũng tranh thủ “cày Tết” để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống

Tết thường là mùa “hốt bạc” của sinh viên, ai cũng dễ dàng tìm kiếm việc làm. Từ bảo vệ đến hướng dẫn viên du lịch, từ hoạt náo viên đến bưng bê nhà hàng sang trọng. Với họ, Tết là cuộc mưu sinh vất vả xen lẫn buồn vui.

Tương tự, Tết thường là mùa “cày ải” của công nhân. Những đơn hàng cuối năm tới tấp, các nhà xưởng tăng ca nhiều hơn, công nhân chọn ở lại để vừa tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện thu nhập. Chị Nguyễn Thị Tâm, quê Bắc Cạn, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long chia sẻ, 2 năm rồi mình không về quê ăn Tết, chồng chị cũng làm công nhân, đứa con gái 4 tuổi gửi ở ngoại.

“Ở lại một vài năm quen rồi, cũng buồn nhưng biết sao, thương con, nhớ con nhưng phải kìm nén để làm việc, có khi tăng ca đến giữa đêm mới về nhà. Bù lại, tiền tăng ca Tết được tính gấp đôi, gấp ba bình thường. Mỗi mùa Tết, vợ chồng anh chị kiếm được hơn chục triệu đồng”, chị Tâm ngậm ngùi.

Với những người như anh Công, Dương, Long và chị Tâm… không phải cứ về bên gia đình dịp Tết mới là điều hạnh phúc nhất, không nhất thiết cái Tết nào cũng là Tết đoàn viên. Tất cả họ đều chọn ăn Tết xa nhà, nhưng trong họ vẫn có niềm vui và hạnh phúc bởi điều họ đang làm là vì cuộc sống của những người thân yêu trong gia đình. Điều này khiến mỗi chúng ta càng thêm trân quý hơn giá trị của sức lao động.

TUẤN ANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tet-nay-ho-khong-ve-d90254.html