Tết này đi xem kịch

Không có nhiều vở kịch tết như năm 2017, nhưng sân khấu tết năm nay vẫn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho người xem bằng những vở diễn được đầu tư nghiêm túc, có chất lượng và nhiều cảm xúc.

Vở kịch Giấc mộng vàng son được đánh giá là "sắc màu" lạ của sân khấu kịch tết 2018.

Bức tranh của Sài Gòn nghĩa tình

Ðiểm thú vị của sân khấu tết 2018 là hầu hết các vở kịch đều có nội dung về cuộc sống và con người Sài Gòn, trong đó có vở kịch Sài Gòn có một ngã tư (sân khấu Hoàng Thái Thanh), Hẻm nhỏ Sài Gòn (Nhà hát kịch TPHCM) và Gia đình bá đạo (sân khấu Hồng Vân).

Những vở kịch tết này đặt ra những góc nhìn khá giống nhau, không phải về một Sài Gòn hoa lệ với phố xá, xe cộ... mà là những góc nhỏ của người lao động, của những người dân nhập cư. Dẫu cuộc sống có không ít khó khăn, nhưng sự hào sảng, nghĩa tình của người Sài Gòn vẫn luôn đầy ắp. Những con hẻm nhỏ, những khu phố lao động ở cả ba vở diễn đều rất gần gũi, thân quen, gần như là những ký ức của những ai từng sống và làm việc ở Sài Gòn.

Người Sài Gòn “ruột để ngoài da” như cô Tám Nở bán cà phê hay ông Thông chạy xe ba gác (trong vở kịch Sài Gòn có một ngã tư). Họ có thể cãi cọ vì những chuyện không đâu, nhưng hễ một người trong khu phố xảy ra chuyện, là mọi người lại xông xáo giúp đỡ. Người Sài Gòn rộng rãi như ông Bình; cả khu đất rộng của gia đình ông trở thành cần câu cơm miễn phí của cả xóm. Ở đó có quán cà phê, có bến xe ôm, có tiệm bơm vá xe đạp… và có cả một sạp áo quần miễn phí cho người nghèo. Sài Gòn bỗng đẹp hơn bao giờ hết và đầy ắp cảm xúc trên sân khấu trong những ngày xuân về.

Bên cạnh đó, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa là mảng đề tài chủ đạo của mùa kịch tết năm nay. Những câu chuyện về nghĩa vợ, tình chồng, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái… được đặt ở nhiều góc nhìn khác nhau và được kể bằng nhiều phong cách kịch, từ hài kịch đến ca múa nhạc kịch và cả những vở diễn thấp thoáng màu sắc liêu trai. Trong số đó, vở kịch Giấc mộng vàng son (sân khấu Hoàng Thái Thanh) và Sứ giả thiên đường (sân khấu Thế Giới Trẻ) được xem là hai “mảng màu” đặc biệt.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Chú Cuội và Hằng Nga, vở kịch Giấc mộng vàng son kể rằng, chàng Cuội vì mơ ước được lấy Hằng Nga, đã theo cây đa bay lên tận chốn cung đình, bỏ mặc nàng Bưởi và Cuội con từng ngày trông ngóng, nhớ thương. Liệu rồi Cuội có tìm được hạnh phúc ở nơi ấy? Không chỉ có cách kể khá lạ, Giấc mộng vàng son còn là sự phối hợp đầy thú vị của Quang Thảo và Ngọc Duyên trong vai trò tác giả và đạo diễn.

Cũng nửa thật, nửa hư, nhưng lại được dàn dựng thiên nhiều về hướng hài kịch, vở Sứ giả thiên đường là câu chuyện nhiều cảm xúc về tình mẫu tử. Tiếng cười dẫu đầy ắp trong vở diễn, nhưng những khoảng lặng vẫn đủ để làm người xem rưng rưng với sự hy sinh và tình yêu vô điều kiện của người mẹ dành cho con.

Cũng là câu chuyện của đời sống hôn nhân, vở Bởi vì ta yêu nhau (sân khấu Idecaf) là những kế hoạch chuẩn bị ly hôn của một đôi vợ chồng. Ðến với nhau vì tình yêu, nhưng những vấn đề nảy sinh trong đời sống hôn nhân cộng thêm sự công kích của hai bên sui gia đã đẩy hai vợ chồng vào những tình huống dở khóc dở cười. Ðời sống hôn nhân của những đôi vợ chồng trẻ được kể một cách hóm hỉnh nhưng mang nhiều thông điệp thực tế, giúp các cặp vợ chồng lẫn hai bên sui gia cởi mở hơn trong suy nghĩ để giữ gìn hạnh phúc cho các cặp vợ chồng trẻ.

Cũng được diễn trong dịp tết này, Gió vườn ngọc lan (sân khấu Hồng Vân) dù là vở diễn về những người đồng tính nhưng lại lấy điểm nhấn là vợ và mẹ của người đồng tính và để lại khá nhiều cảm xúc cho người xem.

Những câu chuyện tình yêu dí dỏm

Ðều là những vở hài kịch, nhưng câu chuyện tình yêu trong vở Thám tử si tình (sân khấu Idecaf), vở Công chúa Sao Hỏa (sân khấu Hồng Vân) và Bao giờ mẹ lấy chồng (sân khấu Thế Giới Trẻ) lại là những mảng màu khác nhau, góp phần vẽ nên bức tranh tổng thể hoàn hảo cho mùa kịch tết.

Hơi có một chút “mùi vị” của kịch trinh thám, vở Thám tử si tình là cuộc truy lùng thủ phạm trong những vụ tấn công phụ nữ có nốt ruồi trên mặt của thám tử kiêm tài xế taxi Trần Tư. Cũng yêu say đắm một người phụ nữ và mất suốt mười năm ròng để sửa chữa sai lầm, liệu Trần Tư sẽ chọn tình yêu hay nghề thám tử nghiệp dư?

Trong khi đó, vở Công chúa Sao Hỏa mang dáng dấp của một câu chuyện viễn tưởng. Trong vở này, diễn viên Ngọc Trinh sẽ xuất hiện với vẻ ngoài xấu xí đến bất ngờ. Nhân vật tên Hà (Ngọc Trinh) yêu say đắm một anh ngôi sao ca nhạc. Với sắc đẹp “khó tả”, Hà biết tình yêu của mình mãi chỉ là tình đơn phương. Bất ngờ, một ngày, Hà phát hiện mình là công chúa Sao Hỏa bị thất lạc lâu năm. Có trong tay phương tiện hiện đại của xứ sở Sao Hỏa, Hà được biến đổi để trở thành người đẹp theo đúng tiêu chuẩn sắc đẹp của con người Trái đất. Liệu rồi cô có tìm được tình yêu đích thực của cuộc đời mình? Vở diễn đầy ắp tiếng cười, ghi nhận sự trở lại của diễn viên Ngọc Trinh sau khoảng hai năm kể từ khi sân khấu riêng của chị phải ngừng hoạt động.

Với thế mạnh là sức trẻ và khả năng ứng biến của dàn diễn viên trưởng thành từ sân khấu Thế Giới Trẻ, vở Bao giờ mẹ lấy chồng có lúc như một vở náo kịch với tiếng cười không dứt, kể về tình yêu bất ngờ của cô Xuân, người phụ nữ thuộc hàng U40 và anh chàng phi công đẹp trai như người mẫu. Tưởng mình sẽ mãi sống với hạnh phúc được làm mẹ của những đứa trẻ mồ côi, ai dè cũng có lúc trái tim cô Xuân đập loạn nhịp…

“Sân khấu kịch tết 2018 đang dần trở về với sự tử tế, nghiêm túc và chất lượng. Ðó là một trong những tín hiệu đáng mừng, dù số lượng kịch tết năm nay không bằng năm ngoái. Hy vọng đây sẽ là bước đệm để sân khấu kịch ngày càng có nhiều vở diễn được chăm chút hơn từ kịch bản đến công tác dàn dựng và đội ngũ diễn viên”, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng nghệ thuật - Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, cho biết.

Quỳnh Nga

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269008/tet-nay-di-xem-kich.html