Tết này con không về...

Xuân đã sang, hoa đào đã nở, phố phường nhộn nhịp, nồi bánh chưng nhà nghi ngút khói, mẹ chuẩn bị làm mâm cơm tất niên... mọi người quây quần cho một năm mới sum vầy. Vậy mà con vẫn ở phương trời xa, mắt không khóc mà cay. Nhớ Tết, nhớ mẹ... vô cùng.

“Thèm” hương vị quê nhà trên đất khách

Từ nửa vòng trái đất xa xôi như Hoa Kỳ đến châu Âu lục địa già đâu đâu cũng có những du học sinh Việt Nam theo học. Các bạn đa số, tuổi đời chỉ mới tròn mười tám, đôi mươi, ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” trở nên mỏng manh nơi đất khách. “Tôi sang Mỹ từ năm 18 tuổi, đến nay đã được 4 năm cũng là bằng ấy năm ăn Tết xa nhà. Đôi lúc mong có được cảm giác háo hức, man mác buồn khi những ngày cuối năm cận kề, bồi hồi khi thấy nhà nhà cùng chuẩn bị cúng ông Công ông Táo, hay gia đình rộn ràng sắm sửa đón Tết.

Bố mẹ tôi thường sẽ lên kế hoạch chuẩn bị Tết vào những ngày nhất định. Ví dụ như 1 tuần trước Tết mọi người sẽ cùng nhau tổng vệ sinh nhà cửa, ngày 26 tháng Chạp sẽ đi chọn hoa, ngày 28 tháng Chạp sẽ luộc bánh chưng… Những chuyện đó ngày trước cứ ngỡ chỉ là điều tự nhiên, vậy mà đến nay tôi lại nhớ từng chút một. Mùa đông ở Massachusetts lạnh lẽo, chưa bao giờ tôi yêu cành đào của mẹ mua ở chợ hoa Hàng Lược nhiều đến thế”, bạn Đặng Thùy Linh (du học sinh tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ) xúc động.

Du học sinh Nga tập hợp với nhau đón Tết cổ truyền.

Du học sinh Nga tập hợp với nhau đón Tết cổ truyền.

Cách Linh 7 múi giờ, Nguyễn Hồng Nhung (du học sinh tại Moscow, Thủ đô nước Nga) cùng gần chục sinh viên Việt Nam cùng trường không có điều kiện về nước cùng gia đình, có những người chỉ biết nhìn qua khung cửa, ngóng trông về nơi ấy – quê nhà. Những ngày Tết cổ truyền Việt Nam là ngày bình thường của người dân Moscow, vẫn sáng đi học rồi chiều tối về. Các du học sinh đa phần có hoàn cảnh giống nhau, thường tìm đến với nhau, cùng gom góp tiền mua vài hộp bánh, chuẩn bị mâm ngũ quả cho có không khí.

“Dù không thể ở bên người thân trong những giờ khắc thiêng liêng này, song các bạn vẫn cố gắng cùng nhau chuẩn bị một cái Tết mang đậm đà bản sắc dân tộc chào đón năm mới. Sinh viên Việt Nam tại Nga luôn có tinh thần dân tộc và hướng về truyền thống đất nước, chúng tôi tự tay gói cho mình những chiếc bánh chưng xanh dù phải rất khó khăn để mua nguyên liệu. Hoặc tự nấu cho mình những món giò, nộm, xôi đỗ, nem... Thật lạ là khi ở nhà mọi người chưa từng nấu ăn nhưng bây giờ món gì cũng làm được cả”, Nhung tâm sự.

Mâm cơm giao thừa được chuẩn bị giống như ở Việt Nam.

Trường của Nhung ít sinh viên Việt Nam, không có hội đồng hương người Việt nên để tổ chức được một cái Tết đủ đầy thật vô cùng khó khăn, điều mong mỏi nhất là cành đào mừng xuân nhưng lại không thể có. Thế nhưng với sự thông minh của mình, các bạn đã tự tay làm các cây đào, cây mai không khác gì so với thật. “Khoảng 2 tuần trước Tết vài bạn nam sẽ vào rừng chặt một cành táo, còn bạn nữ sẽ mượn phòng của trường để tân trang lại.

Tiếp đó là trang trí cành táo giống như ở nhà, cố gắng chăm sóc cho hoa nở ra đúng ngày mùng 1, tuy hoa nở ra màu trắng nhưng vui lắm. Hồi hộp nhất là lúc xem Táo quân cùng nhau, đây là lúc nhìn về năm qua quê hương đã trải qua những sự kiện gì. Rồi khoảnh khắc giao thừa chúng tôi cũng bắn pháo hoa chúc mừng năm mới. Chỉ có điều lúc đó Việt Nam đã điểm 0 giờ còn Moscow chỉ mới 20 giờ thôi”, Nhung kể về cách mà những du học sinh cố gắng sưởi ấm cho nhau giữa thời tiết âm 2 độ của nước Nga.

Gửi niềm thương từ nơi xa hàng ngàn kilômét

May mắn hơn Thùy Linh và Hồng Nhung, Đinh Xuân Quang (du học sinh tại Tokyo, Nhật Bản) ở một đất nước cũng có lịch âm. Quang cho hay điểm khác biệt lớn nhất giữa ăn Tết ở Việt Nam và ở nước ngoài là sự thiếu vắng không khí đầm ấm của gia đình. Mặt khác nhịp sống của những du học sinh tại Nhật vô cùng vội vã, được rảnh giờ nào là đi làm giờ đó để có thể trang trải được chi phí đắt đỏ. Nhiều năm Tết nhất nhằm vào ngày trong tuần, Quang phải đi học rồi đi làm quần quật tới 10, 11 giờ đêm mới về.

Do đó, Quang chọn cách cập nhật “không khí Tết” qua mạng xã hội: “Khi thấy trên Facebook có hàng chục status của bạn bè cập nhật ảnh tiệc tất niên, mua quần áo mới xúng xính, người người mua bao lì xì và rục rịch làm mứt thì biết Tết sắp đến rồi đấy, dù sao cũng an ủi phần nào bởi vẫn có một chút ấm cúng của vị Tết quê hương giữa nơi xa xôi 4000 ngàn cây số”.

Facebook cũng là kênh liên lạc thường xuyên của Thùy Linh, Hồng Nhung và nhiều du học sinh khác với gia đình. Họ gọi điện qua mạng xã hội này, nỗi buồn được vơi đi mỗi khi hai “đầu cầu” được kết nối với nhau qua màn hình máy tính hay điện thoại nhỏ xíu. “Không ít du học sinh Nga chọn cách xả nỗi nhớ qua mạng internet, bởi lẽ tuyết ngoài kia vẫn không ngừng rơi thì nỗi nhớ lại dâng lên.

Năm ngoái vào đúng thời khắc sang năm mới, mỗi đứa ngồi một góc tay cầm điện thoại gọi về nhà để được ngắm nhìn và gửi chúc lời chúc tới cha mẹ, bạn bè ở nơi cách xa hàng nghìn ki-lô-mét mà nước mắt chực rơi. Có đứa không kìm được vội òa khóc, đứa nào mạnh mẽ hơn thì rơi nước mắt lúc đã kết thúc cuộc gọi cho gia đình đỡ lo”, Nhung cho biết thêm.

Dù không thể về quê ăn Tết nhưng qua tâm sự và cảm xúc khác nhau của mỗi du học sinh, chúng ta đều thấy được trong lòng những người con xa xứ luôn chứa đựng một tình yêu gia đình và nhớ về quê hương đất nước. Quan trọng hơn cả, đổi lại cho những cái Tết trên đất khách là sự trưởng thành, tình yêu thương gia đình được vun đắp và quyết tâm học tập để chờ một ngày không xa quay về tận hưởng Tết đoàn viên.

“Tết Nguyên đán sắp đến gần, giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng không còn xa. Những người con ở phương xa chỉ biết gửi lời chúc đến ông bà, cha mẹ, anh chị em một năm an khang thịnh vượng. Mong cho năm Kỷ Hợi mưa thuận gió hòa cho bố mẹ ở quê được một năm bội thu, chúc cho những bạn học sinh, sinh viên cố gắng học tập tốt, chúc cho toàn thể người dân một năm thắng lợi mới, niềm vui mới.

Đặc biệt những ai đang ở gần bên gia đình, bạn bè và người thân hãy biết trân trọng và tận hưởng những phút giây tuyệt vời này”. Đó là những lời chúc thân thương mà Linh, Nhung, Quang và hàng triệu du học sinh khác trên thế giới gửi về quê hương Việt Nam nhân dịp năm Mậu Tuất sắp qua đi.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-nay-con-khong-ve-86104.html