Tết mồng 5

=========================================================================

Hôm nay Tết mồng 5, ăn món cái rượu làm tôi lại nhớ món “cơm nguội ngọt” của ông ngoại. Ông bà tôi nấu rượu và tôi thường được ông cho một bát cái rượu mỗi khi ủ xong. Lúc đó tôi gọi món này là “cơm nguội ngọt”.

Hình như món gì của “ngày xưa” cũng ngon vậy. Tết mồng 5 còn gắn với chè đậu đen, với chè kê. Mùi thơm của bát chè kê nấu mật ăn với bánh đa cùng lũ trẻ quê bao giờ cũng thật hấp dẫn. Những bát chè kê có thể để được nhiều ngày, có lẽ do độ ngọt cao nên cũng hạn chế vi khuẩn, nấm mốc chăng? Tết mồng 5 ở quê tôi còn có món cá khô. Tôi thấy ít miền quê có món này, có lẽ vì quê tôi ở biển, lại vào mùa hè, nên việc làm ra món cá khô khá thuận tiện nên nó thành món ăn phổ biến.

Buổi sáng ngày Tết mồng 5, mẹ tôi thường bảo mấy anh em đi tắm để giết rôm. Mẹ tôi và bao người ở quê tin là như vậy. Giờ điều kiện sống tốt hơn, tôi không thấy trẻ con có rôm sảy, nhưng khi chúng tôi còn bé, rôm sảy khắp người khi vào mùa nắng. Và tắm giết rôm là việc đầu tiên chúng tôi phải làm vào ngày mồng 5/5 âm lịch. Cũng trong ngày này, hầu như các bà các mẹ đi chợ đều mua bó lá vối to. Hình như có niềm tìn rằng, lá vối hái vào ngày mồng 5/5 thì uống tốt cho sức khỏe. Vậy nên, hầu như nhà ai cũng mua lá vối vào ngày 5/5 để phơi khô, pha nước uống dần.

Vào lúc 12h trưa, nghe tiếng “đài tút” (âm thanh tút tút của radio lúc 6h và 12h), mẹ bảo chúng tôi ra nhìn mặt trời. Mẹ bảo làm vậy tốt cho mắt. Lũ thanh niên choai choai ở quê thì thường được các nhà nhờ làm một việc mà mọi người gọi là “dạ mít”. Một cậu sẽ trèo lên cây mít, cậu ở dưới cầm gậy, que củi gõ vào mít và bảo: Dạ mít? Cậu trên cây trả lời: Dạ! – Năm nay mày ra bao nhiêu quả? – 100 quả! Cái nghi thức ấy, sau này tôi được biết có cơ sở khoa học là kích thích vào thân cây, để cây ra trái. Ở làng tôi có câu chuyện cười, có một bà nổi tiếng ngoa, hai cậu thanh niên trêu chọc bà ấy bằng cách trèo lên cây mít nhà bà và khi được hỏi thì trả lời “chả ra quả nào!”. Bà ấy càng chửi, cánh thanh niên càng… vui!

Quê tôi nghèo, con người nói chung thật thà và không khéo léo như các vùng miền khác. Điều này tôi cảm nhận khá rõ khi đi ra, tiếp xúc bên ngoài. Ngay cách nói về Tết mồng 5 cũng vậy. Người quê tôi cứ gọi là “Tết mồng 5” chứ chẳng mấy khi gọi là “Tết Đoan Ngọ” hay “Giết sâu bọ”. Cách sống, cách nghĩ có phần đơn giản cũng phản ánh trong ngôn ngữ vậy. Với tôi, Tết mồng 5, tết của những con người xứ nóng, dù không “to” như Tết cổ truyền, nhưng thật đặc biệt, gần gũi và là bản sắc của dân tộc mình, của làng quê mình vậy. Ở đó có niềm tin, tín ngưỡng, có văn hóa ẩm thực, nếp sống của bao đời người Việt. Mặt trời lúc chính ngọ của mùa hè thật oi ả, nóng nực, nhưng ngập tràn ánh sáng, khiến cây cối luôn xanh thẫm chứ không nhiều màu sắc (màu lá chuối non, màu tím, xanh vàng…) như các vùng xa xích đạo. Khí hậu, vị trí đó cho phép ta có cây cối, hoa quả phong phú, rau thơm rất ngon. Chúng ta biết gìn giữ, phát triển được sẽ là tiềm năng rất lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống, xuất khẩu.

Những kỷ niệm tuổi thơ, tình cảm với quê hương lúc nào cũng thường trực vậy. Thoáng mùi hương cúng tổ tiên trong cái nóng oi của mùa hạ, lại thấy như lắng lòng mình để nhớ Tết mồng 5.

Hà Nội, những ngày quay quắt mưu sinh, cơm áo; quay quắt với đắng cay cuộc đời và nhớ thật nhiều những phút giây bình yên cuộc sống.

HN, 5/5 AL, 2019.

========================================================================

Mai Văn Hải |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tet-mong-5-69781