Tết là dịp tuyệt vời để đọc sách

12 năm nay, nhiều người yêu thích đọc đã thực hiện Tết Sách như một nét đẹp văn hóa mới bên cạnh những lễ tết truyền thống của dân tộc.

Dù có sự thay đổi về thời gian, địa điểm, song Tết Sách luôn được thực hiện bền bỉ nhằm cổ vũ văn hóa đọc. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Hội Xuất bản Việt Nam, người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty sách Thái Hà - đơn vị thực hiện Tết Sách - chia sẻ với Zing.vn về cái tết đầy ý nghĩa của những người yêu sách

Tết Sách - từ tuyên chiến với sách lậu đến khuyến đọc

- Anh có thể cho biết từ 12 năm trước Tết Sách ra đời trong bối cảnh nào?

- Hơn 10 năm trước, sách lậu hoành hành, chúng tôi làm sách bản quyền và tuyên chiến với sách lậu. Vì thế chúng tôi lấy ngày 23/4 ngày sách và bản quyền thế giới làm ngày quan trọng và đặt tên là Tết Sách.

Tết Sách đầu tiên vào ngày 23/4/2008 có sự góp mặt của lãnh đạo Cục Bản quyền, Cục Xuất bản, Hội Xuất bản, Hội Thư viện, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, đại diện sứ quán Mỹ, nhiều tác giả...

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Hội Xuất bản Việt Nam, người sáng lập đơn vị thực hiện Tết Sách.

- Anh có thể chia sẻ về những hoạt động cụ thể của Tết Sách, và mục đích mà những hoạt động này hướng tới?

- Khuyến đọc và khuyến đọc. Lúc đầu Tết Sách có thêm nhiệm vụ nữa là bảo vệ tác giả, bảo vệ bản quyền cho các cuốn sách.

Hồi đó, chúng tôi đề xuất ngay với Vụ trưởng vụ Thư viện và Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch lúc đó tổ chức Hội Sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. May thay cả 2 lãnh đạo ủng hộ ngay. Đại diện ban văn hóa văn nghệ Ban tuyên giáo TW cũng song hành. Thế là Tết Sách diễn ra liên tục trong dịp 23/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến khi có Ngày Sách Việt Nam 21/4.

Sau đó, tôi cũng gặp Giám đốc sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đề nghị thực hiện Tết Sách ở Hội Sách TP.HCM. Vậy là có Tết Sách nhân ngày 23/4 tại miền Nam.

Nhân Tết Sách chúng tôi tổ chức các buổi giao lưu với tác giả, tác phẩm. Khẩu hiệu đưa ra là “Tết sách - Tôn vinh sách” nên chúng tôi chú tâm đến các tác giả tác phẩm. Cũng may, chúng tôi mời được cả các tác giả nước ngoài vào nữa.

Tết Sách trở thành lễ hội ý nghĩa.

Từ ngày TP.HCM có Lễ Hội Đường Sách và Hà Nội có Hội sách Xuân nhân Tết Nguyên đán, từ đó chúng tôi tổ chức thêm Tết Sách dịp xuân, như vậy mỗi năm có 2 Tết Sách.

Chúng tôi mừng tuổi hàng ngàn cuốn sách, kêu gọi lì xì sách, tặng giỏ quà bằng sách và mong các cháu dùng một phần tiền mừng tuổi để mua sách. Chúng tôi cũng mời các ông đồ, bà đồ về tặng chữ. Sách gồm rất nhiều chữ nên cần trân trọng và nâng niu từng con chữ.

- Qua 12 năm thực hiện, theo anh, thành quả lớn nhất mà Tết Sách đạt được là gì?

- Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học ủng hộ, đó là niềm vui lớn nhất.

Mừng hơn nữa là 5 năm gần đây rất nhiều công ty sách, nhà xuất bản, nhà sách, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ Tết Sách, treo banner mừng Tết Sách, mua sách và giỏ quà sách để tặng, để lì xì rồi cùng chúng tôi khuyến khích các con dùng một phần tiền mừng tuổi để mua sách.

Tôi biết ơn nhiều doanh nghiệp lớn đã ủng hộ Tết Sách và lì xì sách. Không thể không kể đến các dự án lớn nhỏ như: Không gian đọc, Điểm đọc, Sách và Hành động, tủ sách Nhân Ái… ủng hộ Tết Sách và mừng tuổi sách rất nhiệt tình.

Chúng tôi đã cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về trường tiểu học Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên mừng tuổi sáng ngày 30/1/2019. Đây là sự kiện quan trọng tạo tiếng vang lớn.

Trong khi thăm và nói chuyện tại Lễ Hội Đường sách trên đường Nguyễn Huệ chiều tối 28 Tết (ngày 2/2), Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị sau Tết âm lịch, chúng tôi nên chọn một trường phía Nam như Dạ Trạch của Hưng Yên để mừng tuổi sách.

Vượt qua sự khích bác, dè bỉu để thực hiện Tết Sách

- Chúng ta đã có một Ngày Sách Việt Nam (21/4) để tôn vinh sách, liệu có cần thêm một ngày Tết Sách nữa không, theo anh?

- Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ chỉ một Tết Sách là đủ. Cũng như ai đó từng nghĩ, chỉ một hội sách là đủ. Nếu chúng ta toàn tâm, nhất tâm, quyết tâm và thật sự đam mê, vượt khó thì Tết âm lịch là dịp thứ 2 tuyệt vời cho khuyến đọc.

Bởi Tết Nguyên đán mới có phong trào lì xì. Đây là cơ hội lớn để từ ngày có Lễ Hội Đường Sách ở TP.HCM và Hội Sách Xuân ở Hà Nội chúng ta phát động phong trào tặng giỏ quà sách, lì xì sách, dùng tiền mừng tuổi mua sách rất thành công.

Người nước ngoài nhận chữ tại Tết Sách đang diễn ra ở Lễ hội Đường sách TP.HCM.

- Tới nay, bạn đọc, cộng đồng đón nhận thế nào với Tết sách?

- Các năm 2008 và 2009 là khó khăn nhất, khi chúng tôi gặp sự phản đối, khích bác và dè bỉu. Nhưng năm 2010, nhân 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, chúng tôi tung ra chương trình lì xì 1.000 cuốn sách giá 1 ngàn đồng và đã tạo tiếng vang, tạo mốc đột phá để từ đó Tết Sách được công nhận và ủng hộ.

Mốc quan trọng nữa là 2014, Thủ tướng chính phủ đã công bố Ngày Sách Việt Nam 21/4. Đây là niềm vui không của riêng ai.

Còn đến 2019 này, mời bạn đọc đến với Tết Sách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM từ 28 đến mồng 4 Tết và Phố Sách 19 tháng 12, Hà Nội, từ mồng 3 đến mồng 8 Tết để cảm nhận.

Chiều 30 Tết và ngày mồng 1 Tết tôi quyết định treo câu đối thư pháp "Tết Sách thật vui - Đừng xả rác/ Đường hoa rất đẹp - Chớ ngắt cành" để cổ vũ bảo vệ môi trường.

- Năm nay, phong trào lì xì sách, tặng quà bằng sách, trích tiền mừng tuổi để mua sách đang lan tỏa. Anh nghĩ gì về phong trào này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng xuất hiện tại Tết Sách ngày mùng 1 Tết với thông điệp bảo vệ môi trường.

- Mấy năm nay chúng tôi lôi kéo được các bạn nước ngoài vào Tết Sách nhé. Tết Sách đang lan đến các nước ASEAN và châu Âu, Mỹ, Nhật rồi đấy. Tôi sẽ nói về Tết Sách, phố sách tại hội nghị xuất bản toàn cầu sẽ diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 tới và tại Hội sách London vào tháng 3, hội sách trẻ em Bologna tháng 4, hội sách Mỹ tháng 6, hội sách Frankfurt tháng 10 và nhiều hội sách quốc tế khác.

- Có ý kiến cho rằng, đây vẫn là một phong trào mang tính hình thức, khiên cưỡng, một số người thực hiện thì là nhóm rất nhỏ. Theo ông có thể làm gì để phong trào lan tỏa mạnh mẽ hơn?

- Tôi nghĩ khác, việc gì dù rất nhỏ nhưng thật đông người ủng hộ và làm sẽ thành chuyện lớn. Chuyện gì dù lớn đến đâu mà đông người ủng hộ và cùng hành động thì sẽ thành chuyện nhỏ. Mình thấy đúng, thấy tốt là cứ làm đã. Cậu bé Tết Sách mới có 12 tuổi thì không thể kỳ vọng ở cậu ấy quá nhiều.

Tôi nghĩ cần tuyên truyền mạnh hơn, cần làm để người dân nhận ra, ngấm giá trị của sách và tri thức. Khi nhận ra thì sẽ thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen không thể tính theo ngày tháng. Chúng ta thường bàn làm sao thay đổi thói quen nhậu nhẹt, bia rượu, lãng phí của người Việt? Cần tuyên truyền thật mạnh.

Cục Xuất bản, Vụ Thư Viện cùng Hội xuất bản và hội Thư viện cần xắn tay vào. Ngay đầu năm 2019 này, sau Tết, chúng tôi sẽ cùng văn phòng phía nam tại TP.HCM, Hội Xuất bản đứng ra tổ chức bàn tròn khuyến đọc với chủ đề “Thực trạng, nguyên nhân và những giải pháp nhằm góp phần nâng cao sức đọc của người Việt Nam hiện nay”.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tet-la-dip-tuyet-voi-de-doc-sach-post914592.html