Tết là dịp giáo dục truyền thống tuyệt vời, sao lại giao bài tập cho học sinh?

'Người lớn hãy cho các con của chúng ta có những ngày nghỉ Tết đúng nghĩa, những ngày thanh xuân thật sự' - thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM chia sẻ.

Từ 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết, dân tộc Việt Nam ta có các lễ hội văn hóa mà không một quốc gia nào có được. Đó là ngày 30 dựng niêu và rước ông bà về vui xuân, ấm áp là đây, có thể nói ngày rộn ràng nhất trong năm vì bao thế hệ trong gia đình hội tụ đoàn viên.

Mùng một Tết cha tôn vinh giá trị dòng tộc. Mùng hai Tết mẹ cho thấy ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mùng ba Tết thầy cho thấy đạo lý thầy trò, người có công kiến tạo hình thành nhân cách, trí tuệ cho bao thế hệ. Mùng năm lễ hội Vua Quang Trung bậc tiền hiền, anh hùng của dân tộc...

Là người làm công tác giáo dục, tự thân chúng ta phải biết ôn cố tri tân và phải biết hướng dẫn các thế hệ sau bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.

Việc nghỉ Tết của học sinh, sinh viên có từ xa xưa, ngày nay khi mà đất nước đã đổi mới mọi mặt nhất là về kinh tế. Để có nhiều ngày nghỉ đồng nghĩa với cơ hội để mọi người đi chơi, mua sắm. Có nhiều thời gian để về thăm nội và thăm ngoại, thăm họ hàng... xây dựng nền tảng gia đình.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM.

Đã 5 năm rồi tại trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) thầy cô không giao bài tập, giáo khoa để học sinh về sử dụng các ngày nghỉ Tết miệt mài làm bài tập và ôn tập sách học. Quan điểm của nhà trường đó là: Chúng ta là người hiểu biết không chơi trò "Tấm - Cám", ai cũng muốn có một mùa xuân an vui, một cái Tết thật ý nghĩa nhất là trẻ em. Cha mẹ, ông bà và thầy cô chính là người giúp các con có một cái Tết trọn vẹn yêu thương.

Việc chỉ đạo giao bài tập và giáo khoa của hơn 10 môn hay nói cách khác bắt các em phải học, phải làm bài tập một lượng kiến thức lớn. Thử hỏi, chỉ vài hôm việc học này có giúp cho trẻ trở thành "thần đồng" hay chỉ làm các em có một cái Tết mệt mỏi, không an vui.

Còn nếu tâm bao dung yêu thương của thầy cô thì hãy cho kiểm tra trước một tuần nghỉ Tết, để nghỉ Tết ngồi chấm bài hay mở máy dạy online những ngày Tết thầy trò gặp nhau chỉ có vui thôi. Bắt học trò học ngày Tết là trái với tinh thần giảm tải chương trình và làm tăng áp lực nặng nề cho học sinh, kiểu như: “học trong trường chưa đủ tranh thủ học Tết”.

Xin người lớn hãy cho các con của chúng ta có những ngày nghỉ đúng nghĩa, những ngày thanh xuân thật sự!.

Huỳnh Thanh Phú

(Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tet-la-dip-giao-duc-truyen-thong-tuyet-voi-sao-lai-giao-bai-tap-cho-hoc-sinh-20210205215929581.htm