Tết là để: Vượt qua sự ích kỷ của bản thân mình

Một cái Tết nữa lại đến gần và câu chuyện về nhà nội hay nhà ngoại ăn Tết vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều chị em, nhất là với những người lấy chồng xa năm này qua năm khác đón Tết bên nhà nội. Vậy phải làm sao để có được cái Tết vui vẻ, hạnh phúc thực sự với gia đình?

Gia đình tranh cãi ‘gay gắt’ vì ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại

Câu chuyện ăn Tết ở nhà nội hay ngoại luôn là đề tài tranh luận chưa có hồi kết. Các chị em mỗi người có một quan điểm khác nhau và cũng chưa có Tết năm nào, việc ăn Tết ở nhà nội hay ngoại được “đồng thuận”.

Nếu nói về việc làm tròn nghĩa vụ làm dâu, tức là khi đi lấy chồng, người vợ cần thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà chồng.

Nhiều chị em chia sẻ rằng, đã 10 cái Tết, thậm chí 15 cái Tết không được ăn Tết cùng bố mẹ mình bởi đó là điều… đương nhiên, là điều mặc định đúng.

Theo các chị, đó cũng là cách làm tròn chữ “hiếu” với bố mẹ chồng. Nhiều chị em phụ nữ coi đó là niềm vui khi hoàn thành được trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, với những chị em mới cưới chồng, mới kết hôn, nhiều khi việc đón Tết, đặc biệt là đón giao thừa ở nhà chồng, dù không khí ấm cúng, vui tươi, họ vẫn không khỏi chạnh lòng khi ở trong căn nhà từ thuở ấu thơ của mình, có một người mẹ, người cha “rớt” nước mắt khi Tết đoàn viên lại thương nhớ về máu mủ, ruột thịt, nhớ đứa con lấy chồng xa.

Và không chỉ các chị, mà ngay cả những người mẹ, người cha già rất mong muốn, “thèm” lắm không khí sum vầy vô cùng khó khăn này.

Bày tỏ quan điểm của mình, chị Đoàn Huệ (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Mình lấy chồng hồi còn đi học đại học, cái Tết đầu tiên xa nhà mình buồn lắm. Nhưng nghĩ lấy chồng rồi phải theo chồng nên mình cũng chấp nhận.

Nhiều lần cũng muốn đề xuất với chồng cho về nhà ngoại ăn Tết vì nhà mình còn mỗi bố mẹ, nhưng thấy thái độ của chồng không thích mình lại đành im lặng.

Giờ lấy chồng đã được gần 4 năm rồi, nhưng năm nào cũng vậy, mùng 6 Tết mình mới được đưa con cái về nhà ông bà ngoại. Buồn lắm nhưng biết làm thế nào?”.

Khác với chị Huệ, chị Nguyễn Hà (TP Ninh Bình) chia sẻ: “Mình lấy chồng cách xa nhà 150km, đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng mình cũng buồn lắm, nhưng là dâu mới nên mình cố gắng hòa nhịp với gia đình chồng.

Đến năm thứ 2, mình ngỏ ý muốn về nhà ngoại đón Tết, chồng mình không đồng ý, vậy là cả 2 vợ chồng giận nhau gần 1 tuần. Rồi sau khi nói chuyện rõ ràng, bây giờ gia đình mình luân phiên ăn Tết nhà nội, nhà ngoại”.

Đây chỉ là hai trong nhiều câu chuyện làm dâu của nhiều người. Và đặc biệt, câu chuyện tranh cãi đón Tết ở nhà nội hay nhà ngoại vẫn luôn là nỗi canh cánh trong lòng của mọi chị em.

Chồng đòi về nội, vợ đòi về ngoại: chỉ là do không vượt qua được tính ích kỷ

Để có góc nhìn đa chiều hơn về đề xuất đón Tết nhà nội hay nhà ngoại của các cặp đôi, PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với Chuyên gia nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.

Chuyên gia cho hay: “Theo tôi, việc vợ muốn ăn Tết bên ngoại, chồng muốn ăn Tết bên nội là chuyện đương nhiên của tất cả các cặp vợ chồng Việt Nam.

Vì người vợ khi về nhà bên ngoại thì người vợ được tự do, họ đã quá quen thuộc những thành viên trong đại gia đình nhà mình không còn bị ai xét nét nữa.

Còn đối với người chồng cũng như vậy, khi về nhà nội thì người chồng cũng được tự do, tự biết đối nhân xử thế trong gia đình mình.

Ai cũng như vậy, mà có một điều đặc biệt nữa ở phụ nữ Việt Nam là khi đã về nhà nội lễ tết thì chắc chắn sẽ phải vào bếp, mà vào bếp thì tổ tiên đã nói là “làm dâu trăm họ” làm sao cả trăm họ có thể đồng tình, hưởng ứng hết được.

Cô con dâu dù đã vất vả nấu nướng các món ăn nhưng lại không hề nhận được lời khen xứng đáng từ họ hàng nhà chồng. Đây là áp lực rất lớn đối với người vợ.

Người chồng cũng tương tự như vậy, khi họ đến nhà ngoại họ cũng không biết phải đối nhân xử thế với gia đình vợ như thế nào. Do vậy, thường nam giới khi về nhà vợ thì rất ngại.

Nhưng tất cả chung quy lại, tôi cho rằng việc vợ đòi về nhà ngoại ăn Tết hay người chồng đòi về nhà nội ăn Tết là không vượt qua được chính bản thân mình”.

Cũng theo chuyên gia, để giải quyết được tình trạng này các cặp vợ chồng nên: “Tôi cho rằng, mỗi cặp vợ chồng nên nhớ câu dạy của các cụ: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, câu này đã có 4000 năm lịch sử minh chứng thì tại sao ta không vận dụng cái này?

Tuy nhiên, điều tổ tiên dạy như vậy nhưng không có nghĩa cứ đúng mùng 1 Tết là phải về quê nội, và mùng 2 Tết về quê ngoại và mùng 3 Tết đi Tết các thầy… mà ta phải áp dụng lời dạy đó một cách linh hoạt.

Sắp xếp lịch về nội hay về ngoại nên linh hoạt.

Vợ chồng có thể trao đổi với nhau, bởi Nhà nước giờ cho lịch nghỉ dài tới 7 ngày, có 2 ngày trước Tết thì ta phải sử dụng 2 ngày đó như thế nào, sau Tết còn 5 ngày nữa thì ta đến đâu cho phù hợp.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Các đôi vợ chồng đừng nghĩ ngày mùng 1, 2, 3 mới là Tết mà bây giờ chúng ta có tới 7 ngày nghỉ Tết thì ta phải vận dụng linh hoạt hơn, tốt hơn”.

“Tôi biết, có nhiều gia đình muốn con, cháu có mặt khi đón giao thừa, thì thật sự ở đây đâu có thiếu cách có mặt đâu. Có mặt bằng cách gửi 1 tấm ảnh về, hay đơn giản nhất chúng ta có thể sử dụng internet gọi video là có thể quây quần cùng gia đình.

Nhưng phải vượt được chính mình mới có thể làm được việc ấy, mà trong cuộc đời của mỗi người, khó nhất là việc vượt qua chính mình, còn không vượt qua chính mình được thì sẽ rất khó để đạt được đồng thuận giữa hai người. Mà nếu đã không đồng thuận được thì sẽ chẳng còn Tết nữa.

Vấn đề chính là hai vợ chồng phải thẳng thắn trao đổi với nhau, nói rõ những cái áp lực khi về nhà nội hay nhà ngoại của cả hai.

Khi đã biết rõ như vậy thì người chồng sẽ có cách để làm cho người vợ phấn chấn vui vẻ, để hòa nhập với gia đình chồng và ngược lại người vợ cũng có cách để người chồng hòa nhập được với gia đình vợ.

Còn nếu gia đình vợ chồng con cái ở xa, và kinh phí ít thì có thể là năm nay về nhà nội, sang năm về nhà ngoại hoặc ngược lại.

Theo tôi, đề xuất của vợ về quê ngoại ăn Tết không sai, hay đề xuất của chồng về quê nội ăn Tết cũng không sai. Nhưng mà với những đề xuất đó có mang lại niềm vui và sự thanh thản cho mình và cho người thân của mình hay không mới là điều quan trọng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Xem thêm: Bài 1 Trải lòng: 'Tết này sẽ ở nhà nội hay nhà ngoại'

Ngọc Nga/GIADINHMOI.VN

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/tet-la-de-vuot-qua-su-ich-ky-cua-ban-than-minh-d4406.html