Tết là để trở về

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, cảm giác bồi hồi, nỗi nhớ quê hương của những người con xa quê lại dâng trào. Ai cũng mong chờ được trở về để hội ngộ, sum vầy bên người thân, được quây quần bên nhau, ngồi chung mâm cơm, uống chung ấm trà, chia sẻ bao nỗi niềm buồn vui trong cả năm dài đằng đẵng.

Tết là để trở về, là để nhớ những câu chuyện bên nồi bánh chưng thật ấm cúng. Nhớ cái sự vất vả, ráo riết trang hoàng nhà cửa chuẩn bị cho Tết, tuy cực nhưng mà vui.

Những điều tưởng chừng như đơn giản, bình dị nhưng lại khó tìm thấy ở nơi thành phố xa hoa, nơi mà con người ta luôn phải sống vội vã, đua tranh từng ngày với cuộc sống, với thời gian, bận bịu cho công việc, cho những lo toan.

Tết là để trở về, để tận hưởng cái hương vị đầm ấm thân quen, thỏa những nhớ nhung sau những tháng ngày xa cách.

Có lẽ hơn ai hết, những người con xa quê làm việc tại thành phố hiểu rõ nhất điều này. Họ nhớ, họ thèm cái sự bình yên mà giản dị, cái hạnh phúc, cái ấm áp nơi quê nhà, nơi có gia đình ở cạnh bên.

Một số bạn trẻ đã chia sẻ cảm xúc đặc biệt của mình khi trở về nhà đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Phương Hồng (quê ở Hải Dương, công tác tại Hà Nội): “Nếu không có Tết, biết bao giờ chúng ta mới nhớ nhà là nơi ra đi để trở về”

“Mình luôn thấy rưng rưng và thiêng liêng trong khoảnh khắc giao thừa, đặc biệt là hạnh phúc vô cùng khi được quây quần bên gia đình ở nơi mình sinh ra, đầy ắp kỉ niệm thơ bé... Nơi đây không chỉ là nguồn cội, là điểm tựa, mà còn là nơi tiếp thêm sức mạnh, cho mình thật nhiều niềm tin. Cũng tự hào là nơi mình được ươm mầm...

Phương Hồng hạnh phúc khi được về đón Tết bên gia đình.

Phương Hồng hạnh phúc khi được về đón Tết bên gia đình.

Yêu lắm ngày Tết bình yên trên quê hương mình! Nơi mình trở về đây, xung quanh không nhộn nhịp như một Hà Nội luôn tấp nập, vốn được coi là quê hương thứ hai; cũng không diễm lệ, rộn ràng như Sài Gòn... nơi mình trở về lúc này thơm hương nếp mới, mùi khói rơm quyện trong khói lam chiều, tiếng xôn xao phiên chợ buổi sớm bên hông nhà và bao gương mặt hồn hậu vốn đã đi vào tiềm thức suốt tháng ngày đi học và xa gia đình...”

Tú Anh (quê ở Yên Bái, công tác tại Đồng Nai): “Tết là gì đấy giản đơn và ấm áp, rất đỗi bình yên”

“Năm nay mình về Tết có lẽ là ngắn ngày nhất, chỉ 3 ngày. Tuy ít thời gian nhưng mình cũng sắp xếp để đưa mẹ đi hết những nơi cần đến. Ngày đầu năm mới thì đưa mẹ đi lễ chùa, mẹ vào còn mình lang thang ngắm cảnh vật quê mình. Có cọ xòe, có cầu treo vắt vẻo, có mưa mà chỉ lớt phớt vài hạt li ti trên áo, trên tóc... thích thú vô cùng.

Tú Anh tặng sách cho trẻ em ở quê anh.

Chùa quê mình toàn ở trên núi hoặc là sát bờ sông, bên những con suối đẹp tuyệt. Năm nào cũng vậy, mình đều dành một buổi để đi trong cảnh thanh bình, an yên này. Gió mưa lạnh mà ấm áp, nhẹ nhàng... Tết miền Tây Bắc quê mình giản đơn là thế nhưng lặng lẽ và yên bình vô cùng!

Mình thích nhất là ngày 30 Tết. Nó mang đủ trong mình cái háo hức, cái mong chờ, cái chộn rộn, vừa muốn nó nhanh qua sang năm mới, lại muốn nó thật chậm lại để tận hưởng cái không khí giao thời trong cái mưa xuân lất phất.

Tú Anh khoe đồi cọ, mưa xuân, gió lạnh - "đặc sản" Tết miền Tây Bắc.

Trước đây nhà mình rất khó khăn nhưng ba mẹ rất nỗ lực để nuôi các con ăn học. Nhà lúc nào cũng luôn đầy ắp yêu thương và sự quan tâm, từ nhỏ tới lớn mình không bao giờ thấy ba mẹ kêu than chuyện gì cả, chỉ có yêu thương và thương yêu; nỗ lực và nỗ lực. Rồi mọi gian khổ cũng qua, giờ mẹ an nhàn và chúng mình lớn khôn. Khi đưa mẹ đi chúc Tết xóm làng, mình thấy đường sá đã tốt hơn xưa, kinh tế nhà nào cũng khá giả hơn, nhưng con người thì vẫn vậy, vẫn thân tình và tốt bụng”.

Bình An

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-la-de-tro-ve-102597.html