Tết Hàn Thực

Từ sự kiện vua Tấn Văn Công hạ lệnh nhân dân trong nước ba ngày kiêng đốt lửa, dẫn đến nguồn gốc Tết Hàn Thực ra đời.

Tấn Văn Công đã cho đốt khu rừng nơi mẹ con Giới Tử Thôi đang ẩn náu, không ngờ lửa cháy to, thui cháy cả hai mẹ con Giới Tử Thôi. Biết được tin, Tấn Văn Công vô cùng thương xót, nhà vua liền truyền lệnh cho nhân dân cả nước phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn. Và theo tương truyền thì sự kiện Giới Tử Thôi bị chết cháy là vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch.

Vua Tấn Văn Công

Thời kỳ “Ngũ bá” (5 nước tranh hùng) trong lịch sử Trung Quốc thời Xuân Thu được bắt đầu từ năm Tân Mùi 770 Tr.cn khi vua nhà Chu là Chu Bình Vương (từ vị vua này bắt đầu thời kỳ Đông Chu được ghi chép rất đầy đủ trong tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc của tác giả Phùng Mộng Long) dời đô sang Lạc Ấp. Nội bộ cung đình thường xảy ra tranh chấp thế lực, nhà Chu ngày càng suy yếu.

Các nước chư hầu thì ra sức củng cố thế lực, tiến hành chiến tranh thôn tính lẫn nhau rất ác liệt. Và trong đó có 5 nước lớn là Tề, Tấn, Tần, Tống, Sở thôn tính nhiều nước nhỏ xung quanh và trở thành những nước mạnh nhất thời bấy giờ, và sử thường gọi là thời kỳ “Ngũ bá”.

Lúc bấy giờ vua của nước Tấn là Tấn Hiến Công, lập Tề Khương làm phu nhân, vì lẽ đó mà công tử Trùng Nhĩ không được lập làm Thế tử (người được lập làm Thế tử là Thân Sinh – con của Tề Khương). Sau này Tấn Hiến Công đem quân đi đánh nước Li Nhung, vua Li Nhung đem hai người con gái là Ly Cơ và Thiếu Cơ làm tặng vật xin cầu hòa.

Ly Cơ có sắc đẹp tuyệt trần, lại có thủ đoạn khôn khéo, thường cùng bàn bạc với Tấn Hiến Công về việc nước, nên nàng được vua Tấn Hiến Công thương yêu hơn nhiều người khác. Ly Cơ sinh ra Tề Hề, vì vậy Tấn Hiến Công đã lập Ly Cơ làm phu nhân. Và Tấn Hiến Công lại muốn phế truất ngôi Thế tử của Thân Sinh để lập Tề Hề làm Thế tử, đó cũng là điều mà Ly Cơ ngày đêm mong mỏi, nhưng biết là chưa có thời cơ nên đành gác lại.

Vua Tấn Hiến Công rất yêu chiều một phường hát tên là Ưu Thi, tên này vốn có tài làm trò vui và tâng bốc Tấn Hiến Công thực khéo léo. Tấn Hiến Công cho Ưu Thi được tự do đi lại trong cung cấm. Ly Cơ thấy Ưu Thi còn trẻ lại đẹp trai, nên cùng với hắn gian díu thông dâm. Khi hai người đã trở nên mật thiết, Ly Cơ bàn với Ưu Thi việc soán ngôi Thế tử cho Tề Hề. Vì vậy Ưu Thi đã bàn với Ly Cơ nên tâu với Tấn Hiến Công cho Thế tử Thân Sinh (con của Tề Khương) và công tử Trác Tử (con của Thiếu Cơ) đi đày nơi khác, như thế công việc đại sự sẽ thành.

Thế tử Thân Sinh được cử đi Khúc Ốc, nơi đây là một kinh thành nhỏ trong nước Tấn. Cuối cùng Ly Cơ bày kế, một đêm Ly Cơ nói với Tấn Hiến Công rằng: “Thế tử ở mãi Khúc Ốc, tiện thiếp không có dịp nào mua chuộc lòng Thế tử, để Thế tử đừng giữ cái tâm hãm hại thiếp nữa, chúa công nên cho triệu về triều được không”? Tấn Hiến Công nghe theo lời của Ly Cơ, truyền gọi Thế tử Thân Sinh về, và sau đó Ly Cơ bày tiệc thiết đãi Thân Sinh mà không có Tấn Hiến Công tham dự.

Sau đó Ly Cơ dùng mưu nói mình nằm mơ thấy Tề Khương (tức mẹ của Thân Sinh) hiện về kêu gào đói khát, Thế tử nên cúng tế cho mẹ mới được. Vì vậy mà Thân Sinh đã nghe theo, làm lễ cúng tế cho mẹ, sau đó dâng lễ cho vua Tấn Hiến Công. Lúc đó Tấn Hiến Công đang đi săn chưa về, Ly Cơ bèn tẩm thuốc độc vào rượu, thịt chờ Tấn Hiến Công về.

Tấn Hiến Công trở về cung, thấy rượu, thịt của Thân Sinh, định ăn uống, Ly Cơ giả căn ngăn rằng: “Những thức ăn uống từ ngoài mang vào cung, dù là của Thế tử cũng nên thử trước thì mới yên tâm”. Tấn Hiến Công nghe lời, cho đỗ rượu xuống đất thì thấy khói bốc lên, lại sai nội thị cho chó ăn thịt, con chó lập tức hộc máu lăn ra mà chết. Chính vì vậy Tấn Hiến Công nghi ngờ Thế tử có ý giết mình, Thân Sinh nghe được tin đó liền thắt cổ tự tử.

Ly Cơ đã dùng mưu diệt được Thế tử Thân Sinh, nhưng nước Tấn vẫn còn có công tử Trùng Nhĩ đang ở đất Bồ. Công tử Trùng Nhĩ là người có tướng rất lạ, con mắt có hai đồng tử và xương sườn dính với nhau làm một, người sau này rất có thể sẽ làm vua. Và khi Tấn Hiến Công cho quân đến đất Bồ để bắt Trùng Nhĩ, biết tin, Trùng Nhĩ liền trốn sang nước Địch, được vua nước Địch tiếp đãi rất ân cần, đó là điều may mắn của Trùng Nhĩ, bởi vì đêm hôm trước, vua nước Địch nằm mộng thấy có con rồng xanh bay lượn trên mặt thành, cho là điềm lành chỉ vào công tử Trùng Nhĩ.

Từ khi công tử Trùng Nhĩ đến nước Địch, Tấn Hiến Công liền lập con của Ly Cơ là Tề Hề lên làm Thế tử, sau đó Tấn Hiến Công mất, Thế tử Tề Hề lên nối ngôi làm vua nước Tấn. Nhưng ngay sau đó, Tề Hề bị Lý Khắc sai dũng sỹ trà trộn vào số nội thị, nhân lúc Tề Hề vừa đi ra ngoài liền xông tới đâm chết. Thượng khanh Tuân Tức liền lập Trác Tử lên làm vua nước Tấn, nhưng ngay sau đó Trác Tử cũng bị giết chết. Còn Ly Cơ thì cũng nhảy xuống giếng tự tử.

Sau khi giết xong hai vua, Lý Khắc sai người mang tờ biểu sang nước Địch đón công tử Trùng Nhĩ về làm vua nước Tấn, nhưng công tử Trùng Nhĩ đã không về làm vua nước Tấn. Do đó, Lý Khắc lại phải sai người mang tờ biểu sang nước Tần để đón công tử Di Ngô về làm vua nước Tấn, hiệu là Tấn Huệ Công.

Việc Tấn Huệ Công được làm vua nước Tấn là nhờ có sự giúp đỡ của vua nước Tần, nhưng sau khi lên làm vua nước Tấn, Tấn Huệ Công trong nước thì sát hại trung thần và bội tín với vua nước Tần là Tần Mục Công. Vì vậy vua Tần Mục Công liền thân chinh cầm quân đi đánh nước Tấn. Tần Mục Công và Tấn Huệ Công chia quân ra làm hai đạo giao tranh quyết liệt, và quân Tần đã bắt sống được vua Tấn Huệ Công. Tấn Huệ Công bị giải về nước Tần và bị giam giữ ở Linh Đài Sơn. Sau đó Tần Mục Công thương tình tha cho về nước.

Lại nói về công tử Trùng Nhĩ ở nước Địch đã được nhiều năm, được vua nước Địch coi như người nhà, nhưng vua Tấn Huệ Công lại sai dũng sỹ sang nước Địch mưu sát Trùng Nhĩ. Do đó công tử Trùng Nhĩ lại phải chạy trốn sang nước Tề. Vua nước Tề lúc đó là Tề Hoàn Công, Tề Hoàn Công đã gả một cung nữ xinh đẹp cho công tử Trùng Nhĩ, và ban thưởng cho thêm hai chục cỗ xe ngựa cùng nhiều vật dùng, lương thực.

Công tử Trùng Nhĩ hết sức cảm tạ vua Tề Hoàn Công, và ca ngợi vua Tề Hoàn Công có phong khí của bậc đế vương. Năm công tử Trùng Nhĩ sang nước Tề, đó là năm Tân Mùi 650, và công tử Trùng Nhĩ sống ở nước Tề được 7 năm. Vào năm Mậu Dần 743, khi vua Tề Hoàn Công chết, nước Tề trở nên đại loạn, vì vậy Trùng Nhĩ lại phải dời nước Tề chạy sang nước Tào. Vua nước Tào lúc đó là Tào Cung chỉ thích ăn chơi hơn làm chính trị, nên chỉ tin mấy tên nịnh thần, do đó công tử Trùng Nhĩ lại bỏ nước Tào chạy sang nước Tống.

Vua nước Tống lúc đó là Tống Tương Công, ôm giấc mộng làm bá chủ thiên hạ, đem quân đi đánh nước Sở của vua Sở Thành Vương, nhưng bị thất bại, nên đang đẻ bụng căm hờn vua Sở Thành Vương. Tống Tương Công nghĩ nước Tấn là một nước lớn, có thể cùng mình hợp binh đánh nước Sở, nên Tống Tương Công đã tiếp đãi công tử Trùng Nhĩ rất hậu.

Nhưng sau đó Tống Tương Công mất, nên công tử Trùng Nhĩ lại chạy sang nước Trịnh, vua nước Trịnh lúc đó là Trịnh Văn Công cho rằng Trùng Nhĩ đã quá già chẳng thể làm nên đại sự, nên đã không cho vào thành. Công tử Trùng Nhĩ liền đi qua nước Sở. Vua Sở Thành Vương tiếp đãi công tử Trùng Nhĩ rất hậu, giống như tiếp đãi vua của một nước, vì vậy mà Trùng Nhĩ ở lại nước Sở và được vua Sở Thành Vương tiếp đãi như thượng khách.

Về sau vua nước Tần là Tần Mục Công lại có ý đưa công tử Trùng Nhĩ về làm vua nước Tấn, cho nên đãcho người đi dò la tin tức của Trùng Nhĩ, biết được Trùng Nhĩ đang ở nước Sở, lập tức sai Công Tôn Chi đi đón, vua Sở Thành Vương đồng ý cho công tử Trùng Nhĩ sang nước Tần, từ đấy tình cảm giữa Tần Mục Công và công tử Trùng Nhĩ càng trở nên thân thiết.

Sau lưu lạc trở về làm vua nước Tấn

Trong khi đó, vua Tấn Huệ Công bệnh nặng và mất. Thế tử Ngũ lên nối ngôi, hiệu là Tấn Hoài Công. Nhưng vừa mới lên làm vua, Tấn Hoài Công đã sát hại nhiều trung thần. Chính vì vậy vau Tần Mục Công chuẩn bị cho công tử Trùng Nhĩ về làm vua nước Tấn. Công tử Trùng Nhĩ được vua Tần Mục Công giúp, đem binh về nước Tấn.

Tấn Hoài Công liền triệu quần thần lại thương nghị, nhưng các quan đều có lòng với công tử trùng Nhĩ, lại chán ghét Tấn Hoài Công, nên người cáo ốm, kẻ bận việc nhà, chẳng có ai vào triều. Bột Hề liền phò Tấn Hoài Công chạy trốn. Nhưng sau đó, Tấn Hoài Công bị quân của Trùng Nhĩ đuổi theo giết chết, tính ra Tấn Hoài Công mới làm vua nước Tấn được có 6 tháng.

Công tử Trùng Nhĩ lên làm vua nước Tấn, hiệu là Tấn Văn Công. Điểm lại quá trình từ khi công tử Trùng Nhĩ dời nước Tấn lúc đó đã 43 tuổi, và khi trở về nước Tấn lên làm vua lúc bấy giờ đã tròn 62 tuổi, biết bao nhiêu gian khổ sau 19 năm lưu lạc khắp chư hầu, cuối cùng cũng được trở về làm vua nước Tấn.

Sau khi lên làm vua, Tấn Văn Công cho chỉnh đốn lại chính quốc, nước Tấn ngày càng cường thịnh. Vua nhà chu lúc bấy giờ là Chu Tương Vương (làm vua từ năm 657 Tr.cn – 619 Tr.cn) cho quan nội sứ là Thúc Hưng sang nước Tấn gia phong cho Tấn Văn Công. Thúc Hưng lại về tâu khen là Tấn Văn Công có khí tượng bá chủ, nên vua Tương Vương nhà Chu càng muốn giao hảo thân thiết với Tấn Văn Công.

Vì vậy mà Tấn Văn Công ngày càng thu phụ lòng dân và giữ chữ tín, trở thành ông vua nổi tiếng có thể làm nên nghiệp bá chủ. Nhưng lúc đó vua Sở Thành Vương cũng muốn tranh ngôi bá chủ với Tấn Văn Công, nên nước Tấn và nước Sở đã xảy ra chiến tranh. Cuối cùng nước Tấn giành được thắng lợi. Tấn Văn Công liền cho hội chư hầu cùng đến yết kiến Thiên tử nhà chu là Chu Tương Vương.

Đến ngày hẹn gồm có 6 nước cùng đến là Tống Thành Công (nước Tống), Tề Chiêu Công (nước Tề), Trịnh Văn Công (nước Trịnh), Lỗ Hy Công (nước Lỗ), Tần Mục Công (nước Tần), Sái Trang Công (nước Sái), vua nước Cử và vua nước Châu, cộng với nước Tấn tổng cộng là 9 nước. Lúc đó vua Chu Tương Vương đã xa giá sang đất Tiễn Thổ, được vua Tấn Văn Công và vua các nước chư hầu nghênh đón ngoài ba dặm.

Chu Tương Vương rất vui vẻ, nói với Tấn Văn Công rằng: “Kể từ khi Tề Hoàn Công mất, nước Sở hay cậy binh hùng tướng mạnh qua quấy nhiễu các nước chư hầu rất nhiều. Nay nhờ có thúc phụ (chỉ Tấn Văn Công) có hiền tài trị được nước Sở thì thật là phúc cho nhà Chu ta vậy. (Trên thực tế vua nhà Chu lúc đó vẫn được coi là Thiên tử, nhưng chỉ là bù nhìn, nhà Chu còn tồn tại cả một thời gian dài đến năm Ất Tỵ 256 thì mới chính thức bị nhà Tần tiêu diệt). Và ngày hôm sau, Tương Vương nhà Chu sai Vương Tử Hổ đọc tuyên cáo minh thị Tấn Văn Công làm bá chủ các nước chư hầu.

Tấn Văn Công liền nhân cơ hội đó lập đàn để cùng nhau hội thề. Vương Tử Hổ đọc xong lời thề, các vua chư hầu đều lớn tiếng xin tuân theo, khiến cho Tương Vương nhà Chu và Tấn Văn Công rất hài lòng. Mọi việc đã xong, Tấn Văn Công và các vua chư hầu tiễn vua Tương Vương nhà Chu về kinh đô. Và từ đó Tấn Văn Công làm bá chủ chư hầu, làm vua và làm bá chủ chư hầu được 6 năm thì Tấn Văn Công mất, hưởng thọ được 68 tuổi.

Xuất xứ nguồn gốc Tết Hàn Thực

Suốt 19 năm công tử Trùng Nhĩ lưu lạc qua rất nhiều nước chư hầu, tuy là đi lưu lạc, nhưng cũng có rất nhiều người hầu kẻ hạ. Trong số những người hầu và tâm phúc của công tử Trùng Nhĩ có một người tên là Giới Tử Thôi. Có lần không có gì để ăn, và công tử Trùng Nhĩ nói là mình thèm được ăn thịt. Giới Tử Thôi đã cắt một miếng thịt đùi của mình nấu cho công tử Trùng Nhĩ ăn. Sau khi biết chuyện công tử Trùng Nhĩ thương Giới Tử Thôi nhiều lắm. Và sau khi trở về làm vua nước Tấn, hiệu là Tấn Văn Công. Tấn Văn Công ban thưởng cho rất nhiều công thần, những người đã cùng vào sinh ra tử với mình, nhưng Tấn Văn Công đã quên mất Giới Tử Thôi.

GiơíTử Thôi cũng không lấy làm buồn phiền, ông liền đưa mẹ già vào núi Điền Sơn ở ẩn. Lúc đó mới có người nhắc cho Tấn Văn Công biết. Tấn Văn Công vô cùng hối hận, cho người tìm Giới Tử Thôi và triệu ông về lĩnh thưởng. Nhưng Giới Tử Thôi nhất quyết không quay về, vì ông vốn không tham quyền cao chức trọng. Tấn Văn Công cho quân lính vào rừng núi Điền Sơn tìm Giới Tử Thôi nhưng không thấy.

Tấn Văn Công nghĩ rằng nếu đốt rừng thì Giới Tử Thôi sẽ không chịu được khói lửa và buộc phải quay trở ra, chứ không thể ẩn nấp mãi ở trong rừng được. Vì vậy Tấn Văn Công đã cho đốt khu rừng nơi mẹ con Giới Tử Thôi đang ẩn náu, không ngờ lửa cháy to, thui cháy cả hai mẹ con Giới Tử Thôi. Biết được tin, Tấn Văn Công vô cùng thương xót, nhà vua liền truyền lệnh cho nhân dân cả nước phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn. Và theo tương truyền thì sự kiện Giới Tử Thôi bị chết cháy là vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch.

Và từ đó, hằng năm cứ đến ngày Giới Tử Thôi mất, nhân dân nước Tấn lại ăn đồ nguội, kiêng đốt lửa để tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi theo lệnh của Tấn Văn Công. Sauk khi Tấn Văn Công mất, tục lệ trên vẫn được tiếp diễn, và nó kéo dài từ đời này sang đời khác, và còn được gọi là Tết Hàn Thực. Tết Hàn Thực ở Trung Quốc nó có cái hay chính là việc tưởng nhớ đến công lao của những người đã khuất.

Đối với tết Hàn Thực, người Việt Nam chủ yếu là ăn bánh trôi và cúng ông bà tổ tiên.

Nguyễn Văn Vương |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tet-han-thuc-61111