Tết Hà Nội trong lòng người xa xứ

Khi đất trời bắt đầu bừng lên sắc đào, phố phường tất bật người mua sắm, những con ngõ nhỏ thơm nồng nước rau mùi già... những người con xa Tổ quốc càng nhớ về quê hương. Ký ức đón xuân đầm ấm bên gia đình lần lượt ùa về. Với họ, Tết Nguyên đán là những ngày đi chợ hoa Hàng Lược, là nét trầm lặng yên bình của phố cổ trong buổi sáng tân niên, là những góc đường thấm đẫm mưa xuân...

Các cô giáo Trường tiếng Việt Hương Sen Berlin (Đức) cùng học sinh trong một buổi biểu diễn văn nghệ mừng xuân.

Những ký ức khắc khoải

Với những người con xa quê, việc trở về với gia đình ngày cuối năm, cùng nhau sum họp, chuẩn bị cho cái Tết rộn ràng có lẽ là điều được mong chờ nhất. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy. Khoảng cách địa lý, những công việc còn dang dở và nhiều mối lo khác khiến họ đành lỡ “chuyến tàu quê” mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Sinh ra và lớn lên ở đất Thủ đô, với chị Nguyễn Quỳnh Thư, đang làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) tại Anh, Tết vô cùng thiêng liêng và đặc biệt. Mỗi khi nhắc đến Tết, chị lại thấy bồi hồi, xúc động. “Tết trong tôi là những ngày dậy sớm đi chợ hoa cùng gia đình, là nhìn thấy sự vui vẻ, hạnh phúc giản đơn trên gương mặt bố khi chọn được cành đào ưng ý, là thấy hình ảnh mẹ tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ chiều 30. Đó còn là không khí ấm cúng khi cả gia đình quây quần ngồi xem Táo Quân, đi chúc Tết họ hàng”, chị Quỳnh Thư nói.

Ở nơi cách xa cả vạn dặm, điều buồn nhất đối với chị Quỳnh Thư là không thể cảm nhận được không khí Tết một cách trọn vẹn. Không khí vui tươi ấy, rạo rực làm say mê lòng người ấy chỉ có thể đón chờ qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Những lúc ấy, chị cảm thấy thèm Tết hơn bao giờ hết.

Còn với Tiến sĩ khoa học Nguyễn Trọng Bình (kiều bào tại Mỹ), dù xa quê hương đã hơn 50 năm, Hà Nội vẫn là những kỷ niệm trong ký ức khó có thể nào quên. Sinh năm 1949 tại phố Hòa Mã, Hà Nội và sau đó chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh rồi đằng đẵng những tháng ngày du học, làm việc tại Nhật Bản và Mỹ, ông Bình xúc động cho biết: “Mẹ là người đã dạy tôi cách sống, nếp nhà theo văn hóa người Hà Nội xưa. Tôi nhớ như in những cái tên phố như: Cổ Ngư, Nghi Tàm, Thụy Khuê và vườn hoa đào Nhật Tân. Những “tuyệt chiêu” nấu nướng mà mẹ truyền lại cũng theo tôi đi khắp mọi nơi...". Ông Bình biết cách làm những món ăn đặc sản Hà thành như bún ốc, bún thang. Ngay cả khi đã thành đạt trong sự nghiệp, song cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông lại tự tay làm món giò thủ để chiêu đãi bạn bè.

Dù vẫn hay về Việt Nam để tham gia các chương trình đào tạo, song số lần ở lại Hà Nội đúng dịp Tết của ông Bình không nhiều. Đáng nhớ nhất là Tết năm 2012, khi ông trở về nhận giải "Vinh danh nước Việt" được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong buổi lễ trang trọng ấy có mưa xuân phơi phới bay hòa cùng mùi hương trầm phảng phất lan tỏa, tạo nên một khung cảnh linh thiêng của mảnh đất thấm đẫm hồn văn hóa dân tộc. Ông Bình thích cảm giác được thong thả đi dạo phố dịp giáp Tết, ngắm mọi người hối hả mua bán, những gánh hoa tươi từ ngoại thành đổ về các chợ, mang sắc xuân trải khắp phố phường, từ Hồ Gươm, Ô Quan Chưởng đến Hàng Lược, Hàng Đào, Hồ Tây…

Gửi nỗi niềm vào thơ

Tết của những người con xa quê thật khác, vẫn có bánh chưng, vẫn có những bữa tiệc tất niên với đủ các món Việt Nam, nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ, những nỗi nhớ nhà rất riêng. Có nhiều người nói rằng, khi còn ở Việt Nam, mỗi lần Tết đến, phải rửa lá dong, phải đãi hàng chục cân gạo, đỗ trong tiết trời rét buốt là một “cực hình”. Tuy nhiên, khi xa quê, có muốn được hưởng cảm giác đó cũng thật khó. Tất cả những điều ở nhà trước kia tưởng bình thường, giờ lại hóa thành xa xỉ. Với những người con xa quê, nỗi nhớ khắc khoải ấy đã dạy họ biết trân trọng những giây phút bình yên bên gia đình, người thân, biết nâng niu những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Chị Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Hương Sen Berlin (Đức) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 12, các cô giáo trong trường lại chuẩn bị những bài học liên quan tới Tết cổ truyền Việt Nam. Các cô hướng dẫn các em học sinh làm hoa đào, vẽ tranh và chép thơ về Tết. Xa quê hương đã lâu, nhưng chị vẫn đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ trong những ngày này. Chị Tâm chia sẻ, hơn 20 năm xa đất nước, nhưng ít có dịp về thăm quê hương vào dịp Tết. Thời điểm đó các con chị không được nghỉ học, chị và chồng cũng không được nghỉ làm. Dù mẹ vẫn động viên “khi nào con về là Tết với mẹ lúc đó”, nhưng chị vẫn không thể cầm lòng. “Tôi vẫn còn nhớ, có năm gần đến ngày Tết, bố tôi cứ loay hoay tìm tem phiếu để đi sắm đồ mà không nhớ để đâu. Mãi đến sát giờ cửa hàng mậu dịch đóng cửa, bố tôi mới tìm thấy tem phiếu kẹp trong cuốn từ điển cụ hay dùng để dịch sách. Hai bố con vội vàng chở nhau trên chiếc xe phượng hoàng ra mậu dịch. Túi quà Tết năm đó có bóng, mứt Tết, bánh pháo, hạt dưa”, chị Tâm bồi hồi nhớ lại.

Ở Đức, vợ chồng chị Tâm cũng cố gắng đón Tết cổ truyền thật đầy đủ. Cành đào được thay thế bằng cành mận hoặc một giống hoa đào của Italia. Anh chị cũng luộc bánh chưng, làm cỗ cúng tất niên và bật chương trình VTV4 xem đón Giao thừa. Thời khắc tân niên, anh chị và các con gọi điện về Việt Nam chúc Tết ông bà nội ngoại. Đây là cách anh chị dạy con gìn giữ phong tục truyền thống và ghi nhớ tiếng mẹ đẻ. "Dù luôn tự nhủ Tết của người Việt xa quê là Tết trong tâm khảm mỗi người, nhưng những kỷ niệm của Tết Hà Nội vẫn luôn đong đầy trong tôi”, chị Tâm xúc động nói. Từng là cô giáo dạy văn nên chị Tâm đã gửi nỗi nhớ Tết quê hương vào rất nhiều vần thơ:

Em ơi! Tết sắp đến rồi
Nơi xa lòng bỗng bồi hồi Tết xưa
Áo dài tha thướt những mơ
Nụ thơm e ấp đón đưa xuân về
Cánh đào thắp lửa chiều quê
Nhật Tân bừng sáng triền đê sông Hồng
Bồn chồn nhớ... em biết không
Thấy xuân Hà Nội bồng bềnh nơi đây

Với nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý (kiều bào tại Ukraine), tác giả tập truyện ký và tùy bút "Hà Nội trong trái tim tôi", Hà Nội là tiếng còi tàu vào ga vẳng trong tâm trí, tiếng tàu điện leng keng phía Cửa Nam; thơm ngọt, lan tỏa đầu lưỡi vị kem cốm Tràng Tiền... Chị Hoa Lý vẫn nhớ lần về thăm quê hương cuối năm 2008. Chuyến bay hầu hết là người Việt Nam. Khi máy bay vừa hạ cánh, nước mắt chị cứ thế rơi không thể nào kìm nén được. Tuy Tết năm ấy không được đủ đầy vì cha mẹ không còn nhưng chị vẫn cảm thấy ấm áp và lưu luyến khi phải quay lại Ukraine.

Chị Hoa Lý chia sẻ: “Nhớ làm sao cái không khí chuẩn bị đón xuân, khi những tờ lịch cuối cùng của năm được gỡ xuống. Tết là lúc mẹ tôi cùng các anh chị rủ nhau đi sắm đào quất, mọi người quây quần bên nhau trông nồi bánh chưng chờ trời sáng… Tết làm cho mọi người xích lại gần nhau và rũ bỏ tất cả những ưu tư phiền muộn. Tôi nhớ những cánh đào Nhật Tân khoe sắc, thèm được chen vai dưới mưa xuân để viết lên những vần thơ da diết:

Phím đàn ai ngân dạ khúc bên sông
Thổn thức nỗi lòng, rưng rưng ngày trở lại
Những rêu phong ru mùa về êm ái
Bàng bạc trăng buông trên vòm lá thân quen...
Gọi kỷ niệm về hàng liễu rủ dịu êm
Sóng lao xao nước Hồ Gươm xanh ngát
Cảm khái giữa trời quê hương khao khát
Tháng năm trôi ước hẹn ngày về...

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-viet/956231/tet-ha-noi-trong-long-nguoi-xa-xu