Tết giữa năm

Ở Việt Nam, khi nói đến Tết, người ta thường nghĩ ngay đến Tết Nguyên đán, tức thời điểm chuyển tiếp từ năm cũ bước sang năm mới, tính theo âm lịch. Nhưng thực ra, Tết là cách nói trại của Tiết, tức những thời điểm đánh dấu các đặc trưng thời tiết khác nhau trong năm.

Chú Tâm đổ bánh xèo ở Thiền viện Đông Lai. (Ảnh: Tuệ An).

Chú Tâm đổ bánh xèo ở Thiền viện Đông Lai. (Ảnh: Tuệ An).

Hiểu như vậy thì một năm có nhiều tiết, cụ thể là 24 tiết khí khác nhau. Tuy nhiên, tùy từng vùng địa lý mà sự thể hiện của 24 tiết khí đó đậm nhạt và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng nhiều ít khác nhau, trong đó, những tiết khí nào ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhiều hơn thì được quan tâm hơn những tiết khí còn lại. Bởi vậy mà ngay ở phương Đông, việc ăn Tết cũng rất khác nhau.

Ở Việt Nam, dân gian biết đến trước hết là Tết Nguyên đán, kế đến là Tết giữa năm vào mùng 5 tháng 5 âm lịch.

Mùng 5 tháng 5 âm lịch ở Trung Quốc gọi là Tết Đoan ngọ 端午/ Đoan dương 端陽 tức Tết giữa năm theo phong tục truyền thống Việt Nam.

Đoan ngọ hay Đoan dương chỉ tình trạng mặt trời thẳng đứng trên đỉnh đầu (đoan: thẳng; ngọ/ dương: mặt trời), lúc mặt trời chiếu thẳng góc xích đạo. Ở Trung Quốc, mùng 5 tháng 5 còn gọi là Tết Trùng ngũ (hai số 5).

Còn ở Việt Nam cứ gọi nôm na là Ăn mùng 5 hay Tết giữa năm (hoặc Tết nửa năm) vì theo lịch ngày xưa mỗi năm chỉ có 10 tháng, thành ra mùng 5 tháng 5 chính là giữa năm. Mãi đến hôm nay, âm lịch (đúng hơn là lịch âm dương) ở Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên… tháng Tí vẫn là tháng 11 chứ không phải tháng giêng, đó chính là tàn tích của lịch 10 tháng ngày xưa.

Dân gian Việt Nam cho tới hôm nay vẫn còn quen gọi tháng 11 âm lịch là “tháng Một”, tháng 12 âm lịch là “tháng Chạp” (theo tuần tự các tháng: Một, Chạp, Giêng, Hai…) chính là thói quen tính theo lịch cũ nói trên. Ở Nam Bộ, cách tính này vẫn còn ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc người con thứ 11 trong nhà không bao giờ gọi là “Mười Một” mà luôn được gọi là “Một”: thằng Một, con Một, chú Một, cô Một…

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết vẫn là ở chỗ: lịch cũ 10 tháng nói trên chính là tiền đề của phong tục ăn Tết giữa năm tồn tại mãi đến hôm nay.

Ở Trung Quốc, Tết Đoan ngọ là ngày kỉ niệm danh nhân văn hóa đầu tiên là Khuất Nguyên. Ông sống vào thế kỉ IV đến thế kỉ III TCN, làm quan nước Sở. Là người tài ba, uyên bác và chính trực nên ông bị gièm pha đến mức phải đi đày. Trong lúc thất chí, ông sáng tác thiên Li tao và Sở từ bày tỏ hết nỗi lòng của mình. Rồi đến khi thấy tình trạng nước nhà vô phương cứu chữa, ông đã tự trầm tại dòng sông Mịch La đúng vào ngày mùng 5 tháng 5. Người dân về sau thấu hiểu nên vô cùng tiếc thương bậc anh tài lỗi lạc, nhân ngày giỗ ông, nhà nhà đều tổ chức làm bánh có quấn chỉ ngũ sắc thả xuống sông cúng tế ông. Một số thi gia còn tiếc nuối tổ chức làm thơ Chiêu hồn (gọi hồn) Khuất Nguyên trở lại dương gian để cùng xướng họa.

Ở phương Đông, Tết giữa năm được xem là nằm trong tiết Hạ chí, tức giai đoạn mặt trời gần trái đất nhất: Ngày dài nhất, đêm ngắn nhất (“Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng”); thời tiết nóng nhất, nên gọi là Đoan dương (thời điểm cực dương trong năm).

Do thời tiết nóng ẩm cao nên giai đoạn này sâu bọ phát triển mạnh nhất, đồng thời cũng là lúc bắt đầu vụ mùa, nên người dân tổ chức diệt sâu bọ để bảo vệ mùa màng, lâu đời trở thành Tết diệt sâu bọ. Công việc phát quang bụi rậm trên phạm vi rộng lớn đó làm ảnh hưởng đến nhiều loài bò sát, nên tục ngữ có câu: “Len lén như rắn mồng năm”, “Lén lút như thằn lằn mồng năm”, v.v...

Ngoài ra, theo dân gian, những ai bị bệnh viêm nhiễm mắt thì đúng 12 giờ trưa ngày mùng 5 tháng 5 nên ra ngoài trời ngước nhìn mặt trời chừng vài phút để trừ đi âm khí, giúp mắt hết bệnh.

Dương cực cũng có nghĩa là âm khởi. Do đó, mùng 5 tháng 5 chính là ngày đánh dấu mốc chuyển mùa: Chính thức bắt đầu mùa mưa (“Tháng tư cày vỡ ruộng ra,/ Tháng năm tháng sáu mưa sa đầy đồng” – ca dao), nhiệt độ thời tiết bắt đầu giảm dần nên mát mẻ hơn, vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở.

Đặc biệt, trong nông lịch truyền thống ở Việt Nam thì đây là lúc chấm dứt giai đoạn nông nhàn, nông dân bắt đầu gieo mạ để bắt đầu vụ mùa. Đây cũng là lúc trên hệ thống sông Cửu Long có hiện tượng nước quay lần thứ nhất (do giao thoa giữa nước nguồn và thủy triều). Cá bắt đầu có trứng căng đầy, ốc gạo sông Tiền đang mùa mập béo nên ăn ngon nhất; cây cỏ, rau rác bắt đầu đâm chồi nảy lộc đầy sức sống.

Do là ngày đánh dấu chuyển mùa nên mùng 5 tháng 5 luôn luôn có mưa, có năm mưa rất lớn: “Tháng năm, tháng sáu mưa mòi,/ Bước sang tháng bảy sụt sùi mưa ngâu”.

Ngày nay, nếu như Tết Nguyên đán đánh dấu thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới mang tính quy ước, thì Tết giữa năm là thời khắc chuyển mùa rất rõ nét. Đặc biệt, ở Nam Bộ mỗi năm chỉ có 2 mùa (mùa nắng và mùa mưa) thì thời khắc này càng rõ nét và thiêng liêng hơn. Do đó mà Tết giữa năm ở Nam Bộ rất quan trọng, chỉ xếp sau Tết Nguyên đán: Con cháu phải đi viếng ông bà, dâu rể phải về nhà chồng/ nhà vợ thắp nhang cúng ông bà và viếng cha mẹ rồi cả đại gia đình cùng quay quần bên nhau ăn Tết. Đặc biệt ở Nam Bộ, trong ngày Tết giữa năm người ta thường ăn bánh xèo với rất nhiều loại rau đầu mùa tươi non như là một cách hòa điệu cùng vận hội mới của đất trời.

Để chuẩn bị làm món bánh xèo, từ nhiều tuần trước người ta đã lo xay bột, ủ bột và phơi bột. Sáng mùng 5, kẻ pha bột, người đi chợ mua thịt mỡ, tép, củ sắn, giá... để xào nhưn (nhân bánh), người lo hái rau ăn sống, kẻ làm nước mắm chua ngọt để chấm bánh xèo. Khi nguyên liệu đã sẵn sàng, người ta bắt đầu tiến hành đổ bánh xèo, tức rưới bột lỏng lên chảo nóng thoa mỡ heo. Người trụ cột lo đổ bánh xèo, trong khi những người còn lại thì thưởng thức bánh, vì bánh xèo ăn liền lúc còn nóng mới giòn và ngon. Các yếu tố quyết định chất lượng của món bánh xèo là ở độ giòn thơm, rau sống tươi ngon và chén nước mắm chấm chua ngọt.

Bánh xèo nóng giòn ăn với rau sống tươi mát, cộng với nước chấm vừa mặn lại vừa chua và ngọt, lại được ăn trong lúc ngoài trời đang chuyển mưa (hoặc đang mưa rào), tạo nên sự chuyển biến hài hòa trong lòng người và giữa con người với đất trời.

Trời mát mẻ hơn thì tâm trạng con người cũng dễ chịu hơn, sản vật phong phú hơn thì con người cũng dễ sống hơn. Bắt đầu vụ mùa tức là bắt đầu gieo niềm hi vọng mới…

Trời đất chuyển mùa thì con người cũng đổi đời, ít ra là trong suy nghĩ. Đó chính là lí do vì sao mà bài ca dao “Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn…” ở mảnh đất cơ cực nhất miền Trung cũng chỉ dừng lại ở “tháng bốn”. Bởi vì sang đầu tháng 5, chính xác là mùng 5 tháng 5, thì một vận hội mới đã bắt đầu.

Như vậy, cùng một thời điểm ăn Tết, nhưng Tết Đoan ngọ ở Trung Quốc hướng về quá khứ tinh thần, còn Tết giữa năm hay Tết diệt sâu bọ ở Việt Nam lại hướng đến hiện tại và tương lai miếng cơm manh áo. Điều đó thể hiện tinh thần lạc quan xông xáo và óc thực tế của dân đi mở đất.

Lê Công Lý

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tet-giua-nam-tintuc439739