Tết đổi đời...

Xuân này ở những thôn, xã thoát diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh, không khí đón Tết rộn ràng hơn. Những nếp nhà mới khang trang hiện hữu, con đường sạch đẹp, ô tô xuôi ngược, người người, nhà nhà mua sắm để đón một cái Tết đổi đời...

 Bản văn hóa người Tày (thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu). Ảnh: Hùng Sơn

Bản văn hóa người Tày (thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu). Ảnh: Hùng Sơn

Thoát nghèo, làm giàu từ thế mạnh địa phương

Chúng tôi đến xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ) vào một ngày đầu xuân, khi nắng trải dài trên những cánh rừng keo, thông đang kỳ thu hoạch; những thửa ruộng lúa bậc thang đã gặt chỉ còn gốc rạ... Xuân này ở Lương Mông, bà con vui Tết, đón xuân với tâm trạng hân hoan, phấn khởi hơn năm trước rất nhiều. Bởi xã đã không còn thôn ĐBKK, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao hơn trước.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang vừa hoàn thành tháng trước, ông Triệu Quý Thu, người dân tộc Dao ở thôn Đồng Cầu, xã Lương Mông, phấn khởi chia sẻ: “Năm vừa rồi hơn 10ha keo của gia đình cho thu hoạch vụ đầu. Từ tiền bán keo, nhà tôi và cả nhà anh trai tôi ngay gần đây cùng xây được nhà mới, vững chắc. Nhờ chủ trương giao đất, giao rừng của địa phương, tôi và nhiều gia đình ở Lương Mông đã được đổi đời, không những thoát được cái nghèo, mà nhiều nhà còn vươn lên làm giàu”.

Ông Triệu Quý Thu phấn khởi giới thiệu ngôi nhà mới của gia đình.

Những năm gần đây, thôn Đồng Cầu có sự đổi thay vượt bậc, nhất là hạ tầng giao thông, nhà ở, đáp ứng đủ tiêu chí “3 cứng”. Trao đổi với chúng tôi, anh Triệu Quý Hiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Cầu, cho biết: Toàn thôn có 42 hộ dân, gần 200 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để thoát diện ĐBKK và đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thôn đã vận động được 14 hộ dân hiến đất, hiến tài sản để làm đường, trị giá hơn 650 triệu đồng; giúp 5 hộ thoát cận nghèo; vận động nhân dân tích cực vệ sinh môi trường sạch đẹp. Nhờ đường giao thông được cứng hóa, việc phát triển kinh tế rừng, giao thương của bà con thuận lợi; nông sản được giá hơn, đời sống nhờ thế mà khấm khá. Hết năm 2019, Đồng Cầu hoàn thành tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu, đủ điều kiện thoát diện 135, đóng góp tích cực cho bộ mặt nông thôn mới của Lương Mông thêm khởi sắc.

Nhờ phát triển kinh tế rừng, xã Lương Mông nói riêng, huyện Ba Chẽ nói chung đang đổi thay từng ngày. Đường lên Lương Mông hôm nay không còn là đường mòn cứ mưa là sạt lở, nắng bụi mù, mà được trải nhựa và bê tông phẳng lỳ đến từng thôn. Bên những triền đồi không còn những ngôi nhà tranh, nhà đất xiêu vẹo, ngả màu thời gian như trước, mà thay vào đó là những ngôi nhà ngói đỏ, nhà mái bằng, 2-3 tầng to đẹp; nhiều gia đình mua được ô tô tải, xe ô tô con, trang sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt... Hai thôn cuối cùng là Đồng Cầu và Khe Nạ trong tổng số 8 thôn của Lương Mông đã thoát diện 135. Không chỉ vậy, xã đã hoàn thành 20/20 tiêu chí, 50/53 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân đạt gần 30 triệu đồng/năm; xã hiện chỉ còn 1 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo/tổng số 392 hộ.

Phát huy nội lực của người dân

Gia đình anh Dương Trung Phú, dân tộc Dao ở thôn Khe Nạ (xã Lương Mông) làm giàu từ kinh tế rừng. Được giao hơn 11ha đồi rừng, anh Phú mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng xen một số cây khác dưới tán rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Được hỗ trợ của huyện, xã, cùng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, sau hơn 7 năm, đồi thông mã vỹ hơn 10ha của gia đình anh đã đem về nguồn thu gần 2 tỷ đồng. Căn nhà được xây dựng chắc chắn từ mấy năm trước giờ được nâng cấp rộng rãi, to đẹp hơn. Con trai anh là Dương Minh Khương, hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã trở về cũng cùng bố đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Anh Dương Minh Khương (thôn Khe Nạ, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ) bên chiếc xe ô tô tải mới mua để phục vụ phát triển kinh tế rừng của gia đình.

Chúng tôi đến thăm nhà anh Phú đúng vào bữa cơm trưa. Hôm ấy, gia đình anh tổ chức “rửa” chiếc xe tải mới mua, vừa lấy biển số và đưa về nhà. Đây là chiếc xe tải thứ 3 gia đình anh đầu tư để phục vụ việc sản xuất kinh tế rừng của gia đình và hỗ trợ người dân trong thôn, xã. Dương Minh Khương, con trai anh Phú, phấn khởi kể: “Trước đây gia đình cháu cũng nghèo lắm, ở nhà trình tường mái lá, vách đất. Nhờ xã nhiệt tình vận động, giao đất giao rừng, hỗ trợ về vốn, giống, gia đình cháu mới từng bước thoát nghèo. Học hết THPT, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cháu quyết tâm về nhà cùng bố làm rừng, đi lên từ thế mạnh của quê hương mình. Sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước là rất quý, nhưng cháu nghĩ cái chính vẫn phải là ý chí vươn lên thoát nghèo của mỗi người, phải thay đổi nhận thức, không trông chờ vào hỗ trợ mãi được...”.

Chuyện những lá đơn xin thoát nghèo của người dân những thôn, xã ĐBKK đã minh chứng rõ nét cho thành công của Đề án 196, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Khởi đầu bằng những lá đơn xin thoát nghèo của người dân xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), đến nay phong trào này lan tỏa tới hàng trăm hộ dân các xã vùng cao huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà...

Anh Tằng Dảu Hồng (thôn Khe Bốc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) chăm sóc dê chuẩn bị xuất chuồng dịp Tết năm nay.

Chúng tôi tiếp tục tới thôn Khe Bốc (xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) tìm hiểu về đời sống đời sống người dân nơi đây sau khi thoát diện ĐBKK. Không khí chuẩn bị cho một cái Tết đổi đời đang rộn ràng khắp thôn. Vừa chăm sóc cho đàn dê chuẩn bị xuất chuồng, anh Tằng Dảu Hồng (thôn Khe Bốc) vừa vui vẻ nói: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ làm con đường nối tới trung tâm xã, rồi cán bộ vận động, hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi dê, trồng thêm cây quế, hồi. Tôi đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo. Nguồn thu từ mô hình hơn 100 triệu đồng/năm giúp gia đình xây được nhà 2 tầng, sắm được ti vi, tủ lạnh. Lứa dê này chuẩn bị xuất chuồng. Xuân này, cả nhà sẽ có một cái Tết vui vẻ, no ấm!”.

Con đường bê tông dài hơn 6km nối từ trung tâm xã Tình Húc vào thôn Khe Bốc chính là “bước ngoặt” cho thôn miền núi còn nhiều khó khăn này. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Bốc Chíu Văn Thìn cho biết: Khe Bốc hiện có 49 hộ, giờ chỉ còn chỉ còn 2 hộ nghèo, nhưng là hộ người già neo đơn, không có sức lao động thôi. Nhiều hộ đã biết tận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, của huyện để từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Mà không chỉ Khe Bốc đâu, cả xã bây giờ bà con ai cũng phấn đấu, quyết tâm làm ăn phát triển kinh tế với nhiều mô hình lắm, như nuôi dê, nuôi bò, trồng quế, hồi, thông. Những ngày giáp Tết này, thương lái ra vào thu mua nông lâm sản của bà con tấp nập, hứa hẹn một cái Tết ấm no.

Người dân xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) phấn khởi với vụ quế được mùa, được giá.

Với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, quan trọng nhất là sự nỗ lực vươn lên của người dân, năm nay, xã Tình Húc đã đón “niềm vui kép” khi không chỉ đưa 2 thôn còn lại là Khe Bốc, Khe Và thoát khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017- 2020, mà còn hoàn thành đủ 20/20 tiêu chí, 53/53 chỉ tiêu, về đích chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên mâm cơm đầm ấm của gia đình anh Dương Trung Phú, lời anh Phú nói với vợ con, với cán bộ xã Lương Mông như một lời nhắn gửi tới tất cả người dân ở các thôn, xã đã và sẽ thoát diện đặc biệt khó khăn: “Đảng, nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều như vậy, phải quyết tâm mà vươn lên, không thể nghèo mãi được. Phải làm giàu cho gia đình mình, rồi hỗ trợ cho bà con cùng thoát nghèo, cùng ấm no hạnh phúc như mình vậy...”

Bữa cơm đầm ấm của gia đình anh Dương Trung Phú (thôn Khe Nạ, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ) trong căn nhà mới khang trang.

Hương sắc mùa xuân dường như ấm nồng hơn trong sự đổi thay cách nghĩ, cách làm phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao của tỉnh.

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/tet-doi-doi-2468872/