Tết đoàn viên trên đỉnh Nam Du

Những ngày đầu tiên của năm mới 2020, chúng tôi có mặt trên Tàu 632, thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân tham gia hải trình thăm, chúc Tết bộ đội và nhân dân vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc.

Tàu cập bến Nam Du-hòn đảo đẹp được ví như thiên đường Maldives tại Việt Nam, nụ cười của những cán bộ, chiến sĩ và người dân xóa nhòa những khó nhọc của đoàn công tác vượt sóng, nắng và gió biển. Theo chân bộ đội, chúng tôi sải bước trên con đường nhỏ trải nhựa cùng lời cổ vũ: Trạm ra đa đóng trên đỉnh đồi cao đấy, các anh chị giữ sức để leo tốt nhé!

 Trung úy QNCN Phạm Văn Cường và bố mẹ trong buổi đoàn viên chúc Tết tại đơn vị.

Trung úy QNCN Phạm Văn Cường và bố mẹ trong buổi đoàn viên chúc Tết tại đơn vị.

Vừa đi vừa trò chuyện, vừa ngắm biển trời bao la, xanh đẹp Nam Du cho tới gần cổng Trạm Ra đa 600, chúng tôi gặp vợ chồng ông Phạm Văn Quyên (62 tuổi) và bà Trần Thị Thơm (60 tuổi) khuôn mặt rạng rỡ, phấn khởi dắt tay nhau cùng hướng vào đơn vị. Ông bà cho biết, hôm nay có đoàn công tác trong đất liền ra thăm, chúc Tết nên người dân trên đảo được mời đến dự thân tình. Chúng tôi được biết, ông bà Thơm từ Hải Dương vào thăm con trai và chúc Tết anh em trong đơn vị.

Thấy bố mẹ đến, từ xa Trung úy QNCN Phạm Văn Cường cùng mấy anh em trong đơn vị rộn ràng ra đón. Trung úy Vũ Văn Tiến, Chính trị viên Trạm Ra đa 600 đon đả mời: "Từ hôm biết tin ông bà sẽ lên đơn vị cùng đón Tết, chúng con mong mãi. Chúng con mời ông bà dự bữa cơm thân mật với đơn vị và đoàn công tác ra thăm, chúc Tết anh em nhân dịp năm mới ạ!".

Được các con cháu trong gia đình động viên, nên năm nay ông bà Thơm quyết tâm vượt hơn 2.000km với đủ loại phương tiện từ ô tô, máy bay, tàu thủy từ Thanh Miện (Hải Dương) ra đảo Nam Du (Phú Quốc) thăm gia đình con trai. “Lần đầu tiên trong đời tôi có chuyến đi xa với nhiều loại phương tiện giao thông đến vậy. Cứ nghĩ đến lúc được gặp con cháu là bệnh cao huyết áp tan biến. Biết là vì yêu cầu nhiệm vụ và khó khăn trong đi lại, nên 4 năm ròng vợ chồng nó không đưa các con về thăm ông bà được. Nhớ và thương chúng nó lắm!”, bà Thơm giãi bày. Trước khi ra đảo Nam Du với con cháu, ông bà cũng đã tranh thủ vào Rạch Giá (Kiên Giang) để thăm hỏi ông bà thông gia (bố mẹ vợ của Trung úy QNCN Phạm Văn Cường).

Trung úy QNCN Phạm Văn Cường là con trai thứ hai trong gia đình có 3 anh em trai. Nhắc đến các con, vợ chồng bà Thơm tự hào lắm. Này nhé, vợ chồng cậu con trai cả Phạm Văn Quyền hiện công tác tại Bệnh viện Quân y 103, con dâu Nguyễn Thị Tuyết Lan công tác tại Viện Bỏng quốc gia; Trung úy QNCN Phạm Văn Cường từ năm 2008 đến nay làm cán bộ quân y của Trạm Ra đa 600, vợ Ngô Thị Lụa công tác tại UBND xã An Sơn, quần đảo Nam Du; con trai út làm xây dựng ở quê Hải Dương sống cùng ông bà. Bà bảo, chẳng có niềm vui nào hơn khi thấy con cháu khỏe mạnh, sống hòa thuận, đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình.

Nghe bà Thơm nhắc đến công việc của con trai, Trung úy Vũ Văn Tiến kể lại, cách đây 5 năm, đúng hôm biển động, con gái của thầy Trần Trọng Thường, giáo viên Trường Tiểu học An Sơn (9 tuổi) có tiền sử bệnh động kinh đã lên cơ co giật, tính mạng nguy kịch. Khi được gia đình báo, mặc dù đã nửa đêm, ngoài trời mưa dông, gió giật mạnh, đường đồi núi dốc đứng, Trung úy QNCN Phạm Văn Cường vẫn băng mình trong đêm tối, đến nhà cứu chữa. Sau khi làm công tác sơ cứu, anh Cường thuyết phục chỉ huy đơn vị và gia đình đưa cháu vào đất liền để cứu chữa trong điều kiện tốt hơn. 1 giờ sáng, sóng biển cấp 6, anh Cường và một số anh em trong đơn vị, cán bộ y tế xã và gia đình đã đưa cháu bé vào Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, cháu bé được cứu sống kịp thời. Từ ngày đó, thầy Thường xin nhận Trung úy QNCN Phạm Văn Cường làm em nuôi.

Sống quây quần trong khu gia binh của đơn vị ngay dưới chân núi Trạm Ra đa 600, ngôi nhà cấp 4 của gia đình Trung úy QNCN Phạm Văn Cường những ngày đầu Xuân mới 2020 rộn rã hơn hẳn bởi có sự hiện diện của ông bà nội. Hai cô cháu gái Phạm Hoài Thương (8 tuổi) và Phạm Hải Giang (5 tuổi) kháu khỉnh, khỏe mạnh cứ ríu ra ríu rít quấn lấy ông bà không rời, khoe đủ thứ chuyện. Mặc dù ngồi trò chuyện với gia chủ, nhưng chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảm của bà cháu dành cho nhau. Tiếng cô chị thỏ thẻ nói với ông bà: "Lần này ông bà vào thăm ở luôn đây với chúng cháu chứ ạ!". Tiếng bà Thơm rủ rỉ: "Tết năm nay ông bà sẽ cùng đón Giao thừa với các cháu. Ra Tết ông bà phải về chăm 5 sào ruộng. Các cháu phải ngoan, học giỏi, nghe lời bố mẹ, sang năm ông bà sẽ lại vào đón Tết cùng các cháu".

Giấu những giọt nước mắt xúc động vào lòng, tiếng ông Quyền vang lên rổn rảng: "Mấy anh chị em đều quê xa, con cái còn nhỏ, nhưng đơn vị quan tâm, tạo điều kiện cùng sống trong khu gia binh quây quần đầm ấm, chia ngọt sẻ bùi bên nhau thế này, chúng tôi là những người ở hậu phương rất yên tâm…".

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ - MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tet-doan-vien-tren-dinh-nam-du-607477