Tết Đoan Ngọ cung đình giữa lòng Hà Nội

Tết Đoan Ngọ năm nay (mùng 5 tháng 5 năm Canh Tý) sẽ diễn ra vào ngày 25/6/2020. Từ nay đến 19/7/2020, rất nhiều phong tục thú vị đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lên kịch bản, giới thiệu đến công chúng mang chủ đề 'Hương sắc thảo mộc Đoan Dương'.

Trải nghiệm cách vua, quan uống trà

Không gian nghệ thuật thưởng trà cung đình là một điểm nhấn trong các hoạt động về Tết Đoan Ngọ lần này ở Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Du khách đến với chương trình sẽ được trải nghiệm việc hái hoa sen sớm mai và nghệ thuật ướp trà sen của người Hà Nội cùng nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn.

Theo nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, thưởng trà vào sáng sớm không chỉ là một thói quen mà còn là một nét văn hóa có từ bao đời nay. GS sử học Lê Văn Lan cũng dẫn chứng: Phong tục uống trà là một nét đẹp văn hóa của người Việt, thưởng trà là một thú vui tao nhã của bậc nam nhân. Xưa vua Trần dựng điện thưởng trà (gọi là “điện trà”), vua Nguyễn dùng trà làm vật phẩm ban cho các bề tôi vào ngày thiết triều mừng tiết Đoan Ngọ.

Chính vì mong muốn dựng lại không gian nghệ thuật thưởng trà cung đình nên Ban tổ chức đã mời nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng tái hiện trình diễn về nghệ thuật uống trà của vua, quan xưa. Theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, người xưa uống trà rất tinh tế, từ khâu rót trà đến mời trà.

 Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tái hiện không gian thưởng trà cung đình tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tái hiện không gian thưởng trà cung đình tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

“Người xưa dạy, rót trà theo chén tống xong đến chén quân và rót đều thì không có chén nào đặc, không có chén nào nhạt. Mời trà, dâng trà cũng là nghi thức rất quan trọng. Dùng tay trái dâng trà, để chén vào lòng bàn tay để sao 5 ngón tay tượng trưng cho 5 cánh sen, chén trà là viên ngọc giữa lòng hoa sen”.

GS Lê Văn Lan cho rằng, có rất nhiều phong tục thú vị về Tết Đoan Ngọ của vua chúa ngày xưa mà sử sách ghi lại nhưng những người tổ chức chương trình lần này mới chỉ dám nhận là tái hiện và trình diễn nghệ thuật thưởng trà cung đình theo một cách rất khiêm tốn, không phải nghi thức đầy đủ các bước.

Kích cầu du lịch nội địa

Năm 2020 là năm thứ 2 Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tái dựng các không gian đón Tết Đoan Ngọ ở cung đình xưa. Năm 2019, trung tâm đã từng tái hiện lễ ban quạt thời Lê Trung Hưng.

Chương trình biểu diễn được xây dựng dựa trên cơ sở khảo cứu các nguồn thông tin và tư liệu, khảo sát thực địa để tái hiện một phần không khí Tết Đoan Dương (hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ) thời Lê Trung Hưng. Nối dài mạch nghiên cứu và phát huy giá trị di sản hoàng cung, Tết Đoan Ngọ năm 2020, trung tâm tiếp tục cho tái dựng các phong tục tập quán vua quan thường làm trong dịp này.

Bên cạnh nghệ thuật thưởng trà, trong khuôn khổ chương trình “Hương sắc thảo mộc Đoan Dương”, du khách cũng có thể giao lưu với các nhà sử học, nghệ nhân dân gian, thưởng lãm ca trù sâu lắng do NSƯT Bạch Vân hoặc tìm hiểu về tục “giết sâu bọ”, tục hái thảo mộc làm trà và làm thuốc thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, pano, tranh cổ động nghệ thuật Graffiti… Tết Đoan Ngọ nói lên ước vọng cầu mong cho mùa màng bội thu, đời sống ổn định, khỏe mạnh, an bình.

Theo nghiên cứu của nhiều nhà y học dân gian, thảo mộc được hái vào giờ ngọ ngày Đoan Ngọ thì hương sắc được kết tinh lại sẽ tăng thêm dược tính chữa bệnh. Các thái y đời Trần, Lê, Nguyễn… đều sử dụng thảo mộc để chữa bệnh cho vua quan và quân đội.

Chính vì vậy, bước vào không gian của ngày Tết Đoan Ngọ 2020 ở Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội không thể thiếu không gian của các vị thuốc nam, thảo dược. Trên hành trình tham quan, thưởng lãm, du khách có thể lựa chọn các sản phẩm từ thảo mộc như trà, tinh dầu, nước sát khuẩn... an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: “Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, hơn nữa để từng bước hoàn thiện các không gian văn hóa cung đình ở Hoàng thành nên năm nay dịp Tết Đoan Ngọ chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và tổ chức các không gian trải nghiệm phong tục tập quán với mong muốn có thêm nhiều không gian thú vị cho du khách”.

"Trong cung đình, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, Hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, sức khỏe, bình an cho muôn nhà." - GS sử học Lê Văn Lan

Bài, ảnh: Hoàng Lan

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tet-doan-ngo-cung-dinh-giua-long-ha-noi-387795.html