Tết đến, lại câu chuyện hỏi lương, thưởng: Liệu tiền có phải tất cả?

'Hỏi lương, thưởng là cách người lớn thể hiện sự quan tâm. Chỉ có điều hành động này đôi khi hơi quá đà. Ngoài ra, tiền có thực sự quan trọng đến thế không?'.

Còn mấy vài ngày nữa là Tết. Sau một năm dài làm việc, những ngày xuân là dịp ít ỏi mọi người được thảnh thơi ngồi lại bên nhau, chia sẻ về những chuyện đã qua, chúc nhau những điều tốt lành và may mắn.

Thế nhưng, vẫn như mọi năm, các câu hỏi nhiều người trẻ nhận được luôn là: “Làm nhiều như vậy rồi lương thưởng được bao nhiêu?”, “Đủ tiền mua nhà chưa?”, “Tiết kiệm được bao nhiêu rồi?".

Với những người đã có 1 năm thành công, câu trả lời chắc không khó. Nhưng với người chưa làm được mọi việc như ý, đây là những câu hỏi hết sức nhạy cảm.

"Với những thắc mắc này mình chỉ cười trừ vì không biết trả lời sao cho hợp lòng người ta. Thực tế, bên cạnh sự tò mò, đây là cách người lớn thể hiện sự quan tâm. Chỉ có điều hành động này đôi khi hơi quá đà. Ngoài ra, tiền có thực sự quan trọng đến thế không?", Jason Nguyễn, hiện là người sáng lập và giám đốc điều hành của một công ty start-up Việt ở TP.HCM, nói.

 Các câu hỏi nhiều người trẻ nhận được luôn là: “Làm nhiều như vậy rồi lương thưởng được bao nhiêu?”, “Đủ tiền mua nhà chưa?”, “Tiết kiệm được bao nhiêu rồi?".

Các câu hỏi nhiều người trẻ nhận được luôn là: “Làm nhiều như vậy rồi lương thưởng được bao nhiêu?”, “Đủ tiền mua nhà chưa?”, “Tiết kiệm được bao nhiêu rồi?".

Làm được nhiều nhưng chẳng biết trả lời sao

Từ một thằng nhóc miền Tây chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, từng sống chắt chiu từng đồng trong túi mỗi cuối tháng, nằm mơ cũng không nghĩ ở tuổi 30, Jason đang điều hành 2 start-up có giả trị cả triệu đô. Vậy nhưng, cái mác doanh nhân hào nhoáng và thu hút có hành trình không hề ngọt ngào.

"Mỗi ngày các bạn trẻ vẫn hỏi han, tâm sự với mình rằng họ muốn làm giàu, muốn tài khoản có 9-10 chữ số, muốn được đặt chân đến những nơi xa hoa nhất trên thế giới. Rồi về nhà, ai cũng hỏi về những gì mình đã làm được, đã trải qua. Thật sự chẳng biết trả lời sao vì đi cùng tiền tài là cái giá mà không phải ai cũng biết", Jason nói.

Từng làm việc đến mức lao lực, đánh đổi sức khỏe, bạn bè, thậm chí tình yêu chỉ để chú tâm cho công việc, những những gì nhiều người thấy trên mạng chỉ là một chàng trai đang chu du khắp nơi.

"Nhưng 80% số đó là những chuyến bay dài cho công việc chứ hiếm khi được tận hưởng 100%. Ban ngày mình làm việc như bao người. Ban đêm khi mọi người ngủ, mình vẫn phải online liên tục để trao đổi với khách hàng ở nước ngoài, giải quyết giấy tờ. Làm việc 18 tiếng/ ngày là chuyện như cơm bữa", anh kể.

"Cái mác doanh nhân hào nhoáng và thu hút có hành trình không hề ngọt ngào".

Những vất vả, khó khăn như vậy tất nhiên không thể kể với người thân, họ hàng.

"Start-up là một ván bài may rủi. Những thứ mình có ngày hôm nay không phải là 1 con đường thẳng. Mình đã từng có tất cả rồi thất bại, phá sản, bắt đầu lại từ đầu. Nhưng dù vậy, khi nhìn lại, đó vẫn là 1 hành trình đầy niềm vui và tự hào".

Hãy yêu thương và thông cảm

Nhà báo Youyou Zhou, người ăn 20 cái Tết cổ truyền ở Trung Quốc trước khi chuyển sang Mỹ sinh sống, đúc kết trong một bài báo viết cho Quartz: Nếu ở Lễ Tạ ơn, người Mỹ tranh cãi với nhau về chính trị, tôn giáo, thì đối với người châu Á, những câu hỏi mang tính cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán lại là nguyên do gây chia rẽ. Không ít người cảm thấy khó chịu với những câu hỏi “đến hẹn lại lên”: Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết có cao không?

Nỗi niềm đó cũng được nhiều người trẻ Việt Nam đồng tình.

Tiền không phải là tất cả, nhưng khổng thể phủ nhận sự quan trọng của nó. Những lời khuyên kiểu “không có tiền vẫn sống ổn" đều phi thực tế.

Những ngày xuân là dịp ít ỏi mọi người được thảnh thơi ngồi lại bên nhau, chia sẻ về những chuyện đã qua, chúc nhau những điều tốt lành và may mắn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Lee Hyori sở dĩ có thể cùng chồng ra đảo Jeju sống là vì cả tuổi trẻ cô ấy đã làm việc miệt mài. Khi bạn bệnh tật ốm đau, khi người thân cần sự giúp đỡ, khi đột nhiên có chuyện gì đó từ trên trời rơi xuống - tiền sẽ là chìa khóa giúp mọi việc được xử lí nhanh hơn. Người nghèo mất xe máy là đại họa, người giàu mất xe máy chỉ như bỏ quên 1 cái túi.

Tùy vào số tiền bạn có mà thứ bạn gặp sẽ là biến cố hay sự cố. Mình làm việc chăm chỉ không phải vì tham lam vật chất mà vì muốn bản thân và gia đình có quyền tận hưởng cuộc sống một cách tốt nhất, không phải bận tâm cơm áo gạo tiền.

"Những ngày lễ Tết, khi gặp gỡ nhau, đừng hỏi lương, thưởng, hãy hỏi nhau đi làm có mệt không, có thích công việc đang làm không, có điều gì muốn chia sẻ không. Vốn ngoài xã hội đã vất vả giữ thái độ chuyên nghiệp, hết mình rồi, hãy yêu thương và thông cảm nhau hơn", Jason nói.

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tet-den-lai-cau-chuyen-hoi-luong-thuong-lieu-tien-co-phai-tat-ca-post1037234.html