Tết của tôi: Tết nhớ vị bánh chưng của ba

Tôi sinh ra và lớn lên tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), có lẽ tôi là người con may mắn nhất trong sáu chị em trong gia đình vì chưa bao giờ phải xa gia đình, xa người mẹ thân yêu trong dịp tết.

Quảng cáo

Trong ký ức tết, tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh ba tôi. Thường vào ngày 27 tháng Chạp, gia đình tôi cùng quây quần ngồi gói bánh chưng, bánh mật (loại bánh làm bằng bột nếp và mật mía).

Để gói bánh, trước đó, mẹ là người trong gia đình chuẩn bị nguyên vật liệu như lá chuối (có khi là đi rọc ngoài vườn), lạt giang, gấc, đỗ xanh, gạo nếp và nhiều gia vị khác. Mọi thứ được mẹ tôi chuẩn bị rất kỹ. Năm nào gia đình cũng gói nhiều bánh chưng và bánh mật. Trước khi gói bánh, ba thường mang lá chuối đi luộc qua nước sôi. Tôi vẫn nhớ câu nói của ba: “Đầu năm gói bánh, hay làm mâm cũng phải nhiều, dôi dư thì cả năm mới no đủ. Gói nhiều bánh một chút để biếu anh, chị em”.

Lúc gói xong, buổi tối gia đình tôi thường quây quần luộc bánh, nếu nước cạn thì lại cho nước vào. Nước trong nồi luộc bánh lúc nào cũng phải ngang bằng với lượng bánh trong nồi, như vậy bánh cắt ra mới xanh.

Hương vị tết khó quên

Hương vị tết khó quên

Ngày xưa luộc bánh chưng phải mất 12 tiếng đồng hồ mới chín, sau đó thì mang đi ép. Tôi là con út trong gia đình và chị gái trên tuổi tôi lúc nào cũng tranh đòi ba gói cho một chiếc bánh nhỏ, có khi là chiếc bánh dài mà dân quê tôi gọi là bánh tét (trẻ con thường gọi bánh đù đoày) để đem khoe và thi với các bạn trong xóm. Thường hai chiếc bánh nhỏ của chị em tôi được ba đánh dấu, buộc dây khác màu để phân biệt, phòng khi bánh chín hai chị em tranh nhau chiếc nào đẹp, chiếc nào to hơn.

Cũng nói thêm là ba tôi có tài gói bánh rất đẹp, vuông vắn và đẹp mắt mà không cần khuôn sẵn, mùi vị luôn đặc biệt với tôi. Ông là người quê Quảng Bình, trong quá trình đi chiến tranh tập kết ra Bắc nên duyên cùng mẹ tôi và ở rể tại Nghệ An.

Thời gian trôi qua, ba tôi qua đời trong vụ tai nạn. Tôi nhớ đó là thời điểm tháng 9 năm 2001. Cũng từ tết năm 2001 đến nay, gia đình tôi không còn gói bánh chưng trong ngày tết, có chăng thì chỉ có chị gái - người được ba chỉ dạy cách gói bánh chưng lấy chồng gần nhà tự gói và mang về cho gia đình.

Mẹ tôi vẫn giữ thói quen gói bánh mật vào dịp tết, trong 3 ngày tết trong gia đình khi nào làm cỗ cũng phải có bánh chưng xanh.

Tôi là người con út sống cùng mẹ từ sau khi bố qua đời, tết nào cũng vậy, tôi luôn tự trang trí trong gia đình một cành đào, cùng với mẹ mua quả, bánh kẹo, hương, hoa để mang đến các gia đình thân trong dòng họ. Ở quê tôi có phong tục, tết đến các gia đình thường mang hương, hoa đến nhà thờ họ.

Tác giả cùng mẹ trong những ngày cuối năm 2020

Ngày 28 tháng Chạp, tôi và mẹ đã chuẩn bị cơ bản mọi việc để đón tết tại gia đình. Trên bàn thờ ông bà, bàn thờ Phật đã có hoa, mâm ngũ quả, bình hương, ly nước. Trên bàn thờ Phật tôi thường chọn những bông hoa huệ, hoặc hoa cúc, những chiếc bánh chưng chay và bánh mật để dâng cúng… Tất cả đều tươm tất, đủ đầy và chu đáo.

Sáng 30 tết, gia đình tôi tổ chức bữa cơm tất niên cả gia đình, làm mâm cơm mời gia tiên về ăn tết, những món ăn đều do mẹ và tôi tự lựa chọn và chế biến. Trên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên, trong 3 ngày tết mẹ và tôi luôn túc trực để thắp hương, không được để hương tàn.

Thời khắc giao thừa, dù đã lớn và đi làm nhưng mẹ tôi vẫn giữ thói quen lì xì cho tôi. Tôi cũng lì xì để chúc tuổi mới cho mẹ luôn được sức khỏe, an vui. Sau thời khắc giao thừa, các anh chị em, con cháu trong gia đình ở gần lại về nhà cùng chúc tết mẹ và lên chùa lễ Phật, vấn an sức khỏe chư Tăng.

Mẹ tôi vẫn giữ thói quen đã nhiều năm, từ khi nào tôi cũng không nhớ, là nghiêm cấm con cháu trong gia đình không sát sinh vào ngày 1 và ngày rằm, đồng thời khuyến khích con cháu ăn chay.

Tết, chưa bao giờ tôi phải xa gia đình, mỗi cái tết qua đều là một kỉ niệm khó có thể quên. Nhưng ký ức tết để lại niềm nhớ khôn nguôi có lẽ là những ngày tết gia đình tôi có ba, khi mà cả gia đình được quây quần cùng gói những chiếc bánh chưng xanh năm nào...

Hữu Tình

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tet-cua-toi-tet-nho-vi-banh-chung-cua-ba-post55022.html