Tết của những cô giáo cắm bản

Xuân sang, trên đỉnh núi Pá Hu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) đất trời như mở hội, không còn cái lạnh thấu xương lúc đông về mà thay vào đó là những cơn mưa xuân li ti đậu trên những bông bích đào xinh xắn. Đường bớt đi lầy lội, nhưng vẫn phải trèo đèo, vượt suối. Xuân vùng cao còn ấm áp hơn bởi nơi đây có những cô giáo mầm non 'cắm' bản, ở lại ăn Tết cùng đồng bào.

Điểm trường mầm non xã Pá Hu trong xuân sớm không có tiếng ồn ào của con trẻ như thường ngày; các bé đã về nghỉ Tết, còn lại điểm trường sạch đẹp, ngăn nắp và các cô giáo ở lại trực trường đón Tết cùng đồng bào. Cô giáo Nguyễn Thị Thêm (29 tuổi), đã có 8 năm gắn bó với đồng bào Mông Pá Hu, từ các điểm lẻ xa xôi như Háng Gàng, Cang Dông đến cơ sở 2 của điểm chính Pá Hu này. 8 năm qua với cô là những ngày tháng xa gia đình, xa con nhỏ, ở tại cơ sở từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần chăm sóc cho các trò nhỏ ở lứa tuổi mầm non.

Cô Thêm chia sẻ: "Nhìn các bé nhiều lúc ứa nước mắt vì nhớ con mình, nhưng đã chọn nghề thì phải hy sinh cho nghề, giờ em và các đồng nghiệp đã quen, coi gia đình phụ huynh như gia đình mình, các bé như con mình, dốc lòng thương yêu dạy dỗ chúng. Tết đến xuân về là thời gian sum vầy đoàn tụ, bọn em chia nhau trực để vừa có thời gian ăn Tết cùng gia đình, lại thực hiện tốt nhiệm vụ trực trường, đón Tết động viên bà con trong bản kết hợp với công tác vận động tuyên truyền học sinh ra lớp".

Cô trò vui đón Xuân với những bộ quần áo mới.

Cô Nguyễn Thị Thêm cùng cô Mè Thị Hạnh dẫn chúng tôi đi vòng quanh bản, hương bánh dày thơm nồng nàn tỏa ra từ bếp lửa đồng bào Mông, nơi đâu cũng nhộn nhịp tiếng kèn lá réo rắt. Tiếng sáo thúc giục như mời gọi, gia đình nào thấy cô giáo đi qua cùng mời vào nhà cho bằng được. Anh Thào A Lồng, Bí thư chi bộ thôn Pá Hu phấn khởi cho biết: "Tết năm nào cũng có các cô giáo đến thăm nhà và chúc Tết, tôi và đồng bào trong thôn vui lắm, sau Tết cho các con đi học để không phụ công các cô". Trong bữa cơm đầu năm mới, Bí thư chi bộ Thào A Lồng nhiều lần bày tỏ sự thán phục các cô giáo trẻ ở vùng cao. Đường lên Pá Hu vốn gồ ghề đá sỏi với sống trâu, sống bò, trời mưa chỉ có đi bộ, nhưng các cô giáo trẻ không vì thế mà nản lòng, luôn có mặt đầy đủ ở điểm trường dù thời tiết mưa, rét. Anh Thào A Lồng trầm ngâm: "Những hôm trời mưa nhìn các cô tay xách, nách mang, lấm lem bùn đất, đồng bào trong thôn cảm động lắm, vì vậy khi các cô giáo vận động cho học sinh ra lớp chúng tôi cho đi ngay. Trẻ nhỏ được các cô chăm sóc thì yên tâm quá."

Chén rượu đầu năm mới ở nhà Bí thư chi bộ thôn Pá Hu khiến má các cô giáo trẻ ửng hồng, cô Hạnh cười nói với tôi: "Lên với vùng cao, bọn em không chỉ thuộc tiếng Mông mà còn biết uống vài chén rượu nữa, để có thể chia sẻ với đồng bào niềm vui lên nhà mới, mừng cơm mới, hay đám cưới, đặc biệt là dịp Tết đến Xuân về...Không uống được dân lại buồn".

Cô giáo Mè Thị Hạnh cũng đã gắn bó với mảnh đất này 6 năm, mỗi năm xuân về, cô dành thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình ở lại cùng đồng bào Pá Hu vui Tết đón xuân. Không cho đó là áp lực hay thiệt thòi, cô Hạnh lạc quan: "Cả năm ở với dân rồi, thêm một ngày Tết có thể khiến tình cảm của cô giáo với đồng bào trong bản tốt hơn thì bọn em không ngại gì cả, đi chúc Tết cũng để dặn dò các gia đình nhớ lịch sau tết cho con đi học".

Đến chúc Tết mỗi hộ gia đình, các cô giáo không quên gửi lại ít quà bánh. Học sinh thấy cô giáo đến thì vây quanh như chim non gặp mẹ, thấy học sinh của mình cô giáo nhanh tay buộc tóc, lau trên mặt các em vết nhọ nhem khói bếp như một thói quen. Cô Thêm cười giãi bày: "Ở lâu với học sinh mầm non bọn em có bản năng này rồi, thấy trò nào đầu tóc không gọn gàng là khó chịu lắm". Sau câu chúc đầu năm mới, chị Giàng Thị Súa, mẹ của trò Mùa A Mang không quên cảm ơn tình cảm của các cô giáo cho gia đình mình. Chẳng là Mang hay bị ốm, nhà chị lại neo người, mỗi dịp mùa vụ chị như "khoán trắng" cho các cô cậu con trai nhỏ từ sáng đến tối mịt mới đón về, cô giáo cho ăn, cô giáo vệ sinh cá nhân cho bé, cho bé uống thuốc mỗi khi trái gió trở trời. Chị Súa đôi tay nắm chặt tay các cô giáo: "Chúc cô giáo về quê ăn Tết vui vẻ, rồi lại lên với học trò, cảm ơn cô giáo lắm".

Tết của các cô giáo mầm non ở Điểm trường Pá Hu cũng giản dị với bánh chưng, bánh dày, thịt lợn và ít quà bánh. Không rộn rã tiếng nhạc lời ca, không sầm uất nhưng ấm áp bởi nghĩa tình làng bản. Thỉnh thoảng lại có hộ dân quanh trường chạy tới cho các cô chiếc bánh dày ăn Tết. Như Hạnh chia sẻ thì đây là món quà không thể thiếu của các gia đình đồng bào Mông cho cô giáo khi xuân về, không lấy không được. Không lấy dân sẽ buồn lắm.

Điểm trường cơ sở 2 của thôn Pá Hu có 59 học sinh lứa tuổi 4-5 tuổi, năm học qua nhờ những nỗ lực của các cô giáo mà tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 97% trở lên. Cả điểm có 3 cô giáo, mọi việc trong trường từ lớn đến nhỏ đều do bàn tay 3 cô giáo nhỏ bé làm cả. Niềm vui của các cô là năm nay đã có điện lưới quốc gia, vì vậy thời gian rảnh có thể liên lạc với gia đình, vơi bớt nỗi nhớ người thân. Cô giáo nào chúng tôi gặp ở vùng cao đều để lại những ấn tượng tốt đẹp, đó là nghị lực sống, tình yêu với nghề luôn bùng cháy. Có lẽ vì thế họ được mệnh danh là những người viết nên huyền thoại cho giáo dục vùng cao Trạm Tấu.

Bài, ảnh: HÀ THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tet-cua-nhung-co-giao-cam-ban-531748