Tết của người Việt phương xa: vẫn đậm phong vị quê nhà

Hiện nay, có hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc khắp năm châu. Dù ở đâu, những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc vẫn được họ gìn giữ, phát huy, và càng thể hiện rõ nét vào dịp Tết.

Nhiều bạn trẻ đã trở thành những "đại sứ văn hóa" tự thân trong việc vun bồi, lan tỏa những giá trị mang đậm bản sắc quê nhà cho cộng đồng.

Trò chuyện cùng anh Hải Nguyễn (quản lý một nhà hàng Việt tại Charlottetown, Prince Edward Island, gọi tắt là PEI, một tỉnh nhỏ nằm ở phía Đông của Canada) vào ngày đầu xuân mới, dễ dàng nhận thấy tình cảm rất nồng ấm của người xa xứ hướng về quê hương.

Là một thành viên thường trực của Hội người Việt tại PEI, anh nhận định có sự khác biệt mùa tết năm nay đối với kiều bào ở đây.

Đảo Hoàng Tử Edward hiện có khoảng hơn 1.100 người Việt sinh sống, làm việc, học tập. Hằng năm, mỗi độ tết đến xuân về, Hội người Việt tại đây luôn tìm cách mang hương xuân đến cộng đồng bằng các sự kiện, lễ hội lớn.

Đảo Hoàng Tử Edward hiện có khoảng hơn 1.100 người Việt sinh sống, làm việc, học tập. Hằng năm, mỗi độ tết đến xuân về, Hội người Việt tại đây luôn tìm cách mang hương xuân đến cộng đồng bằng các sự kiện, lễ hội lớn.

Dù PEI ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 so với nơi khác, song trong bối cảnh chung khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tổ chức những hoạt động quy mô lớn là bất khả thi, nên mọi người chỉ có thể cùng nhau giao lưu nghệ thuật…online.

Bản thân Hải từng có thời gian dài làm việc ở Đài Truyền hình TP HCM nên cũng dùng kinh nghiệm hỗ trợ mọi người dàn dựng bối cảnh phù hợp không khí ngày Tết và ghi hình.

Mỗi gia đình đều dành thời gian tập đàn hát, mang đến những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" góp phần đón chào năm mới.

Anh Hải chia sẻ thêm: Áo dài luôn là một hình ảnh tuyệt vời của người Việt chúng ta, dù đi khắp năm châu bốn biển, "thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó!". Vì thế, dù đi xa đến mấy, trong hành lý của chúng tôi đều có những chiếc áo dài cho riêng mình.

Nhìn các bạn Thoa, Mai và Nguyệt mặc áo dài gói bánh chưng bánh tét tươi cười hớn hở, anh Hải cảm nhận rất rõ hương vị tết quê nhà.

Không có ngày hội xuân hoàng tráng, người Việt chọn tổ chức những buổi tiệc tất niên nho nhỏ.

Đến những buổi tiệc mang đậm tình thân gia đình thế này, mỗi khách mời mang theo một món ăn đặc trưng của ngày tết để cùng thưởng thức, giữa tiết trời giá lạnh đầu năm của Canada.

Bánh chưng nấu bằng nồi áp suất, tôm khô chắc thịt, củ kiệu dưa hành giòn rụm, gỏi tai heo chua ngọt...được mọi người tự tay chuẩn bị cho bữa tiệc thay vì mua hàng sản xuất sẵn.

Anh Hải tâm sự: "Năm mới, tôi tin chắc mọi người đều mong ước sự bình an và hạnh phúc, dịch bệnh sẽ chấm dứt để chúng tôi được về thăm gia đình vào mùa xuân sau. Những chuyến bay 24 giờ chưa bao giờ được mong mỏi nhiều như bây giờ. Tết là dịp đoàn viên, dù chúng tôi có mọi thứ, nhưng cảm xúc dường như vẫn không thể trọn vẹn khi thiếu vắng người thân trong thời khắc giao mùa."

Với Bùi Ái Liên (thành phố Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) thì đây là năm thứ 6 cô ăn Tết xa nhà. Thực ra đó không hẳn là lựa chọn mà do Liên thường không về nhà được vào dịp Tết do lịch học tập và làm việc ở phương Tây chỉ nghỉ lễ vào Giáng sinh và Tết Tây, còn Tết nguyên đán thường là vào ngày làm việc bình thường. Năm nay, cô đã dự định sắp xếp về thăm gia đình nhưng lại trúng giai đoạn dịch Covid, chỉ có số ít chuyến bay giải cứu hàng tháng của chính phủ nên Ái Liên đành lỡ hẹn sum vầy.

May là Ái Liên vừa chuyển xuống Dallas, nơi có khá nhiều người Việt sinh sống nên có thể đi chợ Việt, đi chùa và cảm nhận được không khí xuân về.

Ái Liên từng đăng quang ngôi vị Á Hậu tại cuộc thi Miss Asian Global (Hoa Hậu châu Á toàn cầu tại Mỹ) năm 2018 tổ chức tại thành phố San Francisco, tiểu bang California Hoa Kỳ. Ảnh: Du Nguyễn

Trong cuộc thi kể trên, cô cũng đạt giải trình diễn trang phục dân tộc ấn tượng nhất với bộ áo dài rồng mạnh mẽ do Tuấn Hải thiết kế.

Một điểm thú vị là cô gái này rất yêu và có ý thức lan tỏa vẻ đẹp tà áo dài truyền thống Việt Nam đến bạn bè năm châu trong suốt hơn một thập kỷ học tập, nghiên cứu và làm việc đa quốc gia.

Từ năm 19 tuổi, Ái Liên bắt đầu tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị khắp nơi nên đã làm quen với việc luôn đem áo dài theo trong hành trang. Trong ảnh, Ái Liên mặc thiết kế áo dài Minh Châu khi nhận giải nhì Cuộc thi Young Speakers Contest tại Indonesia năm 2013.

"Áo dài là trang phục không khoa trương nhưng lại tôn vinh nét đẹp của con gái Việt rất khéo léo. Có thể đơn giản tinh khôi như chiếc áo dài trắng, có thể lộng lẫy kiêu ra với tà áo đính đá cầu kỳ, và cũng có thể huyền bí với hình tượng rồng vàng thêu tỉ mỉ. Thật ngưỡng mộ khả năng sáng tạo của các nhà thiết kế áo dài Việt Nam" - Ái Liên bộc bạch

Ái Liên khẳng định thấy tự tin nhất khi mặc áo dài, thích mặc áo dài đến những sự kiện quan trọng để giới thiệu với mọi người từ các nền văn hóa khác nhau về trang phục đặc biệt này của dân tộc Việt. Ảnh: Bảo Lê

Ái Liên là đồng sáng lập Công ty SignLab, chuyên cung cấp giải pháp cho việc học ngôn ngữ ký hiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới, với sứ mệnh giúp cộng đồng hiểu tầm quan trọng và sự thú vị của ngôn ngữ ký hiệu, qua đó xóa bỏ rào cản giữa người nghe và người điếc, đặc biệt là đối với cha mẹ có con cái bị điếc hay khiếm thính.

Tết năm nay của cô gái tài sắc này càng ý nghĩa khi Ái Liên đang cộng tác với các bác sĩ, dược sĩ gốc Việt ở đây tổ chức tiêm vaccine Covid - 19, hi vọng có thể giúp thật nhiều người Việt biết thông tin và chích sớm, để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tiêm vaccine là hoàn toàn miễn phí, kể cả cho du học sinh hay khách du lịch đang kẹt lại ở Mỹ.

Còn với Nguyễn Thị Ngân Hà - nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VietConnect kết nối trí thức trẻ người Việt khắp toàn cầu - thì quan sát thấy việc sửa soạn đón Tết của người Việt tại Mỹ chào đón năm Tân Sửu 2021 có phần đơn giản và mang tính gia đình nhiều hơn các năm trước.

Trước đêm giao thừa, Ngân Hà đã kịp rảo một vòng ở Eden Center, thuộc bang Virginia, cách thủ đô Washington DC khoảng 25 phút lái xe. Đây là một trong các khu tập trung đông người Việt ở Mỹ. Giữa nhịp sống hối hả và những tác động của Covid đến thói quen tiêu dùng thì nhiều người Việt tuy không dư dả thời gian nhưng vẫn tranh thủ ghé thăm khu kinh doanh của cộng đồng, mua sắm vật dụng, bánh trái.

Một số gia đình truyền thống nhiều thế hệ vẫn duy trì việc gói bánh chưng, bánh tét vào đầu năm và giải thích nét văn hóa này với thế hệ con cháu. Nếu không thể gói bánh, người Việt có thể đến Eden mua các bánh chưng, bánh tét với nhiều loại nhân mặn, nhân ngọt đa dạng

Những giỏ quá, túi quà gói sẵn bày bán ở Eden Center

Món bánh tổ được chế biến từ bột gạo nếp

Các loại mứt từ trái cây cũng là thứ không thể thiếu trong ngày Tết

Các cửa hàng treo băng rôn Chúc mừng năm mới với tông đỏ chủ đạo, bạo lì xì được bán với giá 2USD/ xấp với những mẫu mã khá kinh điển

Hẳn nhiên là không thể thiếu những chậu hoa tươi chưng trong nhà ngày Tết

Và những tà áo dài, chính là điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh xuân của người Việt hải ngoại.

Mặc áo dài trong Tiệc xuân do Hiệp hội Hữu nghị Việt Nhật và Tổ chức giao lưu quốc tế Kagoshima đồng tổ chức năm 2020. Năm nay, hoạt động này bị hủy bỏ do dịch Covid

Khoảnh khắc đầu xuân trong tà áo dài thướt tha của chị Nguyên Trương (bang Michigan, Hoa Kỳ) và bè bạn

Một năm mới đến mang nhiều điều mới và bao hân hoan, kỳ vọng. Dẫu ở nơi đâu người VIệt cũng mãi nhớ về nguồn cội quê hương. Và ngay lúc này, có lẽ ước vọng và trăn trở lớn nhất của người Việt trong và ngoài nước đó là sức khỏe và bình an, như tâm tình của chị Ngân Hà "Cầu mong một năm mới với tình hình khống chế dịch toàn cầu khả quan hơn và sớm đến ngày mọi thứ trở lại bình thường."

Các doanh nghiệp Việt ở nước ngoài có một bộ phận không nhỏ kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, lại chưa áp dụng công nghệ nhiều nên thời gian qua đánh dấu một giai đoạn khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người Việt nói chung. Dường như khoảng cách vô hình mà Covid tạo ra cũng đã tác động đến tinh thần người Việt xứ xa, càng làm cho người Việt ở nước ngoài không khỏi mong mỏi ngày trở về, đoàn viên cùng gia đình và người thân.

Hồ Xuân Huy - Ảnh: Hải Nguyễn, Bảo Lê, Du Nguyễn, Ngân Hà, Nghĩa Huỳnh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phong-su-but-ky/tet-cua-nguoi-viet-phuong-xa-van-dam-phong-vi-que-nha-20210213195016483.htm