Tết của người Mông giữa đại ngàn Tây Nguyên

Người Mông ở Tây Nguyên quan niệm trang phục và nghề dệt, may, thêu đều là của cải cần được bảo tồn và gìn giữ. Khi đến vùng đất mới nhiều phụ nữ Mông tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.

Khi hoa cà phê nở trắng muốt trên những quả đồi, trời bắt đầu se se lạnh báo hiệu mùa xuân sắp về với cao nguyên Đắk Nông, cũng là lúc đồng bào Mông nơi này nhộn nhịp đi chợ sắm sửa quần áo mới để đón xuân về.

Vui xuân với nhiều trò chơi dân gian

Một ngày cuối tháng 12, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đến xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để tìm hiểu về những nét văn hóa dân gian của đồng bào nơi đây.

Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo - nơi có khoảng 300 hộ gia đình với 100% dân số là đồng bào người Mông sinh sống. Vừa chậm rãi châm trà mời khách, ông Tráng A Dơ-Trưởng bản Đoàn Kết vừa kể về những trò chơi dân gian của bà con trong bản vui xuân, đón Tết Kỷ Hợi 2019.

Nhiều người hân hoan khi được đi sắm quần áo mới.

Nhiều người hân hoan khi được đi sắm quần áo mới.

Theo ông Dơ, cứ mỗi dịp Tết cổ truyền, ông cùng vài người có uy tín tại các bản khác trên địa bàn lại xin phép chính quyền địa phương để tổ chức những trò chơi truyền thống, mang đậm bản sắc người dân tộc Mông như ném Pao, đánh cù. Trong đó, đánh cù là trò chơi của trẻ em còn ném Pao là trò chơi dành cho các đôi nam nữ trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Ngoài việc vui chơi, giải trí thì ném Pao còn là dịp để các đôi nam nữ làm quen, tìm hiểu về nhau.

Vị trưởng bản chia sẻ, trò chơi ném Pao thường được bà con người Mông tại bản Đoàn Kết nói riêng và xã Đắk Ngo nói chung tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 10 Tết. Quả Pao được phụ nữ người Mông may bằng vải rất tỉ mỉ, không quá cứng, cũng không quá mềm và có nhiều màu sắc.

Khi ném Pao, các thanh niên nam đứng một hàng, nữ đứng một hàng rồi quay mặt đối diện nhau, khoảng cách giữa hai hàng từ 6-7m. Trong khi chơi, bên nào để rớt Pao xuống đất là thua. Thường thì bên nam và bên nữ sẽ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được Pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm theo yêu cầu của bên thắng.

Trong quá trình chơi ném Pao qua lại, các đôi nam nữ sẽ tranh thủ cơ hội này để “liếc mắt đưa tình”, thăm dò ý tứ của nhau. Sau cuộc chơi, các đôi nam nữ “kết” nhau sẽ trao đổi thông tin cá nhân như năm sinh, nơi ở, số điện thoại…để liên lạc, tìm hiểu thêm về nhau. Nhiều đôi nam nữ quen nhau trong hội Pao sẽ tiến xa hơn và nên duyên vợ chồng.

Theo ông Nguyễn Huy Công-Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo, trên địa bàn xã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp tại các bản Giang Châu, Đoàn Kết, Xín Chải. Vì vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào người Mông cũng tổ chức một số trò chơi truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên nắng gió.

Rực rỡ váy áo truyền thống

Rời bản Đoàn Kết, chúng tôi vượt qua nhiều chặng đường dốc hun hút để đến các bản như Giang Châu, Xín Chải của xã Đắk Ngo, tiếp tục tìm hiểu về không khí chuẩn bị đón Tết của bà con người Mông nơi đây.

Vào những ngày cuối năm, không khí nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà, người người đều vui mừng đi chợ mua sắm các vật dụng cần thiết để chào đón Tết. Tại ngã tư lớn của mỗi bản đều có các điểm bày bán quần áo, trang sức cho đồng bào người Mông chuẩn bị đón Tết. Người bán chỉ tận dụng những khoảng đất trống rồi trải bạt ni-lông, giăng vài sợi dây dù trên cây; quần áo đắt tiền thì treo dây, quần áo rẻ thì bày ra dưới bạt.

Ném Pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông.

Ông Tẩn Seo Vu (47 tuổi, quê Điện Biên) cho hay, nhiều năm nay, cứ vào tháng 11 âm lịch là ông bắt đầu đưa quần áo vào bày bán tại các bản người Mông của xã Đắk Ngo. Khi nào hết hàng, ông sẽ gọi điện về quê nhờ người thân gửi vào để bán. Áo quần ông bán đều là trang phục truyền thống của đồng bào người Mông tỉnh Điện Biên, có giá dao động từ 200 ngàn đồng đến 1,8 triệu đồng/bộ. Ngoài áo quần, ông cũng bày bán thêm các đồ trang sức như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng tay, khăn choàng…với giá từ 50-200 ngàn đồng.

Ông Vu chia sẻ: “Ở đâu cũng có người giàu, người nghèo nên mình phải bán nhiều loại quần áo, nhiều giá khác nhau và hướng đến nhiều đối tượng khách hàng. Người có điều kiện thì mua áo đẹp, giá khoảng 1,2-1,8 triệu/bộ. Người thu nhập thấp thì mua những bộ bình thường khoảng 200-250 ngàn. Theo tôi, rẻ hay đắt thì đó cũng là trang phục truyền thống mà bà con luôn trân quý để khoác lên mình mỗi dịp đón xuân về”.

Còn chị Vàng Thị Chiến (30 tuổi, bản Giang Châu) phấn khởi khoe, dù có vất vả thế nào, cứ vào dịp cuối năm, chị lại dành dụm một ít tiền rồi dắt các con đi mua áo quần mới. “Bà con mình quen mặc đồ truyền thống của người Mông nên Tết cũng vậy. Dù có vất vả, cực khổ mấy, gia đình mình vẫn dành riêng một khoản tiền nho nhỏ để mua đồ Tết về mặc. Mình nghĩ, năm mới mặc áo mới thì sẽ có nhiều thứ tươi mới hơn, đẹp hơn”.

Trong sinh hoạt hằng ngày như làm đồng hay việc nhà, phụ nữ Mông thường mặc những bộ trang phục mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức. Nhưng khi đi hội, mọi người lại chọn cho mình chiếc áo, váy xòe đầy màu sắc, đính cườm, vòng bạc lộng lẫy.

Chúng tôi rời xã Đắk Ngo khi mùa xuân đang tràn về, trên khắp những thôn, bản của bà con Mông bừng lên sức sống mới. Gương mặt của mỗi người sáng lên một niềm tin vào tương lai, cuộc sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện. Bà con dân tộc Mông lại đón một mùa xuân ấm no, hạnh phúc trên quê hương mới Đắk Nông.

Hải Dương – Trần Nhân – Bá Tứ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tet-cua-nguoi-mong-giua-dai-ngan-tay-nguyen-post288782.info