Tết của người âm phủ

Nếu có dịp về Phúc Am – Duyên Trường, đi một vòng khắp các ngóc ngách từ đầu đến cuối làng, người ta dễ bị tò mò về một thứ 'đặc sản' mà ít nơi có thể làm được... Ấy là vàng mã! Ai đã từng một lần tự hỏi về không khí Tết của người cõi âm ra sao thì có lẽ nên tới thăm làng nghề ấy một lần vào dịp cuối năm như thế này!

Làng nghề Phúc Am - Duyên Trường nằm cách trung tâm Tp. Hà Nội khoảng 30km thuộc địa bàn huyện Thường Tín. Suốt hàng chục năm qua, vùng đất này được biết đến với nghề “bán đồ giả lấy tiền thật”.

Hiện nay trong làng luôn có gần 200 hộ gia đình cùng tham gia sản xuất và kinh doanh vàng mã. Những câu chuyện liên quan đến công việc đặc biệt ấy luôn chứa đựng bao điều ly kỳ và vô cùng thú vị!

Trong quan niệm của ông cha ta thời xưa, khi con người chết đi thì linh hồn của họ sẽ có một cuộc sống khác ở thế giới bên kia. Họ vẫn sẽ cần sử dụng những vật dụng như nhà cửa, quần áo, giấy tiền… Và hình như dưới âm phủ lại không bán những đồ này nên người thân ở dương gian mới tìm cách cúng đốt mong gửi cho họ. Phong tục đốt vàng mã có thể tồn tại tới ngày nay cũng một phần là ở quan niệm đó.

 Hình nộm ngựa đang được hong nắng trước khi trang trí tại Phúc Am

Hình nộm ngựa đang được hong nắng trước khi trang trí tại Phúc Am

Không quá khi nói rằng, đằng sau cánh cổng làng Phúc Am hệt như một phim trường, tái hiện lại khung cảnh cổ xưa trong các bộ phim nói về thời kỳ phong kiến. Đại thể: Giáp binh trăm vạn, ngựa voi hàng đàn, thuyền chiến la liệt, đao kiếm nhiều không kể xiết... Tiếng chân người rầm rập hối hả chả trừ một ngóc ngách nào... Không khí đầy sắc màu liêu trai!

Ở đây, trên từng khoảng sân nhỏ hay mỗi một bờ tường tất cả được tận dụng để hong khô vàng mã. Khi các kho chứa đã chật thì người ta cùng lúc đưa hàng chục ông tướng , bà hoàng bằng giấy cao đến hàng mét ra sân… để xếp hàng.

Đâu đâu cũng thấy áo quần, hình nhân, ngựa giấy, voi giấy, thuyền rồng, kể cả là nhà sơn trang dành cho thế giới bên kia cũng được bày ra la liệt. Tất cả như muốn nói lên rằng quá khứ và hiện tại, người chết và kẻ sống, cõi âm và cõi dương như đang cùng đan xen, tồn tại bên nhau hết sức tự nhiên gần gũi… Rõ ràng thị trường tiêu dùng ngày Tết của người âm phủ cũng phong phú, đa dạng và sớm hơn chúng ta thì phải!

Mũ các quan được làm tại nhà chị Xuân

Trong lúc chờ xe ô tô về chuyển hàng, chị Nguyễn Thị Xuân người dân làng Phúc Am kể: “Ngày thường thì cả làng sống nhờ cõi âm, dịp lễ Tết thì ăn lộc thần thánh nên nghề làm vàng mã này chả bị “mất mùa” bao giờ. Người ít người nhiều,bình quân hàng tháng thu về chẳng dưới 5 triệu. Cuối năm là vậy các đơn hàng đều tăng đột biến vào dịp Tết nên nhà nào nhà nấy đều như nhau ai ai cũng hối hả tất bật.

“Dù rằng công việc nhiều như thế nhưng không phải ai cũng có thể làm được” lời khẳng định chắc nịch của bác Trường như cuốn hút chúng tôi tò mò về công đoạn để làm ra được một sản phẩm “Made in Phuc Am” này. Tiêu chí cần có ở một người thợ đó là sự khéo léo từ đôi bàn tay, tỉ mỉ trong từng bước thực hiện và quan trọng nhất phải hiểu được đây là những sản phẩm phục vụ nghi thức tâm linh nên người làm phải có cái tâm rồi mới nói tới chuyện theo nghề lâu dài.

Để làm được những sản phẩm như hình nhân, các con vật hay cửa nhà thì người Phúc Am phải chọn lựa những loại nguyên liệu dẻo như mây, bền như giang , bóng vàng như cật nứa để làm khung cho sản phẩm. Khi làm xong, những bộ khung ấy được đưa ra ngoài hong nắng rồi sử dụng dần. Cũng có gia đình thì lại chỉ làm khung như nhà bà Lan rồi cung cấp cho các hộ khác trong làng.

Những khung các con vật cao tới hàng mét xếp đầy đường

Tìm hiểu kỹ hơn thì ở cách trang trí, dán giấy màu để hoàn tất việc tạo hình sản phẩm cũng có những điều đặc biệt. Người thợ cần có sự am hiểu các tích cổ về ông Tướng, bà Chúa mặc áo màu gì, mũ, hài ra sao, cử chỉ, điệu bộ phải phù hợp chứ không thể tự ý làm theo ý mình.

Công đoạn dán giấy phủ bên ngoài là khó hơn cả. Người Phúc Am sẽ dùng chiếc chổi lông nhỏ để phết lên khung một lớp hồ. Thứ hồ cực kỳ kết dính ấy được tạo ra từ bột gạo nếp, sắn dây hòa cùng với nước sau đó đem đảo đều tay trên ngọn lửa nhỏ. Thế nhưng nếu phết quá dày thì giấy dễ ướt bị nhòe màu còn lượng hồ quá mỏng thì lại dễ bong tróc. Do đó đây là công đoạn đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm thì mới thao tác cho đúng để cho ra những sản phẩm đẹp được.

Lúc cần tới những hoa văn trang trí đủ loại sắc màu thì những người thợ như bác Trường lại cầm bút gạch gạch, phác họa trên nền nhà mấy đường. Sau khi đã nhả một làn khói thuốc, người thợ ấy cẩn thận đưa từng nhát cắt. Trong phút chốc một đường hoa dây hay một cánh chim phượng, có lúc lại là bóng dáng của một đôi hài hiện ra sinh động, bắt mắt vô cùng. Họ chuyên nghiệp như một nghệ sĩ tạo hình, chính xác như một nhà điêu khắc thế nhưng lại chẳng qua một trường lớp nào cả.

Ai lần đầu ngồi xem người Phúc Am làm vàng mã, được ngắm nghía một cái mũ hay chiếc thuyền đã được hoàn thiện mới cảm nhận hết được nét sặc sỡ nhưng cũng đầy đủ sự trang nghiêm. Có lẽ để tả chi tiết thì xem chừng khó mà chỉ có thể nói ngắn gọn là đẹp “theo kiểu của người âm”.

Sản phẩm đặc biệt mang cái đẹp "theo kiểu người âm"

Trong tâm thức của những người thợ luống tuổi như bác Trường thì ý nghĩa nguyên thủy của nghề làm vàng mã cũng chứa đựng nhiều điều hay, cái đẹp! Ở đây không phải đẹp vì thứ màu sắc sặc sỡ của những tờ giấy xanh đỏ óng ánh mà ở cái nguồn gốc ban đầu của nghề đặc biệt này. Bởi vốn dĩ nó xuất phát từ nét văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Qua những vật phẩm tâm linh này mà người sống mong muốn gửi một chút lòng thành cũng là cách để tưởng nhớ tới người đã khuất. Thế nhưng lâu dần cái gốc ấy biến tướng theo kiểu “trần sao, âm vậy” dẫn tới việc nhiều người đặt làm xe hơi, nhà lầu vàng mã to vật vã, tốn nhiều tiền rồi đem đi đốt dẫn tới việc lãng phí, phản cảm.

Ý nghĩa nguyên thủy của nghề làm vàng mã mang nhiều nét đẹp

Người thợ ấy tiếp lời: “Những hôm mười tư, ngày rằm nửa đêm nằm nghe chó sủa ầm ầm, là đủ biết trong làng có đầy “người lạ” phất phơ, vật vờ đi chọn hình nhân để hôm sau còn báo mộng cho người nhà. Giống như người sống cất công đi chợ chọn mua cho mình món đồ ưng í vậy”. Nói rồi bác cười khà khà: “Chưa gì đã sợ hả, phóng viên, nhà báo các cậu lần nào về quay phim chụp ảnh chả hay đùa chúng tôi là làng âm phủ còn gì!”

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tet-cua-nguoi-am-phu-4055593-v.html