Tết của đồng bào Cơ Tu

Người Cơ Tu ở Quảng Nam cư trú tại ba vùng: Người Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu đriu), người Cơ Tu vùng trung (Cơ Tu nal), người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu phương), nhưng ở mỗi vùng đều có tên gọi Tết riêng. Người Cơ Tu vùng cao ăn Tết Cha-puốt. Người Cơ Tu vùng trung ăn Tết Cha-pổi. Người Cơ Tu vùng thấp ăn Tết Cha-ping. Tiếng Cơ Tu, 'cha' có nghĩa là ăn; 'puốt', 'pổi' hay 'ping' đều có nghĩa là Tết. Theo truyền thống, gần đến ngày Tết, từ trong rừng già xa xôi, các gia đình Cơ Tu tạm gác lại mọi lo toan của công việc nương rẫy, lần lượt rủ nhau rời nhà zơng (nhà rẫy) của mình về làng, hối hả chuẩn bị ăn Tết và đón mừng năm mới. Mọi gia đình trong làng (Cơro noon) đều náo nức công việc đón Tết của gia đình mình. Vì vậy, con cháu họ dù đi làm xa đều tranh thủ về làng để cùng gia đình ăn Tết, đón xuân.

Tết đến, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam bao giờ cũng dựng nêu cùng con vật hiến sinh, mọi người lo chuẩn bị nhiều thức ăn.

Tết đến, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam bao giờ cũng dựng nêu cùng con vật hiến sinh, mọi người lo chuẩn bị nhiều thức ăn.

Để có điều kiện ăn Tết, trước đó hơn một tháng, họ đã chuẩn bị nấu rượu bằng gạo nếp huyết có màu đỏ thắm (aví đếp aham) hoặc từ gạo nếp than (aví tr'uang), ủ men làm rượu (chân buah) trong ché. Dù làm rượu trong ché, người Cơ Tu gọi là rượu ghè, khi uống, họ không dùng cần mà đổ ra chén hoặc ống lồ ô cao khoảng 20cm dáng hình phễu để uống.
Sau khi làm men ủ rượu xong, phụ nữ, con gái lo lấy lúa nếp trên kho (crlăng) xuống giã; rủ nhau vào rừng hái lá đoót về để làm bánh. Người Cơ Tu gọi bánh này là bánh cuốt (avị cuốt), không có nhân, dáng bánh hình tam giác như sừng của con trâu và được bà con Cơ Tu cả ba vùng ưa thích, kể cả trong các lễ hội truyền thống, ma chay, cưới hỏi... Một ít gạo nếp còn lại dùng để nấu xôi trong ống lồ ô gọi là cơm lam. Những thanh niên thì rủ nhau cùng vào rừng đặt bẫy chim, sóc, săn thú rừng về phơi khô hoặc để trên giàn bếp làm thực phẩm dự trữ ăn Tết.

Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam cũng đón Tết và tổ chức ăn mừng, chúc Tết cùng vào thời điểm Tết chung của dân tộc Việt Nam. Hầu hết các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều món ăn cho gia đình và để tiếp khách.

Tết đến, nhà nhà đều dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa cho sạch đẹp. Lối đi, sân vườn được phát quang bụi rậm, cỏ cây, bếp cũng được quét dọn cẩn thận. Trống, chiêng, giáo mác và các vật dụng quý giá trong gia đình và trong Gươl được lau chùi sạch sẽ. Tết đến, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà bà con mỗi làng chuẩn bị một cây nêu, mua một con trâu để tổ chức lễ hiến tế và tổ chức các sinh hoạt cộng đồng truyền thống như: Đánh cồng chiêng, múa tung tung - da dá, hát dân ca, hát giao duyên… thể hiện sự vui mừng trong năm mới và bày tỏ lòng thành, sự biết ơn lên thần linh. Trước Tết, người Cơ Tu mua nhiều tranh ảnh, lịch treo tường, ảnh Bác Hồ về trang trí bàn thờ làm cho căn nhà trông sáng sủa, đẹp mắt. Nhiều nhà còn mua sắm thêm nhiều vật dụng sinh hoạt mới. Thậm chí, nhiều nhà có điều kiện còn mua thêm các phương tiện giải trí cho ngày Tết thêm vui vẻ, sôi nổi. Năm mới, mong muốn mọi thứ đều mới mẻ, họ cũng chuẩn bị cho mình những bộ trang phục thổ cẩm với hoa văn, màu sắc rực rỡ thể hiện bản sắc văn hóa của người Cơ Tu. Tết nào người Cơ Tu cũng tự tay chuẩn bị những món ăn truyền thống mang phong vị quê nhà mình.

Người Kinh đến chúc Tết và chung vui cùng người Cơ Tu.

Ngày Tết, đi dạo các bản làng nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống, đâu đâu cũng được bà con chào hỏi ân tình, mến khách và dọn món thịt nấu đông, za zá, món thịt chuột, thịt dơi, măng khô... với rượu ghè và đặc biệt là rượu tà vạt một đặc sản nhà nào cũng có. Nhu cầu thưởng thức văn hóa, vui chơi trong ngày Tết được người Cơ Tu đưa lên hàng chính yếu. Tết đến, xuân về với người Cơ Tu, cho dù giận hờn hay oán trách thế nào đi chăng nữa, mọi người luôn tìm đến nhau để sẻ chia và tỏ bày tình cảm, hỏi thăm sức khỏe, công việc... qua đó giúp đỡ, đùm bọc thương yêu nhau hơn. Tết đến, xuân về còn là dịp để những thanh niên Cơ Tu đến các làng người Cơ Tu lân cận tìm kiếm tình yêu cho mình rồi mới về nhà mà không bị cấm đoán... Ngày Tết, nam nữ Cơ Tu tìm đến nhau qua lời ca, hát lý, hát đối đáp... qua cung đàn Tâm bét alui, đàn Rol, đàn Abel, sáo A lướt rồi từ đó mà nên duyên vợ chồng.

Có dịp đến các bản làng của bà con Cơ Tu, chúng tôi đều thấy trên bàn thờ đặt ảnh Bác Hồ và ảnh của ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất. Vào đêm giao thừa, trên bàn thờ còn đặt các loại bánh, xôi, thịt gà, cơm lam, rượu... để cúng tổ tiên, ông bà, thần linh cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình và cộng đồng an lành, hạnh phúc...

Nguyễn Văn Sơn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tet-cua-dong-bao-co-tu/