Tết của ai

Hàng ngàn đời nay, Tết là thời điểm đoàn viên của những người vẫn còn trên đời và cả linh hồn của tổ tiên về cùng con cháu. Điều quan trọng nhất, ai cũng náo nức, có chung niềm vui sum họp, sẵn sàng mở lòng với nhau.

Người Việt cảm thức Tết rất nhân văn: Năm mới chỉ nói chuyện mới với những điều tích cực, quên hết những hiềm khích, vận đen, những tồn tại cũ. Người ta kiêng suy nghĩ hoặc nói những điều không hay, ăn những món ăn không tốt trong năm mới. Giữa tiết trời se lạnh, lất phất mưa phùn bay xen lẫn hương trầm bảng lảng bên nồi bánh chưng; ông bà kể những câu chuyện xa xưa có hình ảnh của cụ, kỵ một thời vất vả tạo lập cơ nghiệp.

Trong tiếng cười khanh khách của trẻ nhỏ, người lớn nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai để trân trọng hơn khoảnh khắc của hiện tại. Có những người con xa quê, cả một năm bon chen mưu sinh đất khách quê người đêm 30 ném hết những nỗi buồn năm cũ vào bếp lửa. Khói hương đêm 30 dường như là sợi kết nối với tổ tiên để con cháu gửi gắm ước vọng năm mới.

Như một liệu pháp tâm lý, từ tâm trạng vui, phấn khích cộng với cảnh quan (hoa lá tốt tươi, đẹp đẽ trang hoàng), cộng đồng hòa chung niềm hứng khởi và thế là Tết về. Nhiều người nói: Đất trời giao hòa. Ngay cả những đôi lứa yêu nhau cũng bừng rực hơn trong tiết Xuân. Người ta yêu nhau như biết rõ mỗi người chỉ có một cuộc đời, làm sao để khoảnh khắc ấy ý nghĩa nhất.

Như lời một bài hát, nghe mà cứ thương hoài tình yêu và mùa Xuân: “Em là cánh én mỏng, chao xuống giữa đời anh/ Cho lòng anh xao động, thành mùa Xuân ngọt lành”. Trong cuộc đời, người ta không quên những giông tố và khoảnh khắc tình yêu. Thế nhưng, nhờ có tình yêu mà những bão giông mới nhẹ nhàng qua đi. Nhờ sự nẩy nở của mùa Xuân mà va đập của cuộc đời trở nên nhẹ bẫng.

Khi sự hối hả của ngày Tết đang tới gần, tôi nhận thấy con người cần những cái siết tay, những cái ôm ấm áp biết bao nhiêu. Giống như những người Nhật già trong viện dưỡng lão thèm được người điều dưỡng dùng tay thoa dầu gội lên đầu mỗi khi tắm thay vì để máy móc làm. Cậu em tôi làm nghề điều dưỡng kể, các cụ ngồi một vòng để tắm, chỉ có công đoạn gãi đầu là có hơi ấm người, còn lại máy phun nước, máy sấy khô…

Con cháu các cụ mải miết với áp lực công việc. Có nhiều cụ chết đi, dưới gối, đệm còn để lại cả đống tiền tương đương gia sản lớn. Nhưng ở trong nhà dưỡng lão còn may, không ít người sống tại quốc gia phát triển, chết cô độc già nua trong căn hộ, nhiều tuần sau, hàng xóm mới phát hiện. Công nghệ khiến cho con người cô đơn kiểu mới.

Người ta có thể yêu qua những cuộc điện đàm có hình ảnh, hơi thở gấp gáp qua loa, chẳng một chút nồng nàn, cháy bỏng. Người ta cứ ngỡ hàng ngày vẫn gặp nhau mà không cần hơi ấm của nhau.

Tết năm nay hứa hẹn những ngày vui vì Nghị định 100 đã giúp giảm bớt những cuộc rượu say sưa có nguy cơ làm sứt mẻ tình người. Rượu, bia quá đà khiến con người trở về phần con nhiều hơn phần người. Lúc đó, ý nghĩa của sự sum họp, đoàn viên bị ma men đạp đổ.

Mùa Xuân hay Tết không chỉ tự đến bằng sự luân chuyển của thời gian mà cần cả những bàn tay tạo dựng chính sách tốt. Cần cả những bàn tay sưởi ấm những bàn tay.

Đình Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/tet-cua-ai-1510881.tpo