Tết cổ truyền của người La Hủ

Tỉnh Lai Châu có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng và tập tục đón Tết cũng khác nhau. La Hủ là dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và chỉ sinh sống duy nhất ở huyện Mường Tè. Tết cổ truyền của người La Hủ được đồng bào tổ chức riêng biệt và mang dấu ấn độc đáo về bản sắc một tộc người sinh sống nơi biên cương Tây Bắc.

Phụ nữ La Hủ trong trang phục truyền thống.

Phụ nữ La Hủ trong trang phục truyền thống.

Bản làng người La Hủ thường ở trên sườn núi cao, mỗi bản quây quần vài chục nóc nhà. Người La Hủ có một hệ lịch riêng gồm 13 con giáp. Thông thường người La Hủ ăn Tết vào những ngày cuối tháng 11 âm lịch và thường kéo dài từ ba đến năm ngày. Ngày tốt để ăn Tết theo quan niệm của đồng bào La Hủ là vào ngày con rồng hoặc ngày con thỏ và họ kiêng ăn Tết vào những ngày con khỉ, hổ, chó, rắn và ngày bố, mẹ qua đời. Người La Hủ không giống các dân tộc khác là ăn Tết vào đúng một thời điểm mà họ ăn Tết theo hộ gia đình và dòng họ.

Ðể chuẩn bị đón Tết, những người phụ nữ La Hủ lên rừng tìm củi về chất đống để bảo đảm đủ chất đốt trong những ngày Tết. Vào buổi chiều trước ngày diễn ra ăn Tết chính, các gia đình sẽ tổ chức gói bánh chưng. Bánh sau khi được nấu chín, người chủ gia đình sẽ phát cho các cháu nhỏ cầm đi chơi ngày Tết. Theo quan niệm của người La Hủ việc phân phát bánh chưng cho các cháu nhỏ đi chơi đầu năm là thể hiện của sự no đủ và sung túc.

Sáng sớm đầu năm mới, các thành viên trong gia đình đều dậy sớm. Phụ nữ thì bảo nhau làm bánh dày và các món ăn truyền thống; đàn ông mổ lợn để lấy gan xem vận may rủi của gia đình, láng giềng trong cả một năm. Người La Hủ xem phần gan nhỏ dính mật là góc độ gia đình; phần gan lớn hơn sẽ là cộng đồng láng giềng. Nếu mật dính gan mà trong mật nước nhiều, dây cuống mật ngắn, mật nằm dọc theo khe gan phẳng đều thì nhất định năm đó gia đình sẽ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt và ngược lại. Nếu phần gan to tươi mầu, phẳng đều không tỳ vết thì cộng đồng dân bản sẽ có vụ mùa bội thu, no đủ, đoàn kết. Ngược lại nếu gan sẫm mầu lại có vết tỳ thì năm đó láng giềng làm ăn không thuận lợi, trong bản sự phát triển sẽ không đồng đều.

Với người La Hủ do tập quán sinh hoạt trước đây là du canh, du cư cho nên không có bàn thờ tổ tiên. Họ cúng tổ tiên ở trên giường của chủ nhà. Việc cúng của từng dòng họ cũng có sự khác nhau. Lễ vật chủ yếu là những sản vật do bà con tự sản xuất ra. Sau khi lễ cúng xong các gia đình trong dòng họ sẽ về thăm chúc gia chủ một năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Lúc này, bữa cơm mừng năm mới của gia đình cũng được dọn ra. Mọi người cùng chung vui, trao nhau những lời chúc tốt đẹp của năm mới.

Trong những ngày Tết, ngoài việc thực hiện các nghi lễ, tại các bản còn tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian như đu quay, đi cà kheo… Các chàng trai, cô gái La Hủ với những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ, say sưa hòa mình vào các điệu dân ca, dân vũ trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Với sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, đồng bào La Hủ đã hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em khác. Học tập, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tiếp thu những nét văn hóa hiện đại của nhân loại vì sự phát triển, đồng thời đồng bào dân tộc La Hủ vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình.

Bài và ảnh: Trần Tuấn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/42772002-tet-co-truyen-cua-nguoi-la-hu.html