Tết Canh Tý 1960 đáng nhớ!

Phó Thủ tướng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm người có công tỉnh Nghệ An

(HNMO) - Xuân Canh Tý 2020 vừa đến. Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, hòa chung không khí đón xuân mới trên khắp cả nước, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chợt nhớ lại mùa xuân 60 năm về trước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để đến từng ngôi nhà, ngõ xóm và những khu phố ở Hà Nội thăm và chúc Tết những người dân lao động, các cán bộ, chiến sĩ Thủ đô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất) và trồng cây đa, mở đầu phong trào “Tết trồng cây” do Người phát động. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ hàng vạn tư liệu, hiện vật kể về cuộc đời người con ưu tú bậc nhất của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có bộ ảnh tư liệu quý chụp những cái Tết Bác Hồ đi thăm và chúc Tết quân, dân Hà Nội.

Chị Nông Thu Hiền, cán bộ Bảo tàng cho biết, sinh thời, cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến, Bác lo nghĩ cho dân nhiều hơn, mong cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, người người, nhà nhà được đón những ngày Tết dân tộc vui tươi. Bởi thế, thường thì trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết. Còn Bác có chương trình riêng cho mình.

Tết Canh Tý 1960, mừng Đảng ta 30 tuổi trẻ, mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh, Bác Hồ đi trồng cây tại Công viên Hồ Bảy mẫu (nay là Công viên Thống Nhất), mở đầu phong trào “Tết trồng cây” do Người phát động. Bắt đầu từ đấy đến nay và mãi mãi về sau, Tết trồng cây đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hà Nội và cả nước trong những ngày đón Xuân.

Trước đó, ngày 27-1-1960 (tức đêm Giao thừa), Bác đi thăm, chúc Tết và tặng quà 5 gia đình cán bộ, nhân dân ở Hà Nội.

Người đã đến thăm và chúc Tết gia đình GS Đinh Văn Thắng tại nhà riêng - số 15 phố Chân Cầm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bác mặc áo bông, quần vải, đi dép cao su, thân tình, giản dị như người cha đến với con cháu. Bác ngồi nói chuyện thân mật với giáo sư và bốn người con của ông. Rất xúc động được gặp Bác, GS Thắng không nói được nhiều, ông kính chúc Bác mạnh khỏe. Bác cười vui: “Mạnh khỏe thì tốt lắm, không cần bác sĩ nữa”. Bác hỏi tình hình công tác, việc học tập của các cháu và việc chuẩn bị Tết của gia đình. Bác chia kẹo và bảo các cháu hát cho Bác nghe. Con trai đầu của giáo sư là Đinh Thế Cảnh ngày thường tính nhút nhát, đã xung phong hát bài “Đêm hoa đăng”. Bác nhắc giáo sư chuyển lời Bác chúc Tết tới vợ ông, bà Nguyễn Thị Hảo không được gặp Bác vì đang bận trực ở nhà hộ sinh Cầu Đất. Bác còn nhờ giáo sư chuyển lời thăm và chúc Tết tới cán bộ, nhân viên và người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai (nơi giáo sư đang công tác) và các bệnh viện khác ở Thủ đô. Niềm vui và vinh dự lớn đó đã khích lệ GS Đinh Văn Thắng trong suốt quá trình công tác và hoạt động của mình. Sau này, giáo sư trở thành người Viện trưởng đầu tiên, sáng lập, xây dựng ngành phụ sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết GS Đinh Văn Thắng và gia đình vào đêm giao thừa Tết Canh Tý (27-1-1960).

Rời nhà GS Đinh Văn Thắng, Bác đến thăm gia đình ông Trần Công Tốt - công nhân đường dây của Nhà máy Điện Hà Nội. Ông Tốt vô cùng bất ngờ và xúc động khi vừa ở công trường vừa về đến nhà thì Bác Hồ tới thăm. Ông chưa kịp trấn tĩnh thì Bác đã thân mật hỏi thăm về nghề nghiệp, công việc hằng ngày: "Nhà chú có mấy người làm nghề điện?". Ông Tốt trả lời: "Nhà cháu có bốn người làm nghề điện ạ!". Biết ông Tốt là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, Bác đã khen ngợi động viên và tặng quà Tết trước khi chia tay…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội, ngày 27-1-1960 (đêm giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau khi đi thăm hết các gia đình trong kế hoạch, khoảng 11 giờ tối, Bác đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín. Nhà chị ở sâu trong một ngõ hẻm, nhà cửa tuềnh toàng. Chồng chị đã mất, để lại cho chị đàn con thơ dại. Sắp đến giao thừa, chị vẫn tranh thủ đi gánh nước thuê để lấy tiền mua quà bánh Tết cho con.

Khi nhìn thấy Bác, chị Tín vô cùng sửng sốt. Chiếc đòn gánh bỗng rơi khỏi vai, chị chạy tới, ôm chầm lấy Bác rồi khóc: “Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”. Ân cần thăm hỏi về công việc, về tình hình gia đình, Bác tỏ ý hài lòng khi biết dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Tín vẫn cố gắng cho các con đi học.

Trên đường về Phủ Chủ tịch, đôi mắt Bác đượm buồn. Bác nói với đồng chí cùng đi: Muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người đặc biệt khó khăn.

Câu chuyện đã để lại một bài học sâu sắc về nhân sinh, đó là: Lãnh tụ của dân thì phải đồng cảm với cuộc sống của dân; trách nhiệm cao nhất của người lãnh đạo là biết lo cơm ăn, áo mặc hằng ngày của dân.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhân dân cả nước và nhân dân Thủ đô không còn được Bác Hồ đến thăm và chúc Tết nhưng bao thế hệ người Việt nối tiếp nhau vẫn đón nhận và lan tỏa những yêu thương vô vàn Người để lại cho đời. Mỗi mùa xuân về lòng ta lại nhớ Bác Hồ kính yêu. Nhớ Bác, học và làm theo lời Bác dạy một cách thiết thực nhất chính là soi mình vào tấm gương sống giản dị, trung thực nhưng hết sức kiên cường của Bác và nhắc nhở nhau làm theo những lời căn dặn của Người.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/956045/tet-canh-ty-1960-dang-nho