Tesla đang sa lầy vì Elon Musk

Từ gã khổng lồ thống trị ngành ôtô điện, Tesla đang dần đánh mất vị thế sau khi dính vào một loạt lùm xùm liên quan đến CEO Elon Musk.

Theo Bloomberg, mức định giá 1.000 tỷ USD của Tesla chỉ có ý nghĩa trong trường hợp nhà sản xuất ôtô điện tiếp tục thống trị ngành công nghiệp mới như cách Apple làm với iPhone hay Amazon với hệ thống thương mại điện tử.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4, giá cổ phiếu Tesla đã bốc hơi 40% và xóa sổ hơn 400 tỷ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán. Hiện tại, công ty ôtô điện đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro như khan hiếm sản phẩm mới, sự cạnh tranh của nhiều đối thủ, các vụ kiện cáo trong công ty hay tình trạng gián đoạn sản xuất ở nhà máy Thượng Hải.

Do đó, giới đầu tư đang đánh giá lại tiền đề giúp giá cổ phiếu Tesla cao ngất ngưởng và đưa ông chủ công ty - Elon Musk - trở thành người giàu nhất thế giới.

Giá trị công ty bay hơi

Musk đã không giúp cổ phiếu tăng giá. Mặt khác, thương vụ chào mua Twitter của ông đã tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của công ty. Ở góc độ nào đó, một số người tin rằng Tesla đang thiếu đội ngũ lãnh đạo có khả năng ngăn Musk gây tổn hại đến hoạt động hay hình ảnh của công ty.

“Từ quan điểm quản trị doanh nghiệp, Tesla đang xuất hiện nhiều cờ đỏ (Red Flag - thuật ngữ chỉ cảnh báo cho biết đang có rủi ro liên quan đến cổ phiếu, báo cáo tài chính của công ty). Công ty hầu như không có séc hay số dư”, Andrew Poreda, nhà phân tích cấp cao tại Sage Advisory Services, nhận định.

Ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất về Tesla cũng dấy lên mối lo ngại. Daniel Ives - nhà phân tích tại Wedbush Securities - đã giảm giá mục tiêu của công ty từ 1.400 USD xuống 1.000 USD.

 Giá trị cổ phiếu Tesla quay đầu lao dốc. Ảnh: New York Times.

Giá trị cổ phiếu Tesla quay đầu lao dốc. Ảnh: New York Times.

Theo Ives, các vấn đề của Tesla ở Trung Quốc, nơi đặt nhà máy sản xuất cung cấp cho thị trường Á - Âu, đã hạn chế nguồn cung nguyên vật liệu quan trọng cũng như nhu cầu của người dùng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu Tesla còn tỏ ra nhạy cảm với tình hình thế giới như chiến sự ở Ukraine, lãi suất và lạm phát tăng, nguy cơ suy thoái, hỗn loạn chuỗi cung ứng. Song, hiệu suất của cổ phiếu Tesla vẫn hụt hơi hơn những gã khổng lồ khác ở Thung lũng Silicon như Apple hay Alphabet.

Vấn đề sản xuất ở Trung Quốc đã thu hẹp một trong những lý do đưa Tesla trở thành công ty ôtô giá trị nhất thế giới. Sau khi gây tiếng vang lớn với người dùng Trung Quốc, sự xuất hiện của xe điện Tesla đã dấy lên hy vọng về một cuộc tăng trưởng thần tốc trên thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới.

“Đó là vấn đề kép mà Tesla phải đối mặt ở Trung Quốc”, Michael Dunne, CEO của công ty chuyên tư vấn lĩnh vực ôtô điện ZoZoGo, nói.

Mất thị phần

Ngay quý I/2022, thị phần của Tesla tại Trung Quốc đã đạt 2,5%, gần bằng các nhà sản xuất phân khúc hạng sang như Mercedes-Benz, BMW hay Audi.

Năm ngoái, Tesla chiếm 3/4 lượng ôtô điện tiêu thụ tại Mỹ. Dù đi trước các đối thủ cạnh tranh vài năm nhờ công nghệ pin và phần mềm, 95% doanh số của hãng vẫn phụ thuộc vào hai mẫu Model 3 và Model Y trong khi mẫu xe bán tải, vốn được tiết lộ từ lâu, vẫn bị trì hoãn.

Sự có mặt của những mẫu xe mới có vai trò thúc đẩy doanh số bán hàng, đặc biệt trong bối cảnh các hãng ôtô khác như Huyndai, Ford, Volkswagen nhảy vào cuộc chơi và mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn.

Thị phần của Tesla sẽ nhỏ hơn. Sự độc quyền về doanh số bán xe điện ở Mỹ sẽ từ từ giảm xuống

Jesse Toprak, nhà phân tích tại Autonomy

Jesse Toprak - nhà phân tích kỳ cựu trong ngành công nghiệp ôtô tại Autonomy - tin rằng thị phần của Tesla sẽ giảm xuống dưới 40% vào cuối năm 2023 bất chấp việc doanh số bán hàng tiếp tục tăng.

Tại châu Âu, nơi ôtô điện chiếm 13% doanh số tiêu thụ, Tesla cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Đây là dấu hiệu cảnh báo những gì có thể xảy ra ở Mỹ.

Theo số liệu của Schmidt Automotive Research, sau khi đầu tư mạnh vào mảng ôtô điện, Volkswagen đã bán được 56.000 chiếc ở Tây Âu trong 3 tháng đầu năm, chỉ sau Tesla (58.000 chiếc). Tuy nhiên, Tesla vẫn có thể đua sản lượng nếu nhà máy mới khánh thành ở Berlin tăng cường sản xuất.

Nhưng, khi ôtô điện trở nên phổ biến hơn do giá nhiên liệu tăng chóng mặt, làn sóng người dùng mới sẽ đưa ra những lựa chọn thiên về ý nghĩa tài chính thay vì tập trung vào thương hiệu của Tesla.

Khủng hoảng truyền thông

Bản thân hình ảnh công ty trong thời gian này cũng hứng chịu không ít lùm xùm. Đầu tiên, Bộ Việc làm Công bằng và Nhà ở của California cáo buộc tình trạng phân biệt chủng tộc và quấy rối ở nhà máy Tesla.

Gần đây nhất, sau khi Tesla bị loại khỏi chỉ số tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị S&P 500 ESG, Elon Musk lập tức phản bác quyết định bằng từ ngữ thiếu tôn trọng trên mạng xã hội. Thậm chí, một số nội dung của Musk còn đậm tính chính trị như tuyên bố chuyển sang ủng hộ phe đối lập thay vì Đảng Dân chủ.

“Ông ấy càng có thiên hướng chính trị càng dễ ảnh hưởng đến xu hướng của người mua”, Carla Bailo, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ôtô ở Michigan, nhận xét.

Ngoài ra, Musk còn nổi tiếng là ông chủ khắt khe. Điều này ít nhiều gây xáo trộn nội bộ tại công ty, buộc nhiều nhân viên cấp cao phải rời đi tìm con đường mới.

Tesla đang gặp nhiều vấn đề trong và ngoài nội bộ. Ảnh: WSJ.

Đơn cử, Lucid, nhà sản xuất mẫu ôtô điện duy nhất đánh bại Tesla trong các bài kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, được thành lập bởi Peter Rawlinson, cựu kỹ sư hàng đầu của Tesla vốn bất đồng với Musk.

“Bạn không thể đối xử tệ với nhân viên trong một thị trường lao động eo hẹp như hiện tại. Một người đàn ông sáng giá không thể biến tầm nhìn của mình thành hiện thực nếu thiếu những người thực sự thông minh”, Poreda nhận định.

Đáng chú ý, giữa vô số vấn đề và rủi ro này, Musk đang dành quá nhiều thời gian vào thương vụ mua lại Twitter. Kể từ thời điểm những thông tin đầu tiên về tham vọng mua lại Twitter được tiết lộ, giá cổ phiếu của Tesla đã thiệt hại khoảng 28%, tương đương 285 tỷ USD vốn hóa.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tesla-dang-sa-lay-vi-elon-musk-post1319550.html