Teo cơ vì lạm dụng thuốc chứa corticoid

Tình trạng lạm dụng thuốc corticoid gần đây đang có xu hướng tăng lên với nhiều biến chứng khó lường.

Bệnh nhân có biểu hiện teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng và suy tuyến vỏ thượng thận.

Bệnh nhân có biểu hiện teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng và suy tuyến vỏ thượng thận.

Th.S.BS Phạm Thị Lưu, khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Trong thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc chứa corticoid đang được điều trị tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường. Trung bình một ngày, 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng này. Đây là hồi chuông đáng báo động”.

Corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, ức chế miễn dịch, được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau (khớp, dị ứng, thận, hô hấp). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lạm dụng, loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận.

Các bác sĩ lâm sàng thường phải cân nhắc rất nhiều khi chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc này. Người bệnh cũng được khuyến cáo các tác dụng phụ và cách theo dõi chúng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người bệnh có thể dễ dàng mua được nhóm thuốc này ngay cả khi không có đơn của bác sĩ. Ngoài ra, việc bệnh nhân tuân thủ điều trị kém dẫn đến tình trạng lạm dụng nhóm thuốc này càng đáng lo ngại. Theo bác sĩ Lưu, trên thực tế hiện nay, nhiều bệnh nhân tự mua thuốc theo đơn cũ không đi khám lại. Một số người tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng. Sau khi sử dụng, thấy có hiệu quả giảm đau, chống viêm, họ cho rằng đó là “thần dược” nên dùng thường xuyên.

Bên cạnh đó, không ít người bệnh còn tìm đến các loại thuốc Đông y, thuốc nam vì nghĩ nó “lành hơn” thuốc Tây y dù không biết nguồn gốc xuất xứ. Theo các bác sĩ, nhóm thuốc này rất khó xác định thành phần cũng như liều lượng corticoid. Chỉ đến khi gặp tác dụng phụ nặng nề, người bệnh mới đến viện thăm khám. Bác sĩ Lưu nhấn mạnh việc sử dụng corticoid như con dao hai lưỡi. Vì vậy, để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ của nhóm thuốc này, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị. Người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc.

Liên quan đến tình trạng này, dược sĩ Cao Thanh Tú - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec khuyến cáo, với thuốc corticoid dạng uống (viên, siro...), người bệnh nên dùng với thức ăn để hạn chế kích ứng dạ dày. Tuy nhiên, không nên ngừng thuốc đột ngột nếu đã dùng corticoid trong thời gian dài. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn người dùng cách giảm liều thuốc từ từ trước khi ngừng hẳn. Thông thường, quá trình này kéo dài vài tuần để cơ thể có đủ thời gian khôi phục lại khả năng sản xuất hormone tự nhiên.

Trong khi đó, với corticoid dạng kem bôi hoặc mỡ dùng ngoài da, dược sĩ Tú cho biết, chỉ nên dùng một lượng nhỏ đủ để bao phủ lớp mỏng lên vùng da bệnh. Nhờ đó, tránh quá nhiều thuốc hấp thu vào cơ thể, gây tác dụng phụ. Người bệnh lưu ý, không nên băng vùng bôi thuốc. Tránh bôi vào vùng da trày xước, không lành lặn hoặc vùng da thường xuyên bị cọ xát.

Cũng theo dược sĩ Tú, corticoid dạng hít thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ thường gặp (nấm miệng, khàn giọng) có thể dự phòng dễ dàng bằng việc thực hiện đúng kỹ thuật xịt hít và súc miệng sau khi dùng thuốc.

Thục San

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/teo-co-vi-lam-dung-thuoc-chua-corticoid-184122.html