Tên lửa Triều Tiên giống tên lửa 'vượt mọi hệ thống phòng không' của Nga?

Trang mạng theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North trong báo cáo ban đầu về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 9/5 cho rằng tên lửa này nhìn giống với tên lửa SS-26 Iskander (hay tên lửa Iskander-M) của Nga.

Một tên lửa của Triều Tiên được phóng hôm 9/5. Ảnh: KCNA

Một tên lửa của Triều Tiên được phóng hôm 9/5. Ảnh: KCNA

Ngày 9/5 vừa qua, Triều Tiên đã phóng các vũ khí được cho là 2 tên lửa tầm ngắn từ bãi thử Kusong ở tỉnh bắc Pyongan về phía đông nước này. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), 2 tên lửa của Triều Tiên đã lần lượt di chuyển được khoảng 420 km và 270 km và đạt độ cao khoảng 50 km trước khi rơi xuống biển.

Đây là vụ thử vũ khí thứ 2 của Triều Tiên chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần. Trước đó, sáng 4/5, Triều Tiên cũng đã phóng một số tên lửa từ thị trấn Wonsan ở bờ biển phía đông nước này ra vùng biển Nhật Bản.

Theo Reuters, trong báo cáo sơ bộ về vụ việc, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North cho rằng tên lửa mới của Triều Tiên nhìn giống với tên lửa Iskander của Nga.

Trang web này cũng cho rằng tên lửa của Triều Tiên có thể khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc.

Bà Grace Liu - một chuyên gia về tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí (CNS) của Trung tâm James Martin ở California, Mỹ - cho rằng vụ thử nghiệm tên lửa thứ 2 của Triều Tiên cho thấy nước này đang phát triển một tên lửa đáng tin cậy, có thể hoạt động, có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa và tiến hành một cuộc tấn công chính xác nhằm Hàn Quốc.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng vũ khí của Triều Tiên khó đánh chặn bởi nó hoạt động ở độ cao quá lớn so với tầm bắn của hệ thống tên lửa đất đối không Patriot nhưng lại quá thấp so với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc.

Theo hãng tin Sputnik, với tầm bắn lên tới 500km, tên lửa đạn đạo Iskander-M được đánh giá là một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất của Nga.

Tên lửa có thể đánh trúng không chỉ các mục tiêu mặt đất mà còn có thể tiêu diệt cả các mục tiêu trên không, bao gồm từ các hệ thống phóng rocket đa nòng, trạm chỉ huy và trung tâm liên lạc tới pháo tầm xa, máy bay, trực thăng. Tổ hợp tên lửa này được cho là có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không.

Hệ thống Iskander-M cũng có thể mang theo cả vũ khí hạt nhân. Ngoài việc phóng phát một, hệ thống tên lửa này có thể bắn hai tên lửa một lúc.

Theo ông Viktor Bondarev – người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga, Iskander-M là hệ thống vô song trên thế giới, thừa sức ngăn chặn cuộc tấn công quy mô của bất kỳ đối thủ nào.

Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-gioi/ten-lua-trieu-tien-giong-ten-lua-vuot-moi-he-thong-phong-khong-cua-nga-451841.html