Tên lửa siêu thanh Mỹ khiến Nga mất cơ hội phản công

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky, đòn siêu thanh Mỹ có thể khiến Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga mất cơ hội trả đũa.

Nhận định được chủ tịch Slutsky đưa ra sau khi Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết, Washington đã sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn đầy hứa hẹn ở châu Âu.

Ngoài ra, tên lửa siêu thanh cũng nằm trong kế hoạch triển khai. Với tốc độ siêu thanh, đầu đạn cực mạnh là những lời cảnh báo Mỹ dành cho "mối đe dọa từ Nga".

Tổng thống Putin quan sát thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Avangard.

Tổng thống Putin quan sát thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Avangard.

Nếu kế hoạch được Mỹ hiện thực hóa, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga. Thời gian bay của tên lửa đến Moscow và các thành phố lớn khác sẽ là tối thiểu. Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga có thể mất cơ hội tấn công trả đũa.

Nhưng chủ tịch Leonid Slutsky cho rằng, đó chỉ là lý thuyết bởi Mỹ chưa sở hữu và trong tương lai gần không thể sở hữu tên lửa siêu thanh tầm trung và tầm ngắn được sản xất hàng loạt.

Mặc dù vậy, Washington vẫn tuyên bố sẵn sàng triển khai chúng gần biên giới Nga. Điều đó cho thấy rằng, họ không có ý định đạt bất cứ thỏa hiệp nào với Moscow.

Ông Leonid Slutsky nói: "Tuyên bố của Nhà Trắng không mang tính xây dựng. Bằng cách này Washington chỉ gây bất ổn và đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Những bước đi vô trách nhiệm để thực hiện các mục tiêu chính trị, nếu Mỹ trên thực tế triển khai tên lửa trên lãnh thổ của các nước đồng minh châu Âu, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tên lửa mới".

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng lên án những tuyên bố gây hấn của phía Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng, điều này đe dọa an ninh khu vực và an ninh toàn cầu và làm gia tăng đối đầu.

Theo ông Antonov, Washington trên lời nói ủng hộ việc kiểm soát vũ khí, nhưng trong thực tế lại đang kích động cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu leo thang.

Bất kể Mỹ sử dụng kịch bản nào, Nga có đầy đủ năng lực để đáp trả một cách đầy đủ hơn. Với hệ thống đánh chặn siêu thanh đa tầng như hiện nay, bất kể đòn đánh từ tên lửa đạn đạo hay vũ khí siêu thanh nào cũng không thể lọt qua phòng thủ Nga.

Đặc biệt theo tiết lộ của Izvestia, hệ thống S-300V4 của phòng thủ Nga vừa chính thức được trang bị đạn đánh chặn tốc độ siêu nhanh để đối phó với đòn đánh từ vũ khí siêu thanh đối phương.

Quyết định trang bị được thực hiện sau khi phòng thủ Nga hoàn thành tất cả các bài thử nghiệm đối với loại đạn đánh chặn thế hệ mới dành cho hệ thống S-300V4.

Kết quả thử nghiệm cho thấy đạn đánh chặn có khả năng tấn công không chỉ các mục tiêu hiện đại, mà còn cả những đối tượng mục tiêu siêu thanh mà việc phát triển nó ở nước ngoài còn lâu nữa mới hoàn thiện.

Phòng thủ Nga ra tuyên bố cho biết: "Tổ hợp phòng thủ S-300V4 có khả năng tấn công mục tiêu siêu thanh là nhờ loại đầu đạn mới được chế tạo đặc biệt cho nó.

Loại đầu đạn có tốc độ siêu thanh và có thể bắn trúng mọi phương tiện tấn công từ trên không và trên vũ trụ tiên tiến hiện nay và có triển vọng sẽ được chế tạo trong tương lai, ở tầm bắn tới 400 km".

Với khả năng đánh chặn của S-300V4, tổ hợp này có thể diệt gọn mục tiêu siêu thanh và sở hữu tầm bắn tương đương S-400. Như vậy, cùng với S-300V4, S-400 và S-500, phòng thủ Nga có ít nhất 3 hệ thống phòng thủ chuyên đối phó với vũ khí siêu thanh.

Bởi trước đó, ông Sergei Khatylev, cựu chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không của Không quân Nga cho biết, hệ thống S-500 không chỉ là hệ thống phòng không mà nó còn là hệ thống phòng thủ có thể đối phó với cả những mục tiêu không gian.

Vũ khí này có khả năng giải quyết một số nhiệm vụ như phát hiện và phá hủy các mục tiêu khí động học thông thường, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu vượt âm.

"Với khả năng hạ gục mọi mục tiêu ở tầm xa 600km ở độ cao 200km, hệ thống S-500 có thể phòng thủ hiệu quả với cả những mục tiêu trong không gian gần. Nói cách khác, đây là vũ khí đủ mạnh để chống lại những vũ khí trrong không gian và mục tiêu siêu vượt âm", chuyên gia Sergei Khatylev nói.

Để thực hiện nhiệm vụ của mình, S-500 được trang bị một số loại đạn đánh chặn thế hệ mới 77N6-H và 77N6-H1. Tốc độ của những đạn tên lửa này có thể đạt trên 7km/s.

Ngoài ra, Nga cũng đang thử loại đạn đánh chặn thế hệ mới dành cho S-400, đối phó với vũ khí siêu thanh hoàn toàn nằm trong khả năng. Trong cuộc thử nghiệm hồi cuối tháng 3/2020, hệ thống S-400 đã sử dụng đạn tên lửa có tốc độ Mach 14 diệt gọn mục tiêu siêu thanh.

Như vậy, việc Mỹ dùng tên lửa siêu thanh tấn công Nga gần như không thể thực hiện bởi chúng khó có thể vượt qua lưới lửa phòng thủ đa tầng của Moscow.

Trong khi đó, nếu Mỹ tấn công Nga bằng vũ khí siêu thanh, Washington sẽ phải nhận lại đòn đánh từ những vũ khí có tốc độ không tưởng từ Nga như Kinzhal bay Mach 10, Avangard có tốc độ cực đại Mach 27...

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-sieu-thanh-my-khien-nga-mat-co-hoi-phan-cong-3421611/