Tên lửa Rampage Israel vượt ngoài khả năng đánh chặn của S-300

Để đánh chặn vũ khí tấn công đường không đáng gờm như tên lửa siêu thanh Rampage của Israel thì phòng không Syria nên trông cậy vào những tổ hợp khác chứ không phải là S-300.

Từ trước tới nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 có thể đối phó với mọi loại mục tiêu tấn công đường không ở mọi độ cao cũng như cự ly.

Tuy nhiên điều này được xác định là không chính xác, bởi mỗi một hệ thống tên lửa phòng không được chế tạo ra là nhằm tối ưu hóa cho một cự ly và độ cao đánh chặn nhất định.

Ví dụ như S-300, đối tượng tác chiến của nó chủ yếu là máy bay ném bom chiến lược, hay máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không, hoặc tiêm kích hoạt động ở độ cao lớn.

Đối phó với những mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình lợi dụng địa hình địa vật xâm nhập trận địa thì năng lực đánh chặn của S-300 còn thua xa một tổ hợp tầm ngắn đó là Pantsir-S1.

Trường hợp vụ tấn công được không quân Israel thực hiện nhằm vào khu vực tỉnh Masyaf của Syria, khi mục tiêu nằm ngay bên cạnh phạm vi bảo vệ của S-300 là điển hình.

Chuyên gia quân sự Nga Alexey Leon cho rằng S-300 không được tối ưu hóa để diệt mục tiêu kiểu tên lửa Rampage, vai trò này nên giao cho Buk-M2E hoặc Pantsir-S1.

Hai hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung trên có đạn đánh chặn và radar điều khiển hỏa lực được tối ưu hóa cho nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu ở độ cao thấp xuất hiện ngay trước mặt.

Phương thức "phóng nóng" của đạn tên lửa 57E6 thuộc tổ hợp Pantsir-S1 hay 9M317 của Buk-M2E sẽ giúp cho phía phòng thủ có thời gian phản ứng nhanh hơn trước nguy cơ bất ngờ ập đến.

Theo vị chuyên gia quân sự Nga, trong cuộc không kích vào Masyaf thì các tổ hợp Buk-M2E và Pantsir-S1 của phòng không Syria đã bắn hạ tới 6 trên 10 tên lửa siêu thanh Rampage của Israel (con số này chưa được kiểm chứng).

Nếu trong trường hợp trên mà dùng tên lửa 48N6 của S-300 để bắn chặn Rampage thì hiệu quả tác chiến sẽ chẳng thể nào đạt tới con số lý tưởng đến như vậy.

Nhận định của vị chuyên gia quân sự đầu ngành của Nga đã dập tắt những kỳ vọng cho rằng việc S-300 Syria chưa khai hỏa đánh chặn tên lửa siêu thanh Israel là vì một nguyên nhân nào đó chứ không phải nó không thể.

Ngoài vấn đề tính năng kỹ chiến thuật, giá thành của mỗi quả đạn tên lửa đánh chặn 48N6 có giá bán từ 1,5 cho tới 2,5 triệu USD, chênh lệch quá lớn so với Rampage.

Do vậy nếu phòng không Syria dùng tên lửa 48N6 để đánh chặn Rampage thì trong khi hiệu quả chưa thấy đâu họ đã là bên phải chịu thiệt hại nhiều hơn, khi mỗi quả Rampage chỉ có giá 300.000 USD mà thôi.

Nhưng nếu như tổ hợp S-300 của Syria được xác định là ít hoặc không thể phát huy hiệu quả khi đánh chặn tên lửa siêu thanh Rampage, hay một loại đạn tấn công nào đó của Israel thì vai trò thực sự của nó là gì?

Để trả lời câu hỏi này rõ ràng là khá nan giải đối với giới chức quân sự Nga cũng như Syria, đồng thời thực tế trên cũng khẳng định lại một lần nữa sự vượt trội của vũ khí tấn công so với phòng thủ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ten-lua-rampage-israel-vuot-ngoai-kha-nang-danh-chan-cua-s300/808208.antd