Tên lửa nguy hiểm nhất hành tinh Stinger sắp bị Mỹ 'khai tử'

Lục quân Mỹ đang có kế hoạch 'khai tử' tên lửa Stinger, loại tên lửa vác vai được đánh giá là 'ác mộng' của Nga.

Tạp chí Hàng không của Mỹ mới đây công bố báo cáo cho biết, Mỹ đang tìm kiếm một hệ thống tên lửa phòng không vác vai thế hệ mới để thay thế tên lửa Stinger đã có gần 40 năm phục vụ.

Theo báo cáo, Lục quân Mỹ dự kiến trước năm 2026 sẽ mua 8.000 tên lửa phòng không vác vai mới. Bất kỳ sự thay thế nào cho tên lửa Stinger phải tương thích với hệ thống Phòng không Tầm ngắn Cơ động tạm thời (IM-SHORAD) do Mỹ phát triển dựa trên khung gầm xe bọc thép Stryker.

 Tên lửa Stinger chuẩn bị khai hỏa. Nguồn: Sina.

Tên lửa Stinger chuẩn bị khai hỏa. Nguồn: Sina.

Một nguồn tin cho biết, Lục quân Mỹ hiện đang tiến hành nghiên cứu việc sử dụng công nghệ hiện đại cho các tên lửa phòng không vác vai mới, tên lửa mới sẽ có thể tiêu diệt các loại máy bay không người lái (UAV) từ UAV ScanEagle loại nhỏ do Boeing chế tạo đến UAV RQ-7B Shadow.

Lục quân Mỹ đang cải tiến tên lửa phòng không Stinger Block 1 với ngòi nổ mới có thể diệt mục tiêu mà không cần tiếp xúc, nhưng phiên bản đầu tiên của tên lửa này sẽ bị loại bỏ dần vào năm tài chính 2023. Tên lửa Stinger được phát triển vào năm 1972 và được lắp đặt vào năm 1981.

Hệ thống tên lửa này bao gồm tên lửa FIM-92 Stinger dài 1,52 m, ống phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực. Bản thân tên lửa được dẫn đường bằng hồng ngoại và được khống chế bay bởi 4 cánh quạt.

Tên lửa Stinger đã từng được Mỹ cung cấp cho các tổ chức kháng chiến Afghanistan trong cuộc chiến với Liên Xô. Theo "Niên giám Pháo binh Phòng không Mỹ" năm 1993, Lực lượng phiến quân Afghanistan đã sử dụng tên lửa Stinger trong khoảng 340 trận chiến và bắn rơi 269 máy bay các loại, với tỷ lệ trúng đích là 79%.

Gần một nửa số máy bay của Liên Xô bị tổn thất trong cuộc chiến Afghanistan là do tên lửa Stinger. Đến nay, loại tên lửa này vẫn được đánh giá là tên lửa vác vai nguy hiểm nhất hành tinh của Lục quân Mỹ.

Được biết, sau khi Liên Xô triển khai lực lượng quân sự tại Afghanistan để chống lại phiến quân Mujahideen, Mỹ quyết định can thiệp và cung cấp cho phiến quân các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai để đối phó với không quân Liên Xô. Những tổ hợp tên lửa Stinger đầu tiên được CIA chuyển tới Afghanistan vào tháng 9/1986 trong chiến dịch mật mang tên "Gió lốc".

Tên lửa Stinger nhanh chóng trở thành vũ khí đáng sợ đối với phi công trực thăng Liên Xô, chỉ trong tháng đầu tiên sau khi nhận vũ khí mới, phiến quân bắn hạ ba trực thăng Mi-24. Tới cuối năm 1986, Liên Xô mất tổng cộng 23 máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự vì tên lửa phòng không Stinger của Mỹ.

Stinger thậm chí còn đủ sức đe dọa cả các tiêm kích MiG của Liên Xô, làm thay đổi đáng kể cục diện chiến trường. Không ít ý kiến cho rằng Stinger là một trong những yếu tố khiến Liên Xô sau đó quyết định rút quân khỏi Afghanistan.

Không chỉ ở Afghanistan, tên lửa Stinger cũng “làm mưa làm gió” ở chiến trường Syria. Lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Idlib đã nhiều lần dùng Stinger bắn hạ UAV, trực thăng quân sự Syria và không ít lần khiến chiến đấu cơ Nga phải phóng mồi bẫy thoát thân khi hoạt động tại Idlib.

Quan chức quân sự của Nga từng tiết lộ, Su-24 và cả cường kích thế hệ mới Su-34 của Nga đến nay vẫn chưa có cách khắc chế nào tối ưu hơn ngoài việc phải dùng mồi bẫy khi gặp phải đòn tấn công từ Stinger.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/ten-lua-nguy-hiem-nhat-hanh-tinh-stinger-sap-bi-my-khai-tu-269880.html