Tên lửa Mỹ khiến tàu Đức nổ tung

Quân đội Đức xác nhận, một quả tên lửa SM-2 (Mỹ sản xuất) đã khiến khu trục hạm Sachsen của lực lượng này nổ tung trong cuộc tập trận trên Biển Bắc.

Theo xác nhận của Đức, sự cố xảy ra khi một quả tên lửa hạm đối không SM-2 được phóng lên không thành công và phát nổ khi chưa kịp rời tàu.

Đám cháy từ vụ nổ đã làm hư hại tàu nhưng may mắn không ai thiệt mạng. Quân đội Đức nhấn mạnh họ không phát hiện dấu hiệu lỗi nào với tên lửa trước khi phóng.

Được biết, tại thời điểm chiếc tàu gặp sự cố, khu trục hạm Sachsen đang cùng với tàu săn ngầm Luebeck đang tiến hành tập trận trong một khu vực được lựa chọn đặc biệt.

Ngay sau sự cố, con tàu đã phải đến cảng Harstad của Na Uy để đánh giá hư hại và khả năng hoạt động của con tàu.

Chiến hạm Mỹ phóng SM-2.

Dù chưa biết nguyên nhân khiến quả tên lửa đánh chặn SM-2 do Mỹ sản xuất phát nổ nhưng vụ nổ này khiến người ta nhớ lại vụ việc đặc biệt nghiêm trọng hồi năm 1988 khi hệ thống Aegis và SM-2 trên tuần dương hạm USS Vincennes Mỹ phối hợp bắn hạ máy bay A300 Iran làm toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Theo thông tin được công khai, khoảng 10h17 ngày 3/7/1988 định mệnh, cơ trưởng Mohsen Rezaian cùng phi hành đoàn của chiếc Airbus A300B2 số hiệu 655 của hãng hàng không Iran Air được lệnh cất cánh từ sân bay Bandar Abbas (phía nam Iran) lên đường đi Dubai.

Trong khoảng thời gian đó, Hải quân Mỹ đang thử nghiệm hệ thống chiến đấu Aegis trên hạm tuần dương USS Vincennes gần eo biển Hormuz - nơi chuyến bay 655 sẽ bay ngang qua.

Tàu ngầm USS Vincennes lưu đỗ tại vịnh Persian trong bối cảnh cuộc chiến tranh Iran - Iraq vẫn đang diễn ra, được triển khai nhằm bảo vệ tàu chở dầu của Kuwait cũng như hạn chế các hoạt động tàu ngầm của Iran. Hạm trưởng USS Vincennes lúc đó là Tướng William C. Rogers III.

Giống như phần lớn các máy bay hiện đại, chiếc Airbus của Iran Air được trang bị hệ thống phát sóng nhận dạng - một phiên bản nâng cấp hơn của hệ thống nhận dạng, bạn hay thù (IFF) được dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Sau khi cất cánh khỏi đường bay số 21, chiếc Airbus A300B2 mã hiệu 655 được lệnh từ trạm kiểm soát không lưu Bandar Abbas yêu cầu bật hệ thống phát sóng nhận dạng và hướng về vịnh Persian.

Tín hiệu máy bay 655 xuất hiện trên radar của tàu tuần dương Vincennes vào lúc 10h17 và 10h19. Theo các tài liệu điều tra sau này của chính phủ Mỹ, tàu Vincennes đã nhầm chiếc máy bay dân sự này sang thành một chiếc chiến đấu cơ.

Giới chức lúc đó đã nhận dạng các thông số bay của chiếc A300B2 giống như một chiếc F-14A của không quân Iran. Theo Đô đốc William Crowe, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hệ thống phát sóng nhận dạng của máy bay dân sự 655 đã phát ra một mã ở kênh quân sự Chế độ 2.

Trong 3 phút tiếp theo, tàu Vincennes đã đưa ra tín hiệu cảnh báo ngược lại trên tần số báo động hàng không quân sự, và cũng đã nhiều lần cố liên lạc với phi hành đoàn chuyến bay 655 nhưng không có lời hồi đáp.

Đến 10h24, Tướng Rogers ra lệnh bắn hai tên lửa phòng không SM-2 vào chiếc máy bay nghi ngờ là chiến đấu cơ F-14A kia. Chiếc máy bay chở 290 người bốc cháy và rơi xuống vịnh Persian, không một ai sống sót.

Ngay chiều hôm đó, trực thăng Iran và tàu cứu hộ đã khẩn trương đến khu vực máy bay rơi để tìm kiếm thi thể người gặp nạn. Chỉ cho đến tận tối muộn cùng ngày, binh sĩ hải quân và những người trên tàu Vincennes mới nhận ra sai lầm chết người của mình.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-my-khien-tau-duc-no-tung-3360676/