Tên lửa LRASM Mỹ sánh ngang Zircon?

Có thể tấn công mục tiêu cách xa gần 400km và trang bị công nghệ tàng hình, giới quân sự Mỹ tin LRASM sánh ngang tên lửa siêu thanh Zircon của Nga.

Thông tin bất ngờ được trang Avia của Nga dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, tên lửa chống hạm LRASM có nhiều đặc điểm tương tự đạn siêu thanh Zircon ở tầm bắn và độ thông minh.

Tên lửa LRASM được phát triển để đáp ứng tình hình mới mà Hải quân Mỹ đang đối mặt mà Harpoon không thể thực hiện.

Tên lửa diệt hạm Harpoon ra đời nhằm đối phó hải quân Liên Xô thời Chiến tranh lạnh; còn LRASM là nhằm khắc chế sức mạnh đang gia tăng của hải quân Nga và những đối thủ khác của Mỹ.

Cả hai loại tên lửa diệt hạm Harpoon và LRASM đều có các thiết bị điện tử dẫn đường cho đầu đạn nhắm đến mục tiêu ở xa đường chân trời; tuy nhiên sự khác biệt nằm ở tầm bắn xa hơn và khả năng tự tác chiến của LRASM so với Harpoon.

Tên lửa JASSM.

Tên lửa JASSM.

LRASM là loại tên lửa diệt hạm thông minh, có tính năng tàng hình, hoạt động như một máy bay không người lái cảm tử bay đến mục tiêu mà nó lựa chọn xa đến 370 km.

Hệ thống điều khiển điện tử của loại tên lửa này tự tìm mục tiêu mà không cần công nghệ hỗ trợ dẫn đường như GPS, có trang bị phần mềm trí tuệ nhân tạo, khả năng gây nhiễu radar…

Hải quân Mỹ chính thức trang bị tên lửa LRASM từ năm 2018. Loại LRASM này thực ra dựa trên cơ sở tên lửa không đối đất JASSM có biệt danh "kẻ tiêu diệt khủng bố" vì có khả năng phá hủy hầm ngầm của quân khủng bố. Giới quân sự Mỹ tin rằng, LRASM hội tụ yếu tố cần thiết để được coi là đối thủ với Zircon của Nga.

Tuy nhiên, việc chỉ có tầm bắn chưa đầy 400km và tốc độ bằng khoảng 1/5 của Zircon nên không thể coi JASSM là vũ khí đồng hạng với tên lửa siêu thanh của Nga. Bởi theo giới thiệu của Nga, Zircon được làm từ loại vật liệu tổng hợp độc nhất vô nhị, trong đó có các-bon và sợi các-bon, khiến quả tên lửa này trở nên nhẹ hơn, đồng thời có thể biến nó gần như vô hình với máy quét.

Giới quân sự Nga tiết lộ, chất tổng hợp mà các nhà khoa học sử dụng để chế tạo với Zircon khá giống với KIMF, được dùng trong tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mang tên 3M3 Skiff. Là sản phẩm của nhà máy Chelyabinsk UMATEX, KIMF là loại chất liệu nhẹ song rất cứng cáp, chịu nhiệt tốt.

Điều làm nên sự khác biệt rõ nhất giữa Zircon với JASSM là tên lửa Nga có thể buay với tốc độ tối đa gần 10.000km/h. Đối phương sẽ không thể phát hiện tên lửa này trên radar của họ, hoăc có thể trông thấy nhưng hiện phương Tây chưa có cách nào đánh chặn vũ khí có tốc độ nhanh như vậy.

Tình huống này cũng đã được tạp chí Popular Mechanics thừa nhận, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ với trình độ công nghệ như hiện nay sẽ chỉ có khoảng 20 giây để bắn hạ một quả tên lửa như Zircon.

Khoảng thời gian này hầu như không đủ để người chỉ huy lực lượng phòng thủ nhận định việc gì đang xảy ra, chứ đừng nói đến phóng tên lửa để đánh chặn tên lửa siêu thanh đang bay đến.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/ten-lua-lrasm-my-sanh-ngang-zircon/20191128041806716