Tên lửa không đối đất siêu thanh AGM-183A Mỹ 'vượt xa Kh-47M2 Kinzhal' Nga

Với tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW, không quân Mỹ đã có trong tay một vũ khí tấn công cực mạnh, sở hữu tính năng cao cấp hơn nhiều so với Kh-47M2 Kinzhal của Nga.

 Không quân Mỹ mới đây đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm đối với phương tiện bay siêu vượt âm phóng từ trên không có tên định danh là AGM-183A Air Launched Rapid Reac Weapon, hay ARRW.

Không quân Mỹ mới đây đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm đối với phương tiện bay siêu vượt âm phóng từ trên không có tên định danh là AGM-183A Air Launched Rapid Reac Weapon, hay ARRW.

Tên lửa AGM-183A ARRW đã được triển khai từ một máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress cất cánh tại căn cứ không quân Edwards, California. vào ngày 12-6-2019.

Một phiên bản chỉ có cảm biến của nguyên mẫu ARRW đã được B-52 mang ra bên ngoài trong quá trình thử nghiệm, mục đích để thu thập dữ liệu xử lý trong môi trường hoạt động và kiểm tra độ tương thích với máy bay.

Theo thông báo từ không quân Mỹ, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn với phần đầu đạn lượn Tactical Boost Glide tách khỏi phần thân sau khi đạt quỹ đạo thiết kế, cho phép tới đạt tốc độ tối đa Mach 20.

Tầm bắn của tên lửa chưa được công bố cụ thể nhưng ước tính con số này sẽ không dưới 2.000 km, thậm chí có thể còn lớn hơn rất nhiều, đạt tới trên 5.000 km.

Cuộc thử nghiệm này được thông báo thu về kết quả rất tích cực, mở ra triển vọng để hoàn thành chương trình vũ khí đầy tham vọng trên vào năm 2022 theo cam kết với Lầu Năm Góc.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin tự tin cho hay rằng mặc dù đi sau nhưng với tiềm lực khoa học và tài chính hùng hậu, Mỹ sẽ vượt qua Nga trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm.

Tên lửa AGM-183A được coi là "phát súng" mở màn của Mỹ, nó được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với loại Kh-47M2 Kinzhal đình đám của Nga.

Tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal của Nga thực chất là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M, nó có quỹ đạo bổ nhào khi công kích mục tiêu khá đơn giản.

Trong khi đó đầu đạn của tên lửa AGM-183A thuộc dạng đạn lượn siêu thanh, nó có quỹ đạo cực kỳ linh hoạt và không thể dự đoán trước, chưa kể vận tốc còn gấp đôi Kh-47M2 Kinzhal.

Một chi tiết nữa cần quan tâm đó là để đạt tới vận tốc tối đa Mach 10 và vươn tới cự ly 2.000 km, Kh-47M2 Kinzhal sẽ yêu cầu tiêm kích MiG-31K phải phóng đạn ở độ cao 20 km và duy trì tốc độ Mach 2.

Tiêu chuẩn trên là cực kỳ ngặt nghèo và chỉ có chiếc MiG-31K mới làm nổi, nếu triển khai Kh-47M2 Kinzhal từ oanh tạc cơ siêu âm Tu-160 hay Tu-22M3 thì con số lý tưởng sẽ không thể đạt được.

Trong khi đó nền tảng mang phóng tên lửa AGM-183A bao gồm các loại máy bay ném bom chiến lược B-52H, B-1B hay B-2A có thể phóng đạn từ điều kiện thông thường mà vũ khí này vẫn đạt tới thông số tối ưu.

Qua những so sánh cơ bản trên có thể hiểu được vì sao giới chuyên môn cho rằng tên lửa AGM-183A của Mỹ vượt xa Kh-47M2 Kinzhal của Nga ở mọi chỉ số cốt lõi.

Cuộc chiến tranh Lạnh phiên bản hai giữa những siêu cường quân sự hàng đầu thế giới rõ ràng đã bắt đầu và mức độ khốc liệt theo dự báo sẽ đạt tới mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ten-lua-khong-doi-dat-sieu-thanh-agm183a-my-vuot-xa-kh47m2-kinzhal-nga/814609.antd